Thử tưởng tượng rằng khi bạn đang ngập đầu trong công việc, Doraemon bỗng nhiên xuất hiện, dùng bảo bối "tủ điện thoại theo yêu cầu" và giúp bạn có thêm hai tiếng mỗi ngày để dư dả thời gian, thong thả vừa chơi - vừa làm. Nghe có vẻ tuyệt vời, đúng không? Thế nhưng, điều này đã được khoa học chứng minh là không hề mang lại hiệu quả.
Bạn có muốn một ngày dài hơn để giải quyết công việc vì quá bận rộn?
Trong bài viết về "Bận rộn tối ưu", LeLa Journal đã nhắc tới tình trạng nhiều người dùng lý do bận rộn để "biện minh" cho việc trì hoãn, chậm tiến độ công việc hoặc trễ deadline. Ngay cả Giáo sư Sendhil Mullainathan của trường Đại học Harvard cũng chia sẻ rằng ông từng có biểu hiện như vậy.
Xuất phát từ chính vấn đề của bản thân khi phải đối mặt với khối lượng công việc ngày càng nhiều đã khiến Giáo sư Mullainathan không thể hoàn thành kế hoạch đúng thời hạn, đặc biệt là các dự án về xoá đói giảm nghèo tại chính quê hương Ấn Độ. Ông luôn than thở với cộng sự của mình là Giáo sư Eldar Shafir về việc mình luôn cần có thêm thời gian để xử lý vì tình trạng quá tải (1). Tuy nhiên, sau một quá trình làm việc và nghiên cứu, hai người họ phát hiện ra rằng vấn đề của Giáo sư Mullainathan và người nghèo đều có chung một điểm mấu chốt.
Đó là nếu rơi vào tình trạng thiếu thốn tài nguyên (tiền bạc, thời gian, thông tin…) trong một khoảng thời gian dài, con người sẽ bỏ qua những yếu tố quan trọng hơn, dẫn đến tâm lý lo lắng và khó khăn trong việc quản lý những gì đang sở hữu (2).
Hay nói cách khác, việc tập trung vào những gì không có khiến bản thân quên đi những gì đang sở hữu, mà đó mới chính là nguồn lực để giải quyết vấn đề, điều này được gọi là "tư duy khan hiếm" (scarcity mindset) (3). Thế nên, dù người bận rộn có thêm thời gian, người túng thiếu có thêm tiền bạc hoặc tương tự, Nobita có thêm bảo bối mà cậu luôn vòi vĩnh thì họ cũng sẽ khó mà quản lý nguồn tài nguyên đó một cách hiệu quả.
Trong cuốn sách "Scarcity: Why Having Too Little Means So Much" (tạm dịch là "Khan hiếm: Tại sao có quá ít lại dẫn đến nhiều vấn đề"), Giáo sư Sendhil Mullainathan cùng nhà Tâm lý học hành vi Eldar Shafir đã giải thích rằng tư duy khan hiếm làm tiêu hao năng lượng tinh thần - thứ trực tiếp ảnh hưởng đến năng lực hành vi và nhận thức của chúng ta. Nhiều người cho rằng năng lực này là cố hữu, trong khi thực tế nó có thể thay đổi theo hoàn cảnh.
Trong những bài kiểm tra trí thông minh, việc thêm một số câu hỏi phụ liên quan đến vấn đề chi tiêu (ví dụ như giả định tình huống phải đi sửa ô tô với chi phí đắt đỏ) có thể khiến những người thu nhập thấp lập tức nhận về kết quả ít hơn 13 đến 14 điểm IQ - tương đương với sự giảm sút trí tuệ sau một đêm mất ngủ. Trong một nghiên cứu khác, nông dân trồng mía ở Ấn Độ thực hiện những bài kiểm tra này kém hiệu quả hơn vào thời điểm trước thu hoạch (lúc đang eo hẹp về tiền bạc) so với sau thu hoạch (4), (5), (6).
Nếu chỉ nhìn theo bề nổi thì người nghèo túng quẫn vì thiếu kỹ năng làm giàu, người bận rộn luôn tất bật vì thiếu khả năng quản lý thời gian, cũng như người ăn kiêng khó duy trì chế độ được lâu vì thiếu nghị lực hoặc người cô đơn mãi sống một mình vì... thiếu người yêu. Tuy nhiên, xét từ góc độ một chiều như vậy thì chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn thoát ra khỏi tình trạng luẩn quẩn này vì vấn đề trở nên mơ hồ, chung chung, không có hướng giải quyết. Còn khi xem xét những điều đó trên khía cạnh "tư duy khan hiếm", việc can thiệp sẽ trở nên khả thi hơn. Đó cũng chính là ý nghĩa của công trình nghiên cứu từ Giáo sư Sendhil Mullainathan cùng nhà Tâm lý học hành vi Eldar Shafir.
"Tư duy khan hiếm" đã tạo nên một vòng lặp, khiến người nghèo cứ phải tính toán chi li, khó thể cải thiện điều kiện kinh tế, còn người bận rộn thì phải chạy đua với deadline khiến bản thân mệt mỏi, không có đủ thời gian để suy xét việc phát triển bản thân về lâu dài. Để thoát ra khỏi vấn đề này, nhóm tác giả của cuốn sách "Khan hiếm: Tại sao có quá ít lại dẫn đến nhiều vấn đề" cho rằng chúng ta cần tập trung vào năng lực tinh thần qua những giải pháp sau:
1. Tiết kiệm hoạt động não bộ: Quay lại bài học của chủ nghĩa khắc kỷ mà LeLa Journal đã đề cập trong bài viết trước, chúng ta chỉ nên quan tâm đến những thứ trọng yếu và bớt đi những việc thừa thãi. Bộ não của con người có giới hạn, gánh nặng của cuộc sống đời thường nên được giảm bớt nếu muốn công việc của bản thân trở nên hiệu quả hơn (7).
2. Thoát khỏi sự cám dỗ: Với những người ưa thích công việc, sự cám dỗ có thể đến từ những điều mới mẻ thú vị vừa được phát sinh thay vì đống deadline ngán ngẩm đang chờ xử lý. Tuy nhiên, thói quen này cần được chấm dứt bằng cách tập trung làm việc để hoàn thành các dự án cũ xong xuôi trước khi nhận thêm các công việc mới.
3. Thiết lập thời gian nghỉ ngơi: Đừng làm việc quá tải mà hãy dành chỗ cho những suy nghĩ, cho phép bản thân có thời gian rảnh rỗi để nuôi dưỡng tâm hồn, tái tạo năng lượng.
Đây cũng là lời khuyên của Giáo sư Mullainathan dành cho những người dân nghèo ở quê mình. Tại đây, cuộc sống của họ quay cuồng trong bận rộn và đói nghèo giữa cơm áo gạo tiền cùng nợ nần chồng chất. Ông đưa ra giải pháp dành một ít thời gian tĩnh tâm vào buổi sáng để ăn bánh mì và uống trà, dần dà sẽ giúp họ thoát khỏi "vòng lặp bề bộn" này sau 6 tháng.
4. Đặt lời nhắc nhở: Nhắc nhở bản thân rằng có những việc quan trọng khác phải làm như chăm sóc sức khỏe, quan tâm đến các thành viên trong gia đình... Những việc này thoạt nhìn tưởng chừng không tác động đến hiệu suất công việc, nhưng lại giúp chúng ta duy trì được năng lượng tinh thần - yếu tố quan trọng trong việc đối phó với sự khan hiếm thời gian hay "burnout" khi đi làm.
5. Tìm kiếm sự hỗ trợ: Nếu làm mọi cách nhưng vẫn không thể ngơi tay khỏi công việc, đã đến lúc cần sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, cấp trên, bạn bè, gia đình hoặc chuyên viên tham vấn tâm lý. San sẻ công việc là cách mà một cá nhân hay tập thể có thể lớn mạnh và đi đường dài cùng với nhau (8).
Tin vui dành cho những người cảm thấy thiếu thốn thời gian, đó là thời gian trên Trái Đất sẽ dài ra thêm 1 tiếng mỗi ngày mà không cần phép màu nào cả. Cách đây 1.4 tỷ năm, Trái Đất quay quanh trục chỉ mất 18 giờ 41 phút, con số này cứ tăng dần lên và có thể đạt 25 giờ/ngày trong... 200 triệu năm nữa (9). Và nếu công nghệ có thể kéo dài tuổi thọ và giúp chúng ta bất tử đến lúc ấy, bạn sẽ dành 1 tiếng "cộng thêm" mỗi ngày đó để làm gì, tái tạo năng lượng tinh thần hay tiếp tục chạy đua với deadline?
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.