Nền kinh tế cảm xúc vận hành dựa vào nhiên liệu chính là cảm xúc của người dùng, nhất là những người dùng trẻ tuổi. Bạn đã bao giờ chi tiền chỉ vì... "thích" chưa? Thử đọc bài này của LeLa Journal và kiểm tra ngay xem mình có bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế cảm xúc không nhé.
Cuối tháng 7 vừa qua, nhóm nhạc Blackpink đã có một concert thành công rực rỡ tại Thủ đô Hà Nội, mang đến cho hàng chục ngàn người hâm mộ những khoảnh khắc đáng nhớ của một bữa tiệc âm nhạc xứng tầm quốc tế. Các fan của Blackpink, cũng như rất nhiều fan của các idol khác, sẵn sàng chi rất nhiều tiền để mua vật phẩm gắn liền với idol.
Không chỉ là các fan đu idol, mà ngay cả các fan của thể thao điện tử (esport) cũng "nguyện rong ruổi" cùng đội qua các trận đấu giải, dù là du đấu quốc tế (1).
Đây chính là những ví dụ tiêu biểu nhất về nền kinh tế cảm xúc (economics of emotion/emotional economy).
Chúng ta thường bị chi phối bởi cảm xúc, dù cho chúng ta có phải chịu áp lực sử dụng tư duy logic để đưa ra những quyết định quan trọng. Nhưng trên thực tế, khi cân nhắc những mặt tốt, xấu của các quyết định, chúng ta có thể vô tình dựa vào cảm xúc của mình (2).
Các doanh nghiệp đã tận dụng điều này để điều chỉnh chiến lược tiếp thị, truyền tải thông điệp nhằm kết nối cảm xúc với khách hàng.
Bạn mua một chiếc xe vì nhu cầu đi lại, nhưng khi cân nhắc, bạn sẽ ít nhiều suy nghĩ việc bản thân trông thế nào khi lái chiếc xe đó, họ hàng sẽ hỏi bạn chi bao nhiêu tiền, đồng nghiệp sẽ ngạc nhiên ra sao, nửa kia của bạn sẽ cùng sử dụng xe thế nào... Đây đều là những vấn đề liên quan ít nhiều tới cảm xúc.
Khi doanh nghiệp đánh trúng vào điểm này ở khách hàng, cảm xúc mới là yếu tố chính thúc đẩy chúng ta trong tiến trình chuyển đổi hành vi và đưa ra quyết định mua hàng (3). Thứ chúng ta mua không chỉ là một sản phẩm hay một dịch vụ mà còn là "cảm giác".
Nhiều thanh thiếu niên đến concert Blackpink để thỏa mãn nhu cầu cảm xúc, rằng mình còn trẻ và tràn đầy sức sống, một tinh thần YOLO (bạn chỉ sống một lần). Một số người trưởng thành cũng sẵn sàng chi tiền tới concert vì họ cảm thấy "mình có khả năng chi trả cho đời sống tinh thần". Có thể thấy rằng nếu các thế hệ trước đề cao tiêu chí "ăn chắc mặc bền" thì thế hệ ngày nay khá tập trung vào câu chuyện "ăn ngon mặc đẹp".
Họ không chỉ làm việc để đáp ứng những tiện ích cơ bản như nhà cửa, ăn uống sinh hoạt hằng ngày, mà còn để thỏa mãn nhu cầu cảm xúc.
Tinh thần của buổi concert mang lại cảm giác bùng cháy và đầy năng lượng nên việc chi hàng triệu đồng để "quẩy" sẽ mang lại cảm giác thỏa mãn hơn là chi trả cho những sinh hoạt cơ bản lặp đi lặp lại hằng tháng. Cũng là xem esport trên màn hình, nhưng trực tiếp xem đội đấu và xem trên màn hình lớn tại khán đài thì... "sướng" hơn (4). Tương tự như vậy, những người bỏ tiền mua chiếc xe đắt tiền đôi khi chỉ vì khao khát khẳng định hình ảnh bản thân thành công, quyền lực... đúng như những gì thương hiệu quảng bá.
Ngày nay, doanh nghiệp ngày càng tìm cách kết nối với khách hàng của mình bằng cách thấu hiểu họ. Điều này được thực hiện bằng cách thu thập dữ liệu của khách hàng để dự đoán hành vi, thái độ của họ.
Công nghệ được sử dụng để đọc, phân tích và thậm chí là... tái tạo những cảm xúc còn "khiếm khuyết" ở con người.
Việc thấu hiểu cảm xúc mang lại các dòng doanh thu rất tiềm năng cho doanh nghiệp. Việc tạo ra các liên kết tình cảm sẽ thúc đẩy khách hàng quay trở lại mua hàng của thương hiệu đó và tạo nên những lợi thế cạnh tranh về tương tác, gắn kết với khách hàng (3).
Nền kinh tế cảm xúc phổ biến bao gồm hầu hết các lĩnh vực kinh doanh. Nhiều thương hiệu lớn sẵn sàng chi tiền cho các chiến dịch marketing nhằm truyền tải các thông điệp ý nghĩa, đánh vào cảm xúc người tiêu dùng. Thay vì quảng cáo tính năng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ một cách trực diện, họ chọn cách kể những câu chuyện truyền tải giá trị mà đối tượng tiêu dùng hướng đến để làm gia tăng tình yêu thương hiệu.
Nhìn chung, nền kinh tế cảm xúc là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình đến gần với khách hàng, nhưng đứng dưới góc độ của một người tiêu dùng, điều này đôi khi dẫn đến một số hệ quả.
Đôi khi, những quyết định quá cảm xúc khi mua sắm sẽ khiến chúng ta rơi vào "ma trận" khiến bạn quên mất thứ mình thực sự cần.
Bạn vào cửa hàng với ý định mua một chiếc túi, nhưng lại đi ra với nhiều quần áo, giày dép, phụ kiện... nhưng có khi lại không có chiếc túi xách định mua ban đầu.
Những cảm xúc "tùy hứng" lúc lựa chọn sản phẩm sẽ khiến chúng ta phát sinh dự định mua hàng mà món đồ đó thường không thật sự cần thiết. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những kế hoạch tài chính của chúng ta.
Ngoài ra, nền kinh tế cảm xúc khiến cho con người có suy nghĩ rằng niềm vui và hạnh phúc của họ phụ thuộc vào những hàng hóa, dịch vụ mà họ tiêu thụ, chẳng hạn như việc bạn cảm thấy phải ăn gà rán thì mới vui, hoặc buổi sáng trời đẹp phải ăn phở thì mới thú...
Đời sống vật chất đủ đầy khiến con người quan tâm đến tinh thần cảm xúc nhiều hơn, vui thì mua sắm để ăn mừng, buồn thì mua sắm để "xả stress". Như vậy, chúng ta luôn có lý do để chi tiền. Điều này làm thúc đẩy chủ nghĩa chuộng tiêu dùng, dẫn đến tình trạng dư thừa và tệ hơn là gia tăng nợ nần do lạm dụng "quẹt" thẻ tín dụng.
Hãy để những trải nghiệm cảm xúc khi chi tiền khiến bạn thấy mình có quyền tự chủ.
Việc chi tiền cho những cảm xúc cá nhân là không sai nhưng cần biết giới hạn. Chúng ta có thể biến những trải nghiệm mua sắm đầy cảm xúc thành động lực tích cực. Chẳng hạn, bạn đã chi một số tiền lớn cho concert ở Hà Nội, khi trở về, bạn cảm thấy thỏa mãn và thấy yêu đời hơn.
Lúc này, bạn đang thúc đẩy bản thân mình đến những giới hạn cao hơn của sự cố gắng và bứt phá nhiều hơn.
Việc có một kế hoạch chi tiêu hợp lý là rất cần thiết.
Khi quyết định mua một món đồ, hãy cân nhắc thật kỹ xem bản thân có thật sự cần hay không. Hoặc khi muốn chi một số tiền lớn cho những thứ mình yêu thích, bạn có thể lên kế hoạch tích góp trong một thời gian nhất định. Như vậy, bạn sẽ không ảnh hưởng đến tài chính cá nhân mà cũng không cần vay nợ.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?