Nói dối có thể trở thành "liều thuốc chữa lành" cho người khác nếu biết cách sử dụng.
Theo nhà tâm lý học Bella DePaulo, trong các cuộc hội thoại từ 10 phút trở lên, số câu nói dối có thể lên đến 20% (1). Tất nhiên hầu như ai cũng hiểu được tác hại của việc nói dối. Trong ngắn hạn, nói dối sẽ giúp chúng ta tạm thời giấu đi sự thật nhưng về lâu dài, chúng có hại đến sức khỏe bản thân và gây đổ vỡ các mối quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, khi biết cách sử dụng những lời nói dối vô hại (white lies), bạn có thể bảo vệ bản thân và mọi người.
Theo từ điển Oxford, thuật ngữ "white lies" (xuất hiện từ thế kỷ 16) chỉ những lời nói dối được tạo ra để tránh tổn thương một ai đó. Các nhà khoa học cho rằng white lies có tác dụng đảm bảo các tương tác xã hội được diễn ra suôn sẻ (2) (3) và để tránh cảm giác tiêu cực cho đối phương (4).
Trong y khoa, từ lâu cụm từ "giả dược" (placebo) có nguồn gốc từ tiếng Latin với nghĩa "tôi sẽ hài lòng" đã được sử dụng để chỉ phương pháp chữa bệnh dùng những lời nói dối để xoa dịu bệnh nhân thần kinh.
Năm 1955, bác sĩ Henry K. Beecher đã đăng tải bài báo mang tựa đề The Powerful of Placebo. Bài viết của ông chỉ ra nếu cho bệnh nhân uống nước muối thay vì thuốc thì một phần ba trong số họ cũng sẽ khỏi bệnh, không chỉ về mặt tâm lý mà còn về thể chất (5). Thế nhưng, công hiệu thật sự của giả dược vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Ngày nay các nhà khoa học vẫn không ngừng thực hiện nghiên cứu thực nghiệm để kiểm chứng.
Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Journal of Protective Techniques (6) từng khiến cho bác sĩ Lissa Rankin bất ngờ và bắt đầu tìm hiểu về hiệu ứng giả dược. Năm 1957, ông Wright đang được bác sĩ Philip West điều trị bệnh ung thư hạch bạch huyết.
Thời điểm đó, bác sĩ West chẩn đoán ông Wright sẽ không sống được quá một tuần. Nhưng khi được bác sĩ nói rằng ông đã được tiêm một thứ thuốc tốt với hiệu quả cực cao thì bệnh tình ông Wright lại bất ngờ thuyên giảm, dù thực tế thứ tiêm vào người ông chỉ là nước cất.
Dù ghi nhận tác động tâm lý của giả dược, nhưng trong quyển sách Tâm hơn thuốc, tác giả Lissa Rankin cũng nhấn mạnh rằng, việc sử dụng nói dối để đánh lạc hướng niềm tin của bệnh nhân không phải là một giải pháp tối ưu nhất. Tâm lý tích cực khiến cho bệnh nhân có tinh thần để tiếp nhận điều trị hơn chứ không phải hoàn toàn dựa vào tâm trí để có thể trị bệnh.
Dù biết rằng những lời nói dối vô hại đi liền với mục đích tốt cho người khác, nhưng rõ ràng đấy vẫn là một lời nói dối và không nên được sử dụng thường xuyên. Theo giáo sư Maurice Schweitzer, dưới đây là những quy tắc bạn có thể tham khảo trước khi thực hiện white lies để bảo vệ cho người nghe lẫn bản thân mình (7):
Cân nhắc về tính thời điểm: Những lúc người khác không còn cách nào để thay đổi cục diện thì bạn cũng không cần phải đưa ra lời nói "sát thương". Hãy để dành những góp ý cho lần sau, khi mọi chuyện đã khá hơn.
Mang đến sự trấn an: Khi ai đó cần sự an ủi từ bạn tức là họ đang tìm kiếm những khoảnh khắc được xoa dịu, nếu bạn đối đáp lại bằng sự thẳng thừng thì sẽ chỉ làm tình trạng tồi tệ thêm.
Hỏi ý kiến người nghe: Bạn có thể hỏi thẳng người khác rằng họ có muốn nghe sự thật hay không và cảnh báo trước một số rủi ro. Ít nhất hãy cho đối phương có sự lựa chọn.
Đánh giá động cơ của bản thân: Phải luôn ý thức được tại sao bạn phải dùng đến white lies: vì bạn đang cố gắng làm cho người đó cảm thấy tốt hơn? hay bạn đang hy vọng họ sẽ đền đáp lại bạn? Nếu mục đích của bạn không đơn thuần, trong sáng thì lời nói dối của bạn cũng chẳng còn "trắng" (white) nữa.
Đừng nói dối nếu đối phương có thể tìm ra sự thật: Không có gì tệ hơn việc bạn giả vờ thích ý kiến của ai đấy rồi sau đó họ biết được những suy nghĩ thật của bạn.
Đặt bản thân vào người khác: Hãy tự hỏi chính mình xem bạn có muốn bị lừa dối như vậy trong tình huống tương tự không. Quy tắc vàng này giúp bạn cẩn trọng trong lời nói dối và cân nhắc các hậu quả cũng như mức độ tổn thương của chúng.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.