Nhiều người cho biết rằng khoảng thời gian đợi đến một kỳ nghỉ thường thú vị hơn nhiều so với chính kỳ nghỉ. Bởi vì khi đó, bạn sẽ mong đợi, sẽ tưởng tượng, phấn khích rất nhiều. Đến một nơi mà trước giờ chỉ nhìn thấy qua những bức ảnh, làm những việc mà bản thân chưa từng thử trước đây, gặp gỡ với những người bạn mới, hào hứng lựa chọn từng món trang phục, phụ kiện để "chụp hình sống ảo" khiến chúng ta nôn nao khó tả...
Theo số liệu từ Liên minh quốc gia về bệnh tâm thần (National Alliance on Mental Illness - NAMI) thì vào năm 2015 có đến 64% người tham gia nghiên cứu nói rằng họ bị xáo trộn cuộc sống, u uất và buồn bã khi kết thúc kỳ nghỉ. Sự cô độc bủa vây khi biết rằng bản thân sắp lại phải đối diện với cơm áo gạo tiền khiến họ dường như rơi vào chứng trầm cảm tạm thời.
Post-vacation blues, post-holiday blues hay post travel depression (PTD) là hội chứng chán nản, lo âu sau khi trở về nhà từ một chuyến đi (du lịch hoặc nghỉ dưỡng ở một nơi nào đó trong một khoảng thời gian). Các dấu hiệu cho thấy hội chứng này bao gồm (1):
- Cảm giác cô đơn và hụt hẫng.
- Cơ thể thiếu sức sống, chán nản.
- Tâm trạng cáu kỉnh.
- Mất tập trung.
- Lo lắng.
- Thiếu ngủ.
- Cảm thấy bản thân vô dụng hoặc tội lỗi.
- Mất đi hứng thú làm những việc mà bình thường bản thân yêu thích.
Post-vacation blues được xem là một phân nhánh trong các loại trầm cảm chứ không giống hoàn toàn với trầm cảm lâm sàng, vì nó chỉ kéo dài trong một thời gian chứ không duy trì quá lâu. Và có vẻ như chuyến đi càng dài thì khi trở về lại góc phòng và cuộc sống thân thuộc, cảm xúc trầm uất này càng mãnh liệt.
Không có nhiều nghiên cứu tâm lý được thực hiện để tìm hiểu thấu đáo vấn đề này. Tuy nhiên có rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý cho rằng thủ phạm chính gây nên loạt cảm giác này chính là adrenaline. Theo Tiến sĩ Eileen Kennedy, việc hormone căng thẳng đột ngột giảm xuống sau một kế hoạch hoặc sự kiện quan trọng (như khi ta dồn nhiều tâm sức để chuẩn bị đi tiệc cưới, các sự kiện quan trọng hoặc cho một kỳ nghỉ lễ) có thể tác động đáng kể đến tâm lý con người.
Trừ khi mỗi tháng bạn có nhiều ngày nghỉ hoặc số lần nghỉ cách nhau không quá lâu. Nếu không, việc mong đợi và phóng đại về kỳ nghĩ dưỡng sắp tới sẽ khiến bộ não càng trở nên chán nản và rầu rĩ hơn khi bạn phải trở về với cuộc sống hiện tại. Nói một cách dễ hiểu thì niềm vui càng nhiều thì lo lắng càng lớn (2).
Cũng trong nghiên cứu, theo Tiến sĩ Melissa Weinberg - nhà tư vấn nghiên cứu và nhà tâm lý học chuyên về tâm lý hạnh phúc và hiệu suất - cho biết: “Đó chỉ là một trong những cảm giác tự đánh lừa bản thân bằng hàng loạt ảo tưởng mà bộ não của chúng ta tạo ra. Giống như cách chúng ta nghĩ rằng những điều tồi tệ có nhiều khả năng xảy ra với người khác hơn là với mình".
Trớ trêu thay, khả năng tự đánh lừa bản thân mỗi ngày lại là một dấu hiệu cho thấy tinh thần và tâm lý của mình đang bị mất cân bằng (3).
Bà cũng cho biết thêm nếu như bắt đầu một chuyến đi chỉ để tạm gác lại những lo âu và bất mãn với hiện tại thì khi trải nghiệm "trốn chạy" chóng vánh qua đi, điều còn lại trong chúng ta chỉ là sự kiệt quệ. Việc làm mới mình này chỉ là cách đối phó tạm thời chứ không có tác dụng lâu dài. Vì khi trở về từ nơi xa, khép cánh cửa lại thì chúng ta vẫn quay cuồng với sự phân vân liệu có nên nghỉ việc hay không, tình yêu này có còn cứu vãn được không, làm sao để được thăng tiến nhanh hơn… “Tự trấn an mình ổn thì không thể nào là ổn được, né tránh chỉ làm vấn đề trở nên tồi tệ", tiến sĩ Weinberg khẳng định.
Với nhiều người đi nghỉ dưỡng ở nước ngoài, chênh lệch múi giờ và khác biệt về văn hóa cũng khiến họ mông lung, chuếnh choáng khi trở về nhà. Họ vừa làm quen với những nếp sống và múi giờ mới, nên khi quay về họ lại bắt đầu trở lại với các thói quen cũ. Với những ai không thích sự thay đổi thì đây chính là giai đoạn rất khó trải qua.
Với tâm lý ta chỉ sống một lần trên đời nên khi bắt đầu một chuyến đi, người ta thường có xu hướng sống hết mình với những buổi tiệc, những đêm dài không chợp mắt. Lang thang từng hẻm vắng, khám phá từng ngõ ngách, lùng sục mua sắm, ăn uống ở mọi địa điểm để có thật nhiều những trải nghiệm phong phú... cũng là nguyên do khiến nhiều người thường xuyên uể oải, không có sức sống vì thiếu ngủ sau mỗi chuyến đi chơi xa.
LeLa Journal gợi ý cho bạn chuẩn bị tâm lý trước và sau mỗi chuyến đi chơi xa, để luôn sống trọn vẹn với những trải nghiệm du lịch, đồng thời không bị buồn bã, chán nản bủa vây khi trở về (4)
1. Trước khi lên đường, hãy dọn dẹp nhà cửa thật ngăn nắp: Cảm giác bước trở về nhà nhưng đồ đạc vương vãi, bụi bặm phủ đầy thì chẳng khác nào “Chào mừng bạn đang tới địa ngục” cả. Dù đa số chúng ta đều nghĩ rằng sẽ dọn nhà khi trở về nhưng tốt hơn hãy nghĩ tới việc thay khăn trải giường mới, chuẩn bị khăn sạch trong phòng tắm và đặt một cuốn sách mới trên tủ. Nó sẽ cho bạn cảm giác ấm cúng như được chào đón theo kiểu: “Mừng bạn trở về nhà!”.
2. Lên kế hoạch cho những ngày tiếp theo: Hãy dành ít nhất 1 ngày cho bản thân trước khi bắt đầu quay lại với công việc. Bạn có thể dành khoảng thời gian ít ỏi đó để nghỉ ngơi, đi siêu thị mua thực phẩm cho buổi tối, hoặc chỉ đơn giản là hòa nhập lại với nhịp sống thường nhật.
3. Chăm sóc bản thân: Ăn đủ chất, ngủ đủ giờ luôn là lối sống tích cực mà mọi người hướng đến. Dù bạn đã hết lòng với chuyến đi như thế nào thì khi trở về với cuộc sống hiện tại, cũng nên thường xuyên duy trì chế độ ăn – ngủ hợp lý.
4. Nếu vẫn cảm thấy trống trải dù đã cố gắng kiểm soát thì bạn có thể gọi điện hỏi thăm những người bạn cùng chuyến đi hoặc đơn giản là bộc bạch những trải nghiệm mà mình đã trải qua cho tất cả mọi người được biết. Chia sẻ luôn là cách tốt nhất để giải tỏa tinh thần. Hơn thế, việc đi dạo và dùng bữa tối với những người thân yêu sẽ giúp bạn lấy lại được cảm giác quen thuộc của cuộc sống trước đây.
Vượt qua cảm xúc tiêu cực không khó, chỉ cần bạn biết cách chăm sóc tốt bản thân. Học cách tận hưởng và biết đủ trong cuộc sống. Khi đang trong chuyến đi chơi để khám phá, nghỉ ngơi thì đừng bận tâm và ám ảnh quá nhiều về công việc tổn đọng ở nhà. Đến khi kết thúc cuộc hành trình, cũng đừng sa đà thời gian tiếc nuối, thơ thẩn mà hãy tập trung giải quyết những vấn đề hiện tại. Làm việc chăm chỉ hết mình và lên kế hoạch cho các chuyến đi sắp tới, ấy mới là lối sống tích cực.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Du Lịch?