Thành bại của đời người đôi khi chỉ xuất phát từ thói quen hằng ngày. Thực tế khoa học đã chứng minh chính những điều vụn vặt trong lối sống sẽ từng bước tác động và thay đổi chúng ta. Trong tâm lý học tội phạm, hiệu ứng "cửa sổ vỡ" là một lý thuyết nói về cơ chế lây lan của những điều nhỏ nhặt tưởng chừng vô thưởng vô phạt, nhưng lâu dần sẽ tích tụ thành tác nhân thay đổi cuộc đời mỗi người.
Lý thuyết về hiệu ứng "cửa sổ vỡ" (broken window) được đề xuất bởi nhà Tâm lý học Philip Zimbardo thuộc trường Đại học Ѕtanford (Mỹ) (1). Ông bỏ hai chiếc ô tô hỏng và không có biển số lần lượt tại khu dân cư có thu nhập thấp thuộc quận Bronx (tiểu bang New York) và khu dân cư giàu có tại thành phố Palo Alto (tiểu bang California). Chỉ trong 24 giờ, chiếc xe tại quận Bronx bị đập vỡ cửa kính và mất sạch phụ tùng. Ngược lại, chiếc xe tại thành phố Palo Alto vẫn nguyên vẹn trong hơn một tuần. Từ kết quả này, Zimbardo kết luận rằng những hành vi xấu có thể được "lây lan" và lặp lại, nếu những rối loạn nhỏ không được giải quyết triệt để, chắc chắn sẽ xảy ra những vấn đề nghiêm trọng hơn.
Đến năm 1982, George Kelling mở rộng lý thuyết này bằng việc cho rằng tại khu vực có tỷ lệ tội phạm cao như ở quận Bronx thì trộm cắp xảy ra là chuyện thường tình. Ông tiến hành một thí nghiệm khác thuyết phục hơn khi giảm thiểu phần nào yếu tố sẵn có của môi trường xung quanh mà chỉ tập trung vào hành vi của con người. Nghiên cứu mới này của ông chỉ ra rằng, nếu ai đó làm vỡ kính cửa sổ của một tòa nhà và không sửa chữa kịp thời thì kính cửa sổ sẽ bị vỡ nhiều hơn. Nguyên nhân là vì khi nhìn thấy cửa sổ đầu bị vỡ nhưng không được khắc phục, những kẻ phá hoại sẽ có xu hướng tiếp tục phá hủy các ô cửa sổ khác. Cơ chế này còn được mở rộng ra thêm bằng một khái niệm mang tên "Slippery Slope Fallacy" (tạm dịch: trượt dốc không phanh), có thể hiểu nôm na rằng "có lần một sẽ có lần hai" (2). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỉ trích và nghi vấn về độ xác thực và tính công bằng trong phương pháp khảo sát của cả hai thí nghiệm (3).
Nhưng dù chỉ được công nhận ở một vài phương diện thì "cửa sổ vỡ" vẫn mang ý nghĩa nhắc nhở chúng ta rằng, nếu một hành động nhỏ không được đánh giá đúng và điều chỉnh kịp thời thì chính nó sẽ có khả năng lây lan và tạo ra các hệ lụy không hề nhỏ.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra hiệu ứng "cửa sổ vỡ" trong câu cửa miệng "Để mai tính". Điển hình là mỗi khi chúng ta trì hoãn công việc và hẹn lần hẹn lữa sẽ làm vào ngày hôm sau thì đây có nguy cơ là "ô cửa sổ vỡ đầu tiên". Lâu dần, tâm lý này sẽ trở thành thói quen trì trệ, không tạo ra được động lực phát triển cho bản thân và kéo theo sự chậm trễ tiến độ cho những người xung quanh.
Hiệu ứng "cửa sổ vỡ" là minh chứng cho việc đôi khi chúng ta thường đánh giá thấp những chuyện nhỏ vì không dễ nhận ra tác động của chúng ngay lập tức. Hậu quả là những "gánh nặng vô hình" này sẽ tích lũy từng ngày và rơi vào tình trạng lặp đi lặp lại không thể kiểm soát, khiến ta khó thể khắc phục.
"Có lần một sẽ có lần 2" - cẩn thận với những điều tưởng chừng là "chuyện nhỏ" nhưng có nguy cơ tích tiểu thành đại.
Tương tự như cơ chế "cửa sổ vỡ", trong Tâm lý Xã hội (Social Psychology), có một khái niệm là stigma được các nhà Tâm lý học dùng để miêu tả sự dán nhãn hoặc định kiến đối với một cá nhân/nhóm người dựa trên một đặc điểm hoặc danh xưng nào đó cụ thể (4). Stigma cũng có thể được xem như một lời tiên tri ứng nghiệm (self-fulfilling prophecy) tương tự hiệu ứng "cửa sổ vỡ" (5). Nó có nghĩa là sự dán nhãn tiêu cực áp đặt lên một nhóm người sẽ khiến họ rất khó lật ngược tình thế và từ đó trượt dốc không phanh, phát triển theo hướng lệch lạc.
Ví dụ như trong một công ty, đôi khi sẽ có tình trạng phân biệt nhân sự theo nhóm như "dân tỉnh lẻ", "người gốc Á", "người da màu"... Những định kiến hay những lời nói đùa khi đặt "nickname" cho một nhóm người nào đó, tưởng chừng là chuyện vô hại nhưng lại gây ra nhiều hệ quả tiêu cực. Nó khiến những người bị "đóng khung" trong cái nhìn phiến diện ấy dần trở nên tự ti, mặc cảm, giảm lòng tự trọng hay nặng nề hơn, nó gây ra khuynh hướng bị cô lập hoặc phân biệt đối xử. Nó cũng có thể làm cho những người bị gán ghép biệt danh trở thành nạn nhân của bạo hành tinh thần trong tập thể và phụ thuộc cảm xúc vào người khác.
Tóm lại, trong một môi trường công sở có nhiều cạnh tranh để giành lấy cơ hội thăng tiến và phát triển, mỗi người chúng ta nên góp phần tạo ra một xã hội đa dạng và bình đẳng. Đó phải là nơi mọi người được đánh giá và đối xử dựa trên phẩm chất và hành vi của họ, chứ không phải dựa trên các đặc điểm bên ngoài hoặc những nguồn gốc không thể thay đổi được.
Để xóa bỏ những định kiến của người khác hoặc ngay cả khi không ai áp đặt chúng ta vào những hình mẫu "cửa sổ rập khuôn" nào, mỗi người cần đặt mục tiêu để nâng cấp chính mình qua từng giai đoạn công việc. "Một ngày thế nào, cả đời thế ấy" chính là một lời cảnh tỉnh. Nếu chúng ta thực sự không kiểm soát được một vài ham muốn nhỏ, liên tục thỏa hiệp, xem thường những điều tưởng chừng vặt vãnh... thì cuối cùng, kết quả ta nhận lại là "hàng loạt ô cửa sổ đều vỡ" và cả "tòa nhà kiên cố của bản thân" bỗng trở nên trống hoác, gió lùa.
Nếu đang ấp ủ những kế hoạch tương lai về việc phát triển sự nghiệp hoặc nâng cấp trình độ bản thân thì bạn cần chấn chỉnh và nghiêm túc với chính mình bằng cách chia kế hoạch lớn thành các kế hoạch nhỏ, tập trung vào từng bước để dễ dàng theo dõi tiến độ. Dưới đây là "to-do list" mà LeLa Journal gợi ý để bạn có thể cân nhắc và điều chỉnh cho phù hợp với lộ trình trở thành "phiên bản tốt hơn" của chính mình cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống:
Cần nhớ rằng quá trình phát triển bản thân là một cuộc hành trình dài và việc nghiêm túc, kiên trì từng bước sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu của mình. Nếu ví von ô cửa sổ trong hiệu ứng "cửa sổ vỡ" với một "ô gạch" thì chỉ cần bạn không để ô gạch nào bị vỡ, nhất định sẽ có một ngày bạn xây được một bức tường thành vững chắc.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.