Một câu hỏi quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp: Khi nào cần hợp tác với đối thủ, lúc nào nên cạnh tranh?
Trước hết, chúng ta hầu như hiểu rằng cạnh tranh là yếu tố cần thiết để phát triển, mâu thuẫn cũng vậy. Nhưng khi cạnh tranh không lành mạnh, mâu thuẫn chỉ dẫn đến xung đột và bất bình đẳng. Dẫu rằng "buôn có bạn, bán có phường" là điều tốt, nhưng việc các quán xá cùng một sản phẩm kinh doanh san sát, sao chép công thức và thi nhau hạ giá liên tục để hút khách sẽ tự giết chết mình.
Hoặc như vụ kiện Amazon lạm dụng thuật toán Buy Box để phân loại mức độ ưu tiên và hiển thị một cách thiên vị giữa các bên cung cấp (1), hay việc các nhà mạng ở Đà Nẵng "xâm chiếm" hạ tầng Internet của nhau (2) đã làm dấy lên nhiều lo ngại về vấn đề xung đột lợi ích khi cạnh tranh không công bằng.
Tâm thế "khan hiếm" và nỗi sợ bị thay thế (vì tin rằng nguồn lợi là hữu hạn và việc bộc lộ khó khăn là điều dại dột) có thể là thứ đằng sau những hành vi "xấu xí". Khi xem đối thủ là kẻ thù, chúng ta có xu hướng giữ kín bí mật về khó khăn của doanh nghiệp, tránh né cơ hội hợp tác… Chính vì vậy, chúng ta đã tự giới hạn năng lực của mình và bỏ lỡ nhiều cơ hội tạo nên thành tựu.
Vấn đề cạnh tranh bất bình đẳng có nguồn cơn gốc rễ từ lối tư duy zero-sum, hay còn được gọi là tư duy "tổng bằng không" (3).
Zero-sum nói nôm na là kiểu suy nghĩ "được của người này là mất của người kia". Lối tư duy này vô tình áp đặt tâm lý hơn thua trong mọi hành vi của chúng ta, đưa ta vào bẫy nhận thức, khiến ta giản lược mọi quyết định và sự kiện thành vấn đề được-mất.
Có niềm tin sai lệch rằng thị trường là hữu hạn, khan hiếm nguồn lực và phải "giết chết" đối thủ để đạt được lợi ích.
Bẫy nhận thức zero-sum thường được sinh ra từ những môi trường nhiều bất công, hoặc trong các tổ chức phân chia đặc quyền dựa trên cấp bậc. Bởi vì ở đấy, lợi ích được phân phối không đồng đều nên việc tranh giành là điều tất yếu (4). Việc áp dụng lối tư duy này để lại một số hệ quả như những ví dụ dưới đây:
Nhưng đó vẫn chưa phải nan đề hóc búa nhất mà tư duy zero-sum tạo ra. Sự lũng đoạn của lối tư duy này thể hiện rõ nhất khi có sự độc quyền trong cạnh tranh. Việc giảm giá kịch sàn và đốt tiền cho các chương trình khuyến mãi nhằm "đè chết" đối thủ và giành vị trí độc tôn trong ngành không phải là hiếm.
Từ cuộc chiến giảm giá trong những giai đoạn đầu giữa Grab, Gojek, Uber, cũng như cuộc chiến của các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sendo đều cho thấy tâm lý kẻ được - người mất đã tác động ra sao đến chiến lược cạnh tranh.
Trong đời sống hằng ngày, nhất là bối cảnh công sở, sự đấu đá cũng diễn ra khốc liệt không kém. Khi hệ thống khen thưởng và sự thăng tiến của nhân viên bị chi phối chỉ bởi lợi ích, danh vọng (thay vì hướng đến các mục tiêu chung của tập thể và phát triển năng lực bản thân), chúng ta sẽ thường thấy những màn "đấu tố", soi mói nhằm hạ bệ đối thủ. Hình thái "nhẹ nhàng" hơn có thể là giấu nhẹm thông tin nhằm tạo lợi thế cho bản thân, hoặc không dám chia sẻ khó khăn vì sợ người khác sẽ tận dụng điểm yếu của mình.
Nhưng cuộc sống không diễn ra theo cái cách mà để đạt được mọi thứ ta phải luôn cạnh tranh với nhau. Có nhiều tình huống mà ở đó, tất cả chúng ta đều "được" và không ai phải thất bại cả.
Nhận thấy sự bất cập của lối tư duy cực đoan của zero-sum (với chiến lược loại trừ lẫn nhau), các nhà kinh tế đã đề ra một mô hình khác mà ở đó các bên tham gia đều có thể tối ưu hóa lợi nhuận và thỏa mãn được mong đợi (7). Trong nền kinh tế positive-sum (tổng dương), khi của cải được tạo ra nhờ kiến thức mới và công nghệ tiên tiến, các bên bắt đầu hợp tác với nhau vì mỗi bên đều được lợi ích nhiều hơn ban đầu.
Để xây dựng nền kinh tế positive-sum, các doanh nghiệp cần phải đặt lại vấn đề về hợp tác và cạnh tranh. Chiến lược cần phải áp dụng là mô hình hợp-tranh (coopetition). Mô hình này ra đời vào năm 1996 bởi hai giáo sư Adam M. Brandenburger và Barry J. Nalebuff.
Theo đó, mô hình hợp-tranh giúp các doanh nghiệp thoát khỏi cảnh loại trừ lẫn nhau để rồi cùng kéo đối phương xuống vực thẳm. Thay vào đó, coopetition hướng đến việc tạo lợi ích chung cho cả nền kinh tế và đảm bảo các bên tham gia thỏa mãn kỳ vọng và tăng lợi nhuận. Song, lý thuyết này vẫn không chối bỏ sự xuất chúng, rằng một số công ty sẽ chiếm được thị phần cao hơn, tương xứng với sự đóng góp của họ (8).
Xu hướng hợp-tranh diễn ra mạnh mẽ nhất ở lĩnh vực công nghệ, nơi sự cạnh tranh diễn ra gay gắt khi thị trường bị chi phối bởi các ông lớn có lợi thế về vốn và công nghệ. Khi đó, việc các công ty startup là địch thủ hợp tác với nhau nhằm tạo ra điểm đột phá hoặc sản phẩm mới nổi bật trên thị trường, từ đó làm tăng khả năng cạnh tranh.
Vào ngày 17/03/2020, Pfizer và BioNTech SE đã công bố hợp tác để cùng phát triển vắc xin COVID-19 (9). Thỏa thuận lịch sử giữa hai công ty đã tăng năng lực sản xuất để đáp ứng nguồn cung vắc xin toàn cầu, nhờ đó họ có thể sản xuất hàng triệu liều vắc xin vào cuối năm 2020 và hàng trăm triệu liều bổ sung vào năm 2021.
Để hướng tới mô hình hợp-tranh và nền kinh tế positive-sum, nhà nghiên cứu Joseph A. Weissmahr đưa ra một số đề xuất như sau (10):
Trong kỳ 2, LeLa Journal sẽ giới thiệu đến độc giả cách sử dụng tư duy hợp-tranh (coopetition) để tạo đà phát triển cho doanh nghiệp và giải quyết xung đột nội bộ. Ngoài ra, kỳ 2 cũng phân tích những ứng dụng của mô hình này vào thị trường Việt Nam.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?