Khi muốn tìm kiếm một công việc mới, bên cạnh những trang web tuyển dụng, trung tâm việc làm, chúng ta cũng thường dựa vào sự giới thiệu của bạn bè, người thân. Tuy nhiên, hoá ra những mối quan hệ thân thiết này lại không giúp ích gì được mấy trong quá trình tìm kiếm công việc mới, dựa trên một báo cáo nghiên cứu công bố trên tạp chí Science.
Các nhà nghiên cứu tại Harvard, Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts và LinkedIn đã tiến hành thử nghiệm bằng cách sử dụng thuật toán "Những người bạn có thể biết" của LinkedIn để đề xuất ngẫu nhiên các kết nối có ít quan hệ với nhau cho một số người dùng (nhóm 1) và các kết nối gần gũi hơn cho những người khác (nhóm 2). Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ở nhóm 1 sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn nhóm còn lại (1).
Cuộc thử nghiệm diễn ra trên quy mô lớn với hơn 20 triệu người dùng LinkedIn khắp thế giới trong suốt năm năm.
Các mối quan hệ xã hội có ít kết nối hoặc dính dáng đến nhau (hay còn gọi là "weak ties" - những mối quan hệ hời hợt, xã giao) dùng để chỉ những người quen biết nhưng không hay giao tiếp với nhau, thường là đồng nghiệp cũ, bạn bè đã lâu không liên lạc, lãnh đạo cũ hoặc người bạn… Mặc dù những mối quan hệ xã giao thế này ít tác động đến đời sống thường ngày, tuy nhiên ở một vài thời điểm, chúng sẽ trở nên rất hữu ích.
Vào năm 1973, nhà xã hội học người Mỹ Mark Granovetter đã xuất bản một bài báo khoa học mang tựa đề "Sức mạnh của những mối quan hệ hời hợt, xã giao". Trong đó, ông chỉ ra rằng chúng ta thường người có xu hướng tìm được công việc mới thông qua những người quen biết xã giao (27.8%) thay vì bạn bè thân thiết (16.7%) (2).
Lý giải về điều này, Giáo sư Granovetter cho rằng những mối quan hệ xã giao có thể mang lại nguồn thông tin đa dạng, phong phú hơn về thị trường việc làm. Trong khi đó, vòng tròn bạn bè, người thân của chúng ta nhỏ hơn rất nhiều. Do vậy, khả năng tiếp cận của họ đến các nguồn thông tin tuyển dụng mới cũng hẹp hơn hẳn.
Đầu tiên, bạn nên bắt đầu bằng cách cập nhật những thông tin quan trọng về học vấn cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp của bản thân một cách chỉn chu trên nền tảng tìm kiếm và chia sẻ công việc Linkeln.
Hãy chủ động kết bạn với nhiều người có cùng lĩnh vực làm việc và những nhà tuyển dụng. Sau đó, chủ động tương tác với những bài đăng của họ để duy trì lượng tương tác. Bạn cũng có thể bình luận vào những bài đăng của họ và đưa ra những ý kiến cá nhân mang tính chuyên môn. Trò chuyện, thảo luận với họ về một đề tài, lĩnh vực nào đó có thể cho họ thấy kiến thức và năng lực của bạn cũng là một cách để lại ấn tượng. Như vậy, họ sẽ có căn cứ và cơ sở để nhớ đến bạn khi giới thiệu công việc.
Theo Kristi DePaul, Giám đốc điều hành của Founder Marketing, gửi tin nhắn cho những người mình muốn kết nối trên Linkeln cũng là một "nghệ thuật". Nếu tin nhắn của bạn không đi vào trọng tâm hoặc thiếu chừng mực thì sẽ rất khó thu hút được sự chú ý và nhận được hồi âm (3). Một mẩu tin nhắn như sau sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng:
"Chào anh, tôi may mắn được theo dõi sự nghiệp thành công của anh trong những năm qua. Hiện tại, tôi đang công tác ở vai trò [...] Trước đây anh từng công tác ở vị trí này và có nhiều kinh nghiệm chuyên môn, anh có thể dành một chút thời gian để cho tôi lời khuyên khi theo đuổi công việc này được không? Tôi rất vinh hạnh nếu nhận được hồi âm từ anh. Trân trọng."
Song song đó, tham gia các hội thảo liên quan đến cơ hội nghề nghiệp cũng là một cách để có thêm các mối quan hệ xã hội. Từ những buổi tham dự sự kiện, bạn có dịp làm quen với các chuyên gia khác trong ngành, tìm hiểu về các xu hướng mới và tạo ra các kết nối có thể dẫn đến các cơ hội việc làm trong tương lai. Bạn có thể tìm hiểu thêm những "mẹo" bắt chuyện với người lạ qua bài viết này của LeLa Journal.
Ngoài ra, khi đến hội thảo, bạn có thể hiểu rõ hơn về ngành và nhận lời khuyên từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm đã từng làm việc ở đó như một "món quà" vô giá khi đến phỏng vấn công việc hoặc đàm phán về mức lương.
Học kỹ năng mới và đạt được các chứng chỉ là một phần quan trọng trong việc tiếp thị bản thân. Trong một thị trường việc làm không ngừng phát triển, việc bạn luôn cập nhật các xu hướng để khiến mình trở nên nổi bật. Một cách để làm điều này là nhận các khóa học và chứng chỉ mà sau đó bạn có thể thêm vào bộ hồ sơ của mình. Làm như vậy thể hiện cam kết của bạn đối với việc học hỏi và luôn đi trước đón đầu, đồng thời giúp các nhà tuyển dụng tiềm năng hiểu rõ hơn về những gì bạn có thể mang lại cho công ty của họ.
Theo Deborah Elam, Giám đốc điều hành của Corporate Playbook, phương cách tuyển dụng cũ dựa trên bằng cấp và số năm kinh nghiệm không còn hiệu quả nữa. Thay vào đó, các doanh nghiệp đang bắt đầu tuyển dụng dựa vào việc kỹ năng của ứng viên có phù hợp với vị trí đó hay không.
Deborah Elam đưa ra ví dụ về một người đã nghỉ việc một khoảng thời gian nhưng đã quản lý thành công quá trình gây quỹ cho trường học của con họ. Nỗ lực đó có thể đòi hỏi khả năng quản lý dự án, sự nhạy bén về tài chính và nghệ thuật thuyết phục - đây là những kỹ năng rất đáng được cân nhắc (4). Vì vậy, bạn đừng ngần ngại ghi vào hồ sơ công việc những năng lực bạn cho rằng rất đắt giá dù chúng trông có vẻ "phi chính thức".
Bên cạnh đó, nếu có cơ hội tham dự một hội thảo hay sự kiện thì việc giới thiệu bản thân một cách ấn tượng cũng là dịp để bạn mở rộng các mối quan hệ. Tự giới thiệu mình với người lạ tại các hội thảo và sự kiện có thể là một nhiệm vụ khó khăn nhưng biết cách thực hiện điều đó một cách ấn tượng là một kỹ năng tuyệt vời. Phần giới thiệu hiệu quả sẽ giúp bạn mở ra cơ hội việc làm và tăng mạng lưới công việc.
Để đảm bảo bạn có ấn tượng ban đầu tuyệt vời, điều quan trọng là phải nghĩ ra những cách sáng tạo để trình bày thế mạnh, kinh nghiệm, kỹ năng và tham vọng của bạn theo cách khiến mọi người chú ý.
Chuyên gia truyền thông Christina Del Villar cho rằng nhiều thương hiệu lớn đã thành công trong việc thiết kế "cá tính" cho mình và kết nối chúng với khách hàng mục tiêu. Nếu Nike nổi tiếng với khẩu hiệu "Just do it" (Cứ làm đi), Apple là "Think Different" (Nghĩ khác), thì ở Facebook là tinh thần "Move fast and break things" (Đi nhanh và phá vỡ mọi thứ).
"Ở góc độ xây dựng thương hiệu cá nhân cũng vậy, bạn phải thể hiện được mình đại diện cho điều gì, giá trị và "sản phẩm" của bạn là gì (tức là ở tư cách một nhân viên tiềm năng, bạn sẽ mang lại điều gì)" - Christina Del Villar gợi mở (5).
Ví dụ, thay vì giới thiệu một cách đơn giản như là mình đang làm chăm sóc khách hàng tại công ty ABC. Bạn có thể nói rằng mình đang đảm nhiệm vị trí chăm sóc khách hàng tại ABC và công việc chính là đảm bảo khách hàng có trải nghiệm mua sắm tốt nhất với dịch vụ tận tình. Trải qua nhiều năm làm việc, bạn nhận ra trải nghiệm của khách hàng quan trọng ra sao trong việc tạo ra giá trị cốt lõi cho thương hiệu.
Điều này thể hiện cho mọi người thấy bạn thật sự ý thức về vị trí, trách nhiệm của mình và có những chiêm nghiệm quý báu được hun đúc qua năm tháng.
Cuối cùng, tuy những người có mối quan hệ xã giao không biết rõ về chúng ta nhưng có thể tiếp cận với kiến thức và nguồn lực mà ta không có. Họ cũng sẽ nhìn nhận khả năng của bạn dưới một góc độ hoàn toàn khác so với những người thân thiết. Do đó, tận dụng những mối quan hệ này không chỉ làm tăng cơ hội được tuyển dụng mà còn khiến bạn nhìn ra được những năng lực tiềm tàng của chính mình.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?