Trong một xã hội nơi tuổi thọ trung bình đang dần vượt ngưỡng ba chữ số, cuộc sống của con người chắc chắn sẽ mang một hình hài rất khác so với bây giờ. Vậy cơ hội nào, thách thức nào đang chờ đón thế hệ tương lai?
Ngày nay, việc một người sống đến năm 70 tuổi hoặc hơn được cho là điều bình thường. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Vào năm 1950, tuổi thọ trung bình toàn cầu chỉ vỏn vẹn có 46 năm (1). Con số có cao hơn ở những nước phát triển, với tuổi thọ trung bình tại Mỹ là 65 và tại Nhật là 60 tuổi.
Kể từ đó đến nay, tuổi thọ của con người đã gia tăng với tốc độ chóng mặt. Theo ước tính của Ủy ban Dân số Liên Hợp Quốc, tuổi thọ trung bình toàn cầu vào năm 2023 sẽ đạt mức 73 tuổi và tại một số quốc gia đã vượt trên mức 85 tuổi (2).
Như vậy, chỉ trong vài thập kỷ, cuộc đời của một con người đã có thể kéo dài thêm đến hơn 20 năm. Thành tựu vĩ đại này có được là nhờ những tiến bộ trong công nghệ y học, sự cải thiện về điều kiện sinh hoạt và dinh dưỡng, cùng với việc nâng cao nhận thức về sức khỏe. LeLa Journal cũng từng có bài viết "Bí quyết từ những người sống khỏe đến trăm tuổi", độc giả có thể tham khảo thêm tại đây.
Xu hướng gia tăng tuổi thọ của con người được cho là vẫn sẽ còn tiếp diễn. Theo dự đoán của các nhà nhân khẩu học, việc "sống lâu trăm tuổi" hoàn toàn có thể trở thành tiêu chuẩn chung tại các quốc gia phát triển vào năm 2050 và thậm chí sẽ bắt đầu trở nên phổ biến ngay từ thế hệ Alpha - thế hệ những đứa trẻ được sinh từ sau 2010. (3)
Tuy không có định nghĩa tuyệt đối về thời điểm bắt đầu của từng giai đoạn cuộc đời nhưng theo quan niệm phổ biến trong xã hội hiện nay, tuổi trưởng thành thường bắt đầu từ 18 - 22 tuổi, sau khi con người hoàn thành chương trình giáo dục và sẵn sàng gia nhập lực lượng lao động. Ở tuổi 35 - 40, một người được cho là bắt đầu bước vào giai đoạn trung niên. Đây là thời điểm quỹ đạo cuộc đời của phần lớn mọi người đều đã đi vào ổn định và không còn nhiều thay đổi. Từ tuổi 60 trở đi, khi cơ thể trở nên lão hóa và sức khỏe dần xuống dốc, con người bắt đầu từ giã sự nghiệp và bước vào giai đoạn tuổi già.
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc đời của con người kéo dài đến trăm tuổi? Liệu có còn hợp lý nếu quãng thời gian về hưu kéo dài đến non nửa cuộc đời?
Cùng với tuổi thọ trung bình ngày càng tăng, quan niệm của xã hội về các cột mốc của cuộc đời cũng sẽ dần thay đổi. Trên thực tế, để đối mặt với tình trạng già hóa dân số do tỷ lệ sinh thấp trong khi tuổi thọ lại tăng cao, phần lớn các quốc gia đều đã có kế hoạch về việc tăng độ tuổi nghỉ hưu trong tương lai (4). Một cuộc sống lâu dài hơn cũng đồng nghĩa với nhiều năm lao động hơn và với thế hệ kế cận, 60 tuổi có lẽ sẽ là quá sớm để nghỉ hưu và tận hưởng tuổi già.
Với một thế hệ có độ tuổi trung bình là 100, điều đó có nghĩa là mỗi cá nhân có thể dành đến 60 năm cho sự nghiệp của mình.
Tương ứng thời kỳ lao động kéo dài, các công ty cần phải thay đổi cơ chế linh hoạt hơn, bắt đầu với việc giảm bớt số ngày làm việc trong tuần. Các hình thức làm việc phi truyền thống, như làm từ xa hay bán thời gian, được cho là cũng sẽ trở nên phổ biến hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động lớn tuổi.
Bên cạnh đó, một trong những lợi ích của việc có tuổi thọ cao hơn là thế hệ sau này sẽ có thêm thời gian để tập trung cho giáo dục và đào tạo. Thay vì hoàn thành chương trình giáo dục vào những năm 20 tuổi, thì khi tuổi thọ ngày càng tăng, con người sẽ có nhiều thời gian để khám phá và theo đuổi học vấn.
Tuy nhiên, tương lai cũng không phải chỉ toàn màu hồng với thế hệ mai sau. Có nhiều thời gian để chinh phục ước mơ hơn không có nghĩa là việc đạt được thành tựu trở nên dễ dàng hơn. Những lao động lớn tuổi sẽ khó có được công việc trên thị trường tuyển dụng. Các doanh nghiệp thường có xu hướng tuyển dụng người trẻ để giảm các chi phí thâm niên người lao động đồng thời làm mới bộ máy nhân sự. Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Hưu trí Hoa Kỳ vào năm 2020, có đến 78% lao động lớn tuổi đã chứng kiến hoặc gặp phải sự phân biệt tuổi tác tại nơi làm việc (5).
Chúng ta thường quan niệm rằng, một người càng sống thọ là càng có phúc. Đó là lý do ta thường chúc mọi người "sống lâu trăm tuổi". Tuy nhiên, liệu điều này có hoàn toàn chính xác?
Một điều cần phải lưu ý, đó là tuổi thọ dài hơn không đồng nghĩa với việc tuổi trẻ của con người cũng sẽ kéo dài. Một người có thêm hai mươi năm để sống không có nghĩa rằng người đó vẫn ở trong độ tuổi thanh niên. Ngược lại, tuổi thọ tăng lên là bởi chúng ta có nhiều năm tháng trong giai đoạn lão niên hơn. Giáo sư khoa học thần kinh Guy Brown nhận xét: "Những năm được thêm vào cuối cuộc đời của chúng ta là những năm tháng kém chất lượng" (6).
Vậy điều gì sinh ra cảm giác hạnh phúc và hài lòng trong cuộc sống? Câu hỏi này cũng dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều. Có quan điểm cho rằng, hạnh phúc đích thực đến từ việc theo đuổi những mục tiêu sống có ý nghĩa, chẳng hạn như nuôi dạy con cái, phát triển sự nghiệp hay hoàn thành một dự án tâm huyết. Nếu sống đủ lâu, con người sẽ có thể hoàn thành hết những mục tiêu cá nhân của mình, dẫn đến buồn chán và mất phương hướng. Ngược lại, một số khác cho rằng, con người vẫn có thể không ngừng thay đổi và tìm kiếm những giá trị mới của cuộc đời bất kể đang ở độ tuổi nào.
Vậy rốt cuộc, một xã hội tương lai nơi con người sống lâu đến trăm tuổi liệu có tốt đẹp hơn bây giờ? Rất nhiều dự đoán đã được đưa ra nhưng cuối cùng thì thời gian vẫn sẽ là thứ duy nhất có thể trả lời xác đáng câu hỏi này.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an