Mỗi khi đến gần cuối năm, ngoài việc tính xem đi đâu, chơi gì để kết lại một năm vất vả, thì có một thứ khiến chúng ta “đau đầu” không kém: "Tặng quà gì?". Quà Giáng sinh cho em gái ở nhà, quà cho ngày-đổi-quà với đồng nghiệp, thậm chí là quà cưới bởi nhiều người tổ chức đám cưới vào cuối năm... Chẳng những vậy, vấn đề quan trọng nhất là "tặng quà làm sao để không trùng với món quà ở những năm trước?"
Từ câu thành ngữ "bánh ít trao đi, bánh quy trao lại", có thể thấy việc tặng quà từ lâu đã là một cách để xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội (1), (2). Khi tặng quà, cả người tặng và người nhận đều có thể trải qua nhiều cung bậc trạng thái cảm xúc từ vui sướng, ngạc nhiên, thậm chí tức giận, buồn bã... (3).
Chính vì thế khi chọn quà cho người khác, chúng ta thường tập trung nhiều vào cảm nhận của người được tặng.
Tuy nhiên, tập trung vào cảm xúc của đối phương không có nghĩa là chúng ta sẽ chọn món quà đúng ý thích của họ. Thực tế cho thấy rằng chúng ta thường chọn quà theo giả định cá nhân, miễn sao cho đối phương nở nụ cười vui vẻ khi mở quà. Nói cách khác, thay vì tập trung vào tính hữu ích lâu dài của món quà, chúng ta lại tập trung vào phản ứng ngay tức thì của người nhận.
Nếu người nhận có phản ứng tích cực như ngạc nhiên, vui mừng... điều đó sẽ khiến chúng ta cảm thấy tự hào (4). Chẳng hạn, một chiếc áo sơ mi mặc đi làm, tuy có giá trị thực tế, nhưng đôi khi lại bị chúng ta bỏ qua, thay vào đó là một chiếc áo đính kim tuyến lấp lánh, bởi đây là món quà thu hút ánh nhìn và khiến người nhận cảm thấy thích thú hơn.
Tâm lý tập trung vào phản ứng tức thì đôi khi lại khiến món quà chỉ có tác dụng "để đó", bởi nó không thực sự phù hợp với người nhận.
Như chiếc áo lấp lánh nói trên, khả năng cao sẽ nằm trong một góc tủ và chỉ mặc được trong một vài dịp nhất định, chứ không đa công dụng như chiếc sơ mi công sở "nhàm chán" và chẳng có gì đặc biệt.
Không chỉ vậy, chúng ta còn có xu hướng chọn những món quà đắt tiền, bởi suy nghĩ "giá tiền đi đôi với giá trị". Thực tế thì một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 lại cho thấy điều ngược lại: Khi nhận quà, người nhận thực ra lại đề cao tấm lòng của người tặng hơn là giá trị của món quà (5).
Cụ thể, trong một thực nghiệm nhỏ, các nhà khoa học chia những người tham gia nghiên cứu thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên được nhận quà là hai chai rượu vang; trong khi nhóm thứ hai, hoặc là nhận được ba chai rượu, hoặc là không nhận được gì với lý do người tặng đang trong một chuyến công tác nên không có thời gian để mua quà. Sau đó, cả hai nhóm trả lời câu hỏi cảm nhận về món quà.
Kết quả cho thấy mức độ yêu thích món quà giữa hai nhóm là như nhau, bởi khi nhận quà tặng, họ không quá quan tâm đến giá trị hay số lượng món quà. Điều họ thực sự chú ý tới là thành ý của người tặng, nó khiến những yếu tố khác bị "lu mờ".
Nói cách khác, của cho không bằng cách cho.
Chọn quà đôi khi lại là một thách thức vô cùng khó khăn, tùy thuộc vào hoàn cảnh và tính chất mối quan hệ.
Từ việc lấy thành ý và giá trị lâu dài làm nền tảng, dưới đây là một số tiêu chí mà chúng ta có thể cân nhắc để chọn được món quà phù hợp.
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, áp lực tiêu dùng mùa lễ hội lại không hề giảm xuống. Chúng ta phải cân đối ngân sách cho nhiều khoản chi khác nhau và chi phí tặng quà không nên là một gánh nặng.
Một món quà giá trị không nhất thiết là một món quà đắt tiền, mà đôi khi chỉ cần là thứ đối phương thực sự yêu thích. Ví dụ, món quà tuyệt vời nhất dành cho một bé gái 10 tuổi có thể chỉ đơn giản là cuốn truyện tranh giá 25.000 đồng ở hiệu sách. Không cần búp bê Barbie, không cần vé vào công viên nước... - những thứ có giá trị gấp mười lần - mà chính cuốn truyện yêu thích mới mang tới một niềm vui nhỏ bé có ý nghĩa cho cô bé đó.
Nghiên cứu cho thấy chúng ta thường đặc biệt yêu thích những món quà được cá nhân hóa, bởi nó cho thấy người tặng đã thực sự để tâm và nỗ lực khi chuẩn bị quà cho chúng ta (6). Thậm chí, kể cả khi đó không phải thứ chúng ta cần đến, nhưng việc được nhận thứ dành riêng cho mình cũng khiến chúng ta trân trọng món quà.
Để cá nhân việc tặng quà, chúng ta có thể thêm thắt những chi tiết dành riêng cho người nhận, chẳng hạn như viết một tấm thiệp có tên, lời chúc và nêu lý do tại sao chúng ta chọn món quà đó cho họ. Hoặc đơn giản là chọn thứ đúng sở thích cá nhân của người nhận quà, như cuốn truyện tranh 25.000 đồng nêu ở trên.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đôi khi, việc cá nhân hóa lại có thể mang đến "sự cố".
Đó là khi chúng ta cá nhân hóa tới mức người nhận khó có thể sử dụng nhưng cũng... không thể đổi, trả món quà đó. Chẳng hạn, bạn mua tặng mẹ một chiếc ví da có khắc tên, nhưng mẹ bạn lại cần ví nhỏ hơn để có thể đặt vào trong túi xách hoặc vừa trong cốp xe.
Những tình huống đổi quà như vậy có thể gây khó xử cho cả đôi bên nhưng không phải là hiếm gặp. Ở vị trí là người tặng quà, nếu bạn cảm thấy thoải mái khi người nhận đi đổi món quà khác phù hợp hơn, bạn có thể cho họ biết điều đó bằng cách nói trực tiếp với họ, tức là trực tiếp nói rằng "bạn có thể đổi quà nếu muốn". Ngoài ra, người tặng quà cũng nên tiết chế các hình thức thiết kế quà tặng mang tính "cá nhân hóa" quá triệt để, thay vì in tên người nhận trực tiếp lên món quà, bạn có thể đặt chi tiết đó vào một tấm thiệp đính kèm hoặc một vật phẩm nhỏ có thể tách rời.
Khi ấy, người nhận vẫn có cảm giác được quan tâm đặc biệt mà không bị khó xử nếu muốn đổi trả quà.
Những món quà được gói cẩn thận, chỉn chu chính là một cách hay để thể hiện thành ý. Chẳng hạn, nếu bạn chọn quà là một chiếc cà vạt vintage, bạn có thể thử gói hộp quà thành hình cái áo sơ mi. Điều này sẽ khiến hộp quà của bạn nổi bật hơn và người nhận cũng sẽ vui sướng hơn khi nhận quà.
Bạn có thể tìm kiếm các video gói quà độc lạ trên Youtube. Dưới đây là video về hộp quà hình áo sơ mi:
Erica Erulo, cựu biên tập viên tại tờ Condé Nast, thường tự hỏi bản thân 3 câu hỏi sau mỗi khi cô chọn quà tặng (7):
Đây đều là những tiêu chí tặng quà lấy nhu cầu và cảm xúc của người nhận làm trọng tâm. Theo Erica, nếu câu trả lời là "Có" cho cả ba, thì bạn đã chọn được một món quà tuyệt vời cho đối phương.
Để tránh bí ý tưởng, Erica Erulo gợi ý chúng ta nên có một danh sách các món quà "tiềm năng" và phải được cập nhật thường xuyên. Chẳng hạn, khi bạn nghe đối phương vô tình buột miệng kể rằng họ đang yêu thích thứ gì đó hoặc than phiền rằng một món đồ của họ đang bị hỏng, cần thay mới...
Điều này giúp chúng ta tránh tình trạng "bí ý tưởng" quà tặng, đồng thời chọn được món quà phù hợp với người nhận.
Còn nếu người nhận là người chúng ta không quá thân thiết để có thời gian tìm hiểu, nghe ngóng từ họ thì sao?
Chúng ta có thể chọn giải pháp an toàn như sách, cây cảnh để bàn làm việc, quần áo - những thứ có giá trị thực tiễn và có thể dùng được trong nhiều tình huống. Chúng ta cũng không nên quá áp lực khi chọn quà cho những mối quan hệ sơ giao hoặc lo lắng rằng mình không hiểu cặn kẽ ý thích của họ, vì như nghiên cứu khoa học ở trên đã khẳng định, thành ý mới là điều quan trọng.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?