Meme là một khái niệm được giới thiệu bởi nhà sinh vật học tiến hóa người Anh Richard Dawkins vào năm 1976 trong tác phẩm The Selfish Gene của ông. Ban đầu, meme được định nghĩa là một đơn vị thông tin văn hóa được truyền đi thông qua sự bắt chước (1).
Meme đời đầu thường là các ý tưởng, câu chuyện, hành vi hoặc phong cách cụ thể. Ví dụ, một trong những meme đầu tiên trên Internet là "ROFLcopter" sử dụng các ký tự ASCII (bộ mã ký tự dùng để hiển thị văn bản trong máy tính) để tạo thành hình một chiếc trực thăng.
"ROFLcopter" là một từ ghép từ "helicopter" (trực thăng) và "ROFL" (Rolling On the Floor Laughing).
Meme này được cho là bắt nguồn từ một diễn đàn của trò chơi trực tuyến World of Warcraft III và sau đó đã trở nên phổ biến trên Internet (2).
Trong khi đó, meme hiện đại thường là một hình ảnh đã được "tái chế", sao chép và chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, X... Các dạng meme hiện đại khá đa dạng, bao gồm các hình ảnh hài hước, video, nhân vật nổi tiếng...
Meme dễ dàng thu hút sự chú ý và tạo ra sự kết nối với người xem bằng cách sử dụng hình ảnh, văn bản đơn giản nhưng hấp dẫn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau ba ngày, người xem chỉ nhớ được 10 - 20% thông tin được truyền đạt bằng văn bản hoặc lời nói, nhưng nhớ được gần 65% thông tin ở dạng hình ảnh (3).
Hơn nữa, meme thường dựa trên những nội dung quen thuộc, gần gũi, như những bộ phim, chương trình truyền hình, MV ca nhạc, nhân vật nổi tiếng, hoặc những trải nghiệm, tình huống thường gặp trong cuộc sống...
Meme có khả năng truyền đạt thông tin một cách nhanh chóng và súc tích, điều này phù hợp với Gen Y (Millennials) và Gen Z - những người thường được coi là thích sự thoả mãn tức thì. Đặc biệt, meme không cần phải tuân theo những quy tắc ngữ pháp hay bất kỳ một chuẩn mực nào, cũng không cần phải dài dòng, chi tiết, mà chỉ cần nêu lên những điểm chính, những thông tin quan trọng. Nhờ đó, giúp người sáng tạo tiết kiệm thời gian, công sức và tăng hiệu quả giao tiếp. Ví dụ, một chiếc meme dễ thương dành tặng những bạn đang đọc bài viết này:
Meme, với tính chất hài hước và giải trí, có thể mang lại niềm vui và sự thoải mái cho người xem. Các bài đăng sử dụng meme trên mạng xã hội thường thu hút sự tò mò và hứng thú của người xem, khuyến khích họ tham gia vào cuộc trò chuyện, bình luận và chia sẻ với người khác.
Xét theo một khía cạnh nào đó, meme có thể coi là một dạng "ngôn ngữ" riêng mà chỉ những người đã biết, có cùng sở thích và quan điểm mới có thể tìm hiểu, trò chuyện và tương tác với nhau. Điều này mang tính cộng đồng, xã hội, tạo nên một cảm giác sở thuộc dù là rất nhỏ, giúp mọi người cảm thấy họ không cô đơn trong suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Tuy nhiên, meme cũng có nhiều nhược điểm khi sử dụng trong giao tiếp. Meme có thể gây phản cảm, xúc phạm hoặc thậm chí là làm nhục người khác nếu không được sử dụng một cách cẩn trọng. Vì thường mang tính chất châm biếm, chế nhạo, đôi khi meme có thể chứa những nội dung tiêu cực, thiếu tế nhị, kỳ thị, hoặc bạo lực.
Chẳng hạn, nếu một người đang trong thời gian giảm cân mà được một người gửi cho hình meme dưới đây kèm tin nhắn "Giống m quá!" thì người đó sẽ cảm thấy thế nào?
Một điểm tiêu cực khác là meme có thể làm mất đi tính sáng tạo, độc đáo và chất lượng của nội dung. Có rất nhiều meme thường được sử dụng lại nhiều lần, bị lạm dụng, tạo cảm thấy nhàm chán, không còn hứng thú với người xem. Ví dụ, meme "Bad Luck Brian", bắt nguồn từ một bức ảnh kỷ yếu của một học sinh lớp 7 tên là Kyle Craven. Do sự lặp lại quá nhiều, meme này có thể đã trở nên nhàm chán và không còn thu hút người xem. Nếu chỉ biết bắt chước, sao chép, mà không có sự đầu tư, sáng tạo thì meme cũng có thể làm giảm giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của nội dung gốc, khiến nó trở nên sai lệch và mất đi tính chân thực (4).
Bạn đã bao giờ nghe đến khái niệm "meme marketing"?
Vì meme có khả năng chia sẻ cao, những người sáng tạo nội dung (content creator) và các thương hiệu (brand) sử dụng meme như một công cụ giao tiếp vui nhộn, gần gũi để kết nối với khán giả và tăng tỷ lệ tương tác. Meme marketing là một phần của viral marketing, một phương pháp sử dụng các phương tiện như truyền miệng và mạng xã hội để đạt được mục tiêu tiếp thị (5).
Bạn không cần phải đầu tư nhiều về thiết kế, sản xuất mà chỉ cần sử dụng những công cụ miễn phí hoặc đơn giản hơn là những trang web, ứng dụng chuyên tạo meme, như Meme Generator, Imgflip, Kapwing... Meme marketing có chi phí thấp nhưng mang hiệu quả cao nhờ tính linh hoạt, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng, mục đích, ngành nghề. Một ví dụ điển hình trong việc thành công khi sử dụng meme để thu hút sự chú ý và tăng tương tác với khán giả chính là Netflix.
Nền tảng Netflix may mắn có "ngân hàng nội dung" riêng của mình. Họ thường tạo ra các meme dựa trên những chương trình và bộ phim nổi tiếng do họ sản xuất (6).
Nếu bạn có một tài khoản meme với lượng người theo dõi lớn, các thương hiệu có thể trả tiền cho bạn để tạo và đăng các meme quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Sau đó, bạn có thể sử dụng liên kết tiếp thị của mình để kiếm tiền từ mỗi lượt mua hàng.
Hoặc, nếu bạn là một TikToker và biết cách tận dụng meme để làm cho các video hấp dẫn hơn, từ đó, bạn có thể thu về lượng follower và lượt xem nhất định.
TikTok cung cấp một chương trình gọi là Quỹ Nhà Sáng Tạo, nơi họ trả tiền cho những nhà sáng tạo nội dung dựa trên lượt xem và tương tác. Để tham gia, bạn cần phải có ít nhất 10.000 follower và đã nhận được 100.000 lượt xem video trong 30 ngày qua. Mức thanh toán thường nằm trong khoảng từ 0,02 - 0,04 đô la (khoảng 485 - hơn 971 đồng) cho mỗi 1.000 lượt xem.
Chắc hẳn bạn đã từng ít nhất một lần nghe đến "Thỏ Bảy Màu", nhân vật truyện tranh & hoạt họa được ra mắt vào năm 2014 bởi họa sĩ Huỳnh Thái Ngọc. Fanpage "Thỏ Bảy Màu" đã nhanh chóng trở thành hiện tượng mạng khi sở hữu tuyến nhân vật đáng yêu, những meme viral và đã thu hút được hơn 3 triệu lượt thích, theo dõi.
Với khả năng cập nhật trend cực tốt và phong cách phù hợp với sở thích của giới trẻ, Thỏ Bảy Màu không chỉ xuất hiện trong những khung tranh comic strip, mà còn được xuất bản thành sách và làm nhân vật chính trong series hoạt hình. Một số nhãn hàng lớn đã từng hợp tác với Thỏ Bảy Màu là Unilever, Xiaomi, Grab, Shinhan Bank...
Có thể nói Thỏ Bảy Màu chính là một ví dụ điển hình về việc sử dụng meme trong marketing và sáng tạo nội dung.
Vậy meme là một hình thức giao tiếp hiệu quả hay là một nguồn giải trí vô bổ? Có thể kiếm tiền khi trở thành một "meme maker" hay không?
Đó là những câu hỏi mà chúng ta có thể trả lời theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào góc nhìn, quan điểm, mục đích, hoàn cảnh của mỗi người. Meme có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có thể gây ra nhiều rủi ro. Hãy sử dụng meme một cách có hiểu biết, và tận dụng chúng để tạo ra những trải nghiệm vui vẻ cho chính bạn và người khác. Đôi khi, một bức ảnh có thể mang nhiều ý nghĩa và giá trị hơn ngàn lời nói.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?