Retinol, vitamin C và các hydroxy acid (AHA, BHA) vốn từ lâu được cho là "xung khắc" nhau trong giới mỹ phẩm chăm sóc da, nên nhiều người buộc phải dùng cách ngày. Song, không ít các sản phẩm hoặc các chu trình skincare của nhiều beauty blogger lại có kết hợp cả retinol và các acid mạnh. Vậy thực hư chuyện này như thế nào mà retinol phải cam chịu tiếng oan "không chơi với ai cả"?
Việc sử dụng các thành phần hoạt chất mạnh (active ingredients) trong chăm sóc da không còn là xu hướng mới trong giới skincare. Nếu là một người "đu trend" sử dụng hoạt chất, thì ắt hẳn trong tủ mỹ phẩm của bạn cũng từng có những cái tên "nặng ký" như retinol, vitamin C nồng độ cao, glycolic acid, salicylic acid...
Các thành phần này đều có tính kích ứng cao, vì chúng... mạnh, nên bạn đành phải chọn gắn bó với một chất trong một thời gian, hoặc dùng xen kẽ.
Đùng một ngày, bạn bỗng phân vân về việc kết hợp chúng trong một chu trình chăm da. Nhưng đừng quá lo, ngay cả trang chính thức của Paula's Choice - thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm skincare dựa trên nghiên cứu khoa học - cũng từng nhiều lần "đăng đàn" về vấn đề hiểu lầm hợp chất này.
Các chuyên gia da liễu và mỹ phẩm nói rằng vẫn có cách để bạn thỏa mãn đam mê "mix-and-match" các chất trong quy trình skincare.
Retinol là một dẫn xuất của vitamin A, được phân vào nhóm retinoid. Được ví như "chén thánh" trong việc điều trị nhiều vấn đề của da, retinol giúp giảm melanin (tác nhân gây ra các vết sắc tố trên da) và giảm vùng da thâm do bắt nắng, đồng thời đẩy nhanh tiến trình sừng hóa và kích thích tăng sản collagen ở tầng hạ bì của da, cũng như duy trì lượng collagen và elastin sẵn có trên da.
Theo bác sĩ da liễu Rachel Nazarian tại Viện Da liễu Schweiger, retinol là một chất hoạt động mạnh có tác dụng chống lão hóa (1), giảm sắc tố da và điều trị mụn, cũng như thâm mụn rất được ưa chuộng trong giới thẩm mỹ da liễu.
Tuy nhiên, retinol có thể gây khô da, bong tróc da là vì chất này đẩy mạnh tiến trình thay mới làn da, từ đó khiến các nhân tố giữ ẩm cho da (NMF) bị thiếu hụt hoặc mất đi theo lớp sừng cũ. Chính vì vậy, các chuyên gia hay khuyên nên cấp ẩm sâu khi dùng retinol và không nên dùng chung với các hoạt chất mạnh khác trong cùng một buổi chăm sóc.
Các hydroxy acid bao gồm alpha-hydroxy acid (AHA) và beta-hydroxy acid (BHA) là các acid (pH 3 – 4) có tác dụng tẩy tế bào chết cho làn da (exfoliator), từ đó giúp da cải thiện được bề mặt, cải thiện sắc tố, trị mụn và kháng viêm. Vì bản chất các hydroxy acid này có khả năng "tẩy rửa" bề mặt da, cũng như đào thải lớp sừng trên bề mặt, nên chúng ta không thể bỏ qua nguy cơ gây kích ứng.
Vitamin C là chất chống oxy hóa có tác dụng làm sáng da và củng cố hàng rào bảo vệ da. Tương tự như các hydroxy acid, vitamin C thường ít được khuyên dùng ở nồng độ cao vì chất này chỉ hoạt động tốt ở nền pH có tính acid (pH 3 – 4) nên với nồng độ cao, nó có thể gây bỏng rát, bong tróc da.
Vậy câu hỏi quan trọng là "liệu retinol có thể "ngồi chung mâm" acid mạnh hay không?"
Câu trả lời là có và không. "Không" nếu bạn chưa hiểu về bản chất của các hoạt chất này và chưa làm quen với chúng. "Có" nếu làn da của bạn đã quen với việc sử dụng các hoạt chất mạnh và việc phối hợp các chất tẩy mạnh này phải tuân thủ nguyên tắc.
Tuy nhiên, dù đã quen với việc sử dụng hoạt chất mạnh, chúng ta vẫn cần lưu ý rằng việc kết hợp retinol và các acid có tính chất tẩy rửa như hydroxy acid vẫn chứa nhiều rủi ro, vì cả hai loại chất đều có đặc tính gây bong tróc lớp ngoài cùng của da.
Thế nên, các chuyên gia da liễu, như bác sĩ Nazarian, khuyên rằng không nên dùng chung retinol và acid mạnh trong cùng một buổi (1).
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn kết hợp nhóm hoạt chất này để tối đa lợi ích từ chúng thì cần đảm bảo các nguyên tắc bên dưới.
Bạn vẫn có thể kết hợp retinol và vitamin C an toàn.
Khi hai thành phần này kết hợp với nhau, da sẽ sáng lên và cải thiện được nhiều vấn đề lão hóa.
Cụ thể, vitamin C có tác dụng giúp giảm sắc tố, nếp nhăn và tình trạng da chảy xệ. Giống như vitamin C, retinol, các retinoid khác cũng có thể phục hồi độ đàn hồi của da, cải thiện kết cấu của da, đồng thời giúp giảm thiểu nếp nhăn và làm đều màu da.
Do khác biệt về nồng độ pH để hoạt động tốt và nguy cơ kích ứng cao, các chuyên gia khuyên rằng nếu muốn kết hợp vitamin C và retinol vào cùng một chu trình dưỡng da thì bạn nên dùng cách quãng sáng/tối hoặc cách ngày.
Điều đó có nghĩ là bạn có thể dùng serum vitamin C vào buổi sáng và dùng serum hoặc kem dưỡng ẩm có chứa retinol vào ban đêm. Một nghiên cứu cho thấy rằng: Chỉ sau bốn tuần sử dụng vitamin C trong kem dưỡng ẩm và retinol vào chế độ chăm sóc da, người dùng đã thấy rõ sự cải thiện về tình trạng da, cụ thể là da đều màu hơn.
Bên cạnh khả năng tẩy da, AHA còn hoạt động như một chất dưỡng ẩm giúp da duy trì được độ ẩm cần thiết. Trong khi đó, BHA thì tan trong dầu nên có thể làm sạch bụi bẩn, bã nhờn nằm sâu bên trong lỗ chân lông, từ đó giúp retinol thẩm thấu tốt hơn.
Vậy nên, việc kết hợp retinol và AHA/BHA có ích cho làn da của bạn. Song, các chuyên gia khuyên rằng không nền "chồng chất" các hoạt chất mạnh lên da cùng với retinol, vì cả ba thành phần này đều có tính tẩy tế bào chết mạnh.
Nếu dùng chung, da bạn sẽ dễ bị bong tróc, khô rát. Bạn cần cân nhắc cách kết hợp Retinol và AHA/BHA an toàn.
1. Mỗi hoạt chất chỉ nên xuất hiện trong 1 lần trong chu trình chăm sóc da. Chẳng hạn, nếu đã dùng toner chưa AHA/BHA thì không dùng thêm tẩy tế bào chết (exfoliator). Tương tự, nếu đã dùng serum chứa retinol thì không cần thêm kem dưỡng retinol.
2. Nên chọn loại vitamin C được bán trong chai đục, kín khí vì việc tiếp xúc với ánh sáng và không khí có thể gây phản ứng oxy hóa hoặc phân hủy các cấu trúc của vitamin C, từ đó làm giảm hiệu quả hoặc có khả năng gây kích ứng.
3. Chọn dạng AHA có cấu trúc phân tử lớn và ít kích ứng như mandelic acid và có nồng độ thấp. Tương tự như với BHA.
4. Đối với retinol, hãy bắt đầu với nồng độ thấp và chọn loại retinol có sử dụng các công nghệ bọc, hoặc retinol công thức mới.
5. Nên chọn sản phẩm phù hợp với tình trạng da:
6. Điều cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, hãy nhớ chống nắng và cấp ẩm đầy đủ khi sử dụng các hoạt chất mạnh như retinol, vitamin C và AHA/BHA.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an