Con người dành trung bình 250.000 giờ trong suốt cuộc đời cho việc ngủ. Có thể thấy, ngủ không chỉ là cách giúp chúng ta tái tạo năng lượng sau một ngày mệt nhoài mà còn góp phần cho sự phát triển của não bộ. Một giấc ngủ ngon sẽ tốt cho hệ miễn dịch, quá trình trao đổi chất trong cơ thể và sức khỏe thể chất của con người. Đối với trẻ em, hoạt động này còn đặc biệt quan trọng vì sự phát triển của tế bào não trong ba năm đầu đời có liên đới mật thiết đến việc ngủ đủ và ngủ sâu.
Theo National Sleep Foundation, trẻ trong hai tuần tuổi đầu đời cần ngủ 12-18 giờ mỗi ngày, trẻ từ ba tuần đến 11 tuần tuổi cần ngủ 14-15 giờ/ngày, trẻ từ một đến ba tuổi cần ngủ 12-14 giờ/ngày và trẻ từ ba đến năm tuổi cần ngủ 11-13 giờ/ngày (1). Đây chỉ là những con số mang tính chất tham khảo vì mỗi trẻ em đều có một đồng giờ sinh học khác nhau. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của việc ngủ đối với trẻ. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Colorado khẳng định sự liên kết giữa bán cầu não trái và bán cầu não phải tăng lên mạnh mẽ khi trẻ nhỏ ngủ, giúp ích cho sự hoàn thiện não bộ (2).
Trái lại, việc thiếu ngủ về lâu về dài cũng để lại hệ lụy cho trẻ nhỏ. Cụ thể, điều này có thể làm chậm quá trình phát triển chiều cao, tăng nguy cơ béo phì và gây ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của trẻ sau này. Trẻ khi thiếu ngủ cũng rơi vào tình trạng lơ mơ, thiếu tỉnh táo, khó hòa nhịp với các tương tác xã hội và dễ nảy sinh cảm giác cáu gắt. Với trẻ sơ sinh, chúng có thể phản ứng bằng việc cựa quậy tay chân hay quấy khóc giữa đêm và vì thế khiến không ít cha mẹ phải đau đầu. Theo một nghiên cứu gần đây ở Phần Lan, 8/10 bậc phụ huynh có con ba tháng tuổi cho biết con của họ tỉnh giấc giữa đêm hơn năm lần/tuần.
Tình trạng thiếu ngủ có thể đến từ việc trẻ đi vào giấc muộn hoặc không ngủ sâu. Hãy cùng LeLa Journal để khám phá ra những mẹo hay giúp cha mẹ nâng cao chất lượng giấc ngủ cho trẻ.
1. Cho bé tắm nắng vào ban ngày: Khoa học đã chứng minh lượng vitamin D có trong ánh nắng tự nhiên khi hấp thu qua da sẽ giúp bé tăng cường sức đề kháng, thúc đẩy sự phát triển của hệ tiêu hóa khiến bé ăn ngon miệng và dễ đi vào giấc ngủ hơn. Ngoài ra, tắm nắng còn góp phần vào việc tạo nên "hàng rào" miễn dịch, giúp bé giảm thiểu khả năng mắc các bệnh cảm cúm. Tuy nhiên, việc tắm nắng chỉ nên được thực hiện trong khoảng thời gian sáng sớm từ 6 giờ 30 phút - 7 giờ 30 phút vì đây là lúc tia cực tím và tia hồng ngoại còn khá yếu. Cha mẹ chỉ nên cho bé tắm nắng chừng 15 - 30 phút, kết hợp với việc massage nhẹ nhàng cho bé để bé cảm thấy dễ chịu.
2. Thiết lập thói quen trước khi đi ngủ: Thói quen trước khi ngủ hay còn được gọi là trình tự trước khi ngủ (bedtime routine) là điều vô cùng quan trọng mà cha mẹ cần giúp bé hình thành. Thói quen này cần mang tính chất thư giãn để chuẩn bị cho bé một giấc ngủ dễ chịu. Chẳng hạn, theo bác sĩ y khoa Ashanti Woods làm việc tại Baltimore (Maryland, Mỹ) sau mỗi bữa ăn tối, cha mẹ có thể dành thời gian chơi cùng con trẻ, cho bé tắm, đọc truyện cho bé nghe rồi sau đó hát ru bé đi vào giấc ngủ. Chú ý thiết lập một quy trình giấc ngủ đúng giờ và đúng trình tự cho con trẻ. Khi những điều này được lặp lại mỗi ngày, trẻ sẽ tự động tuân theo lịch trình đều đặn như vậy. Không ít đứa trẻ hiếu động muốn dùng dằng đi ngủ muộn hơn vào ban đêm, vì vậy cha mẹ nên lưu ý giúp con trẻ hình thành thói quen trước khi đi ngủ một cách lành mạnh nhất.
3. Hạn chế giấc ngủ trưa dài: Nhiều phụ huynh thường để con trẻ ngủ giấc trưa kéo dài tù tì hai ba tiếng. Thực tế, một giấc ngủ trưa đúng nghĩa chỉ nên kéo dài trong 20 phút, tối đa là 40 phút. Nếu để trẻ ngủ trưa quá lâu, trẻ sẽ trở nên "thừa" năng lượng vào ban đêm và khó đi vào giấc.
4. Tạo một môi trường ngủ hợp lý: Đây là điều cơ bản nhưng không phải cha mẹ nào cũng thực hiện đúng cách. Với trẻ sơ sinh, độ tuổi này rất khó phân biệt giữa ngày và đêm. Trẻ có thể ngủ say sưa vào buổi sáng và mở mắt thao láo lúc đêm khuya. Điều này sẽ khiến thời gian ngủ của trẻ bị xáo trộn. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, cha mẹ nên để cửa phòng sáng sủa nhất có thể vào ban ngày và ngược lại hạn chế ánh sáng vào ban đêm. Bóng tối sẽ giải phóng melatonin, một loại hormone giúp điều hòa giấc ngủ cho trẻ. Việc để đèn sáng khi đêm về cũng sẽ gây ức chế hoạt động tế bào và kìm hãm khả năng phát triển của trẻ. Một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 1/2022 tại Đại học Colorado chứng minh trẻ em trong khoảng ba - năm tuổi rất nhạy cảm với ánh sáng và việc để đèn sáng khi ngủ vào ban đêm sẽ khiến hormone melatonin giảm xuống từ 70 - 99% (3). Đồng thời, cha mẹ nên để căn phòng ở nhiệt độ thoải mái, đắp chăn ấm cẩn thận cho trẻ khi ngủ.
5. Không cho trẻ ăn nhiều trước khi ngủ: Theo nhiều nhà khoa học, nếu trẻ vẫn đói sau bữa tối, tốt nhất bạn chỉ nên cho con mình uống sữa. Phụ huynh cần nhận ra ăn quá nhiều vào đêm muộn sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Bởi lẽ, hệ tiêu hóa của trẻ cần nhiều thời gian hơn người lớn để nghỉ ngơi và phục hồi. Lượng calorie thừa nạp vào sẽ khiến trẻ bị chướng bụng, dẫn tới hiện tượng trào ngược thực quản và làm trẻ dễ lên cơn ho lúc ngủ.
6. Massage cho bé: Nhiều nghiên cứu cho thấy việc người mẹ xoa bóp nhẹ nhàng cho trẻ trong 15 phút trước khi ngủ sẽ khiến trẻ cảm thấy an tâm say giấc nồng hơn. Massage sẽ kích thích hệ thần kinh trung ương và giúp trẻ lưu thông khí huyết. Ở phương pháp này, cha mẹ có thể dùng dầu bôi ấm để xoa nhẹ vào vùng bụng và lưng cho trẻ khi massage.
7. Nói những lời ngọt ngào với trẻ: Trước khi ngủ, cha mẹ có thể kể một câu chuyện hay, cho bé nghe một bản nhạc nhẹ nhàng hay bất kì điều gì tích cực. Ở độ tuổi "sơ khai", não bộ của trẻ rất cởi mở và sẵn sàng tiếp thu những điều mới. Hãy nói những lời êm ái để con trẻ có một giấc ngủ an lành. Vì thế, không nên để cho trẻ tiếp xúc với những bộ phim kinh dị bởi trẻ có thể dễ dàng gặp ác mộng và quấy khóc vào ban đêm.
8. Không nên để trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử ít nhất hai giờ trước khi ngủ: Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng bức xạ từ các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng sẽ gây ức chế melatonin và khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ. Ngoài ra, nếu tiếp xúc với thiết bị điện tử quá nhiều, trẻ sẽ dễ bị suy giảm thị lực, ảnh hưởng trí nhớ và trí não sẽ chậm tiếp thu. Điều này có lẽ hơi khó thực hiện khi sức hút và tiện ích của công nghệ ngày nay khiến trẻ khó rời mắt. Tuy nhiên, nếu kiên nhẫn, cha mẹ dần dà có thể tập cho con thói quen ngủ sớm và ngủ đúng giấc.
Sau cùng, điều cha mẹ luôn quan tâm chính là hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của con trẻ. Để con trẻ có một giấc ngủ sâu, cha mẹ cần từng bước tìm cách thức phù hợp và kiên nhẫn với con, đối xử với con thật dịu dàng. LeLa Journal tin rằng đó cũng là cách để cha mẹ thể hiện tình yêu với con và đem lại cho con sự phát triển toàn diện.
Follow LêLa Parenting - Để có thêm thông tin về nuôi dạy con
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?