Hai từ "cô đơn" thường chạm vào những nỗi niềm sâu kín khó giãi bày của chúng ta. Nhưng tùy vào cấp độ cô đơn đã và đang trải nghiệm, mà mỗi người nhìn nhận về trạng thái này một cách khác biệt.
Có người cho rằng cô đơn là lạc lõng, có người nghĩ cô đơn là cô lập thu mình, nhưng cũng có một vài người lại cảm thấy những lúc một mình lại thật yên tĩnh và thanh thản. Điều đó có nghĩa rằng, tùy vào thái độ sống và nhận thức vấn đề của mỗi người mà trạng thái cô đơn có những biểu hiện khác nhau.
Hầu hết những người mong muốn kết nối với bên ngoài nhưng không tìm thấy sự đồng điệu từ ngoại cảnh thường dễ rơi vào trạng thái cô đơn, cấp độ nặng nhẹ tùy vào từng cá nhân. Như vậy, trạng thái cô đơn không xuất phát từ ngoại cảnh mà là nhận thức của người đó trên ngoại cảnh.
Cuộc sống giống như một trường học vô tận nơi luôn đưa ra những bài học để thử thách cấp độ nội tâm của mỗi người. Chúng ta hãy cùng nhau quan sát, bất cứ ai mong cầu một ngoại cảnh phải theo ý muốn của mình, thường sẽ rơi vào trạng thái tiêu cực, như bực tức, buồn bã, cô đơn... Nhưng phần lớn mọi người lại thường có xu hướng đổ lỗi cho ngoại cảnh, mà không chịu nhìn thẳng vào chính mình để nhận ra nguồn cơn đến từ nhận thức của mình mà thôi.
Như vậy, ngoại cảnh đơn thuần là điều kiện mang tới, còn lý do nảy sinh các cảm xúc hay trạng thái thì vẫn đến từ nhận thức của mỗi người trên tình huống đó.
Chúng ta thường trải qua hai cấp độ cô đơn: cô đơn xuất phát từ bản ngã và cô đơn trở thành một nhu cầu tự nhiên bình thản.
Cô đơn xuất phát từ bản ngã, tức là cái tôi (ego) không tìm thấy sự đồng thuận, chia sẻ và thấu hiểu theo cách riêng của nó nên nó cảm thấy bị cô đơn. Chẳng hạn, khi đứa con bị cha mẹ đối xử lạnh nhạt, sự đối xử này không đáp ứng mong cầu, kỳ vọng của nó, nên nó cảm thấy cô đơn. Sự cô đơn này nhìn chung khiến cho mỗi người cảm thấy khó chịu, buồn bã và như bị cô lập khỏi thế giới xung quanh, khiến họ càng khao khát tìm kiếm sự thấu hiểu cũng như đồng điệu từ bên ngoài. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ đang thiếu kết nối và thiếu lắng nghe chính mình để thấu hiểu nội tâm của mình. Sự cô đơn do bản ngã tạo ra khiến họ, một là thu mình cô lập, hai là hướng ra bên ngoài để tìm kiếm niềm vui nhất thời nhằm thỏa mãn cái tôi hay khỏa lấp đi sự cô đơn đó trong thoáng chốc.
Tuy nhiên, có một nỗi cô đơn lặng lẽ xuất phát từ cái tâm trong sáng và rỗng lặng. Cô đơn này vì thế mà tự nhiên và thuần khiết. Cô đơn này thể hiện con người đó biết soi sáng lại chính mình, biết quay về bên trong để thấu hiểu mình. Họ sẽ không còn mong cầu dựa dẫm vào bất cứ ai để thỏa mãn cái tôi. Họ đơn giản có mặt trọn vẹn với chính mình trong khoảnh khắc hiện tại.
Như vậy, có thể thấy, cô đơn xuất phát từ bản ngã đến từ việc họ chưa nhận thức được sự đủ đầy nội tại, nên vẫn vô thức tìm kiếm kết nối bên ngoài. Còn cô đơn thanh thản đến từ thái độ cảm nhận sự tròn đầy và hạnh phúc xuất phát từ sâu thẳm nội tâm, chứ không phải là lệ thuộc vào ngoại cảnh. Điều này cũng có nghĩa rằng họ phải có một nhận thức đúng đắn về bản chất vô thường của cuộc sống, nên không sinh tâm bám víu vào bất cứ điều gì.
Thực ra, cô đơn xuất phát từ bản ngã không đáng sợ, mà điều quan trọng nhất là mỗi người cần lắng nghe và cảm nhận nỗi cô đơn của chính mình. Việc kết nối sâu với nội tại cũng giống như một cây xanh ngày càng đâm rễ thật sâu vào lòng đất, nó sẽ càng ngày càng vững chãi trước biến động bên ngoài. Khi cô đơn nảy sinh, hãy nhẹ nhàng và trong sáng quan sát sự đến - đi của nó. Vì bản chất của trạng thái là có sinh thì sẽ có diệt, có đến thì sẽ có đi. Cũng giống như hạnh phúc và phiền não, nó sẽ đến và rồi đi.
Nhưng nếu không có sự quan sát (tỉnh giác) này, chúng ta sẽ thường nảy sinh hai phản ứng: (1) Đắm chìm vào cô đơn, (2) Phản ứng (khó chịu) lại với cô đơn. Từ việc đắm chìm hay phản ứng lại đó, mà sẽ dẫn đến các hành vi gây bất lợi cho chính bạn. Chẳng hạn, một người vì đắm chìm vào cô đơn mà tìm đến rượu, bia để giải phiền, từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Chưa kể, khi đắm chìm và phản ứng lại với trạng thái bên trong, chúng ta đang vô tình đẩy trạng thái đó lún sâu vào tiềm thức. Và khi có cơ hội thuận lợi, trạng thái đó lại trỗi dậy và khiến chúng ta phiền não thêm lần nữa.
Như vậy, sự nhận diện và quan sát chính là chìa khóa quan trọng nhất để giải quyết dứt điểm các cảm xúc tiêu cực như cô đơn xuất phát từ bản ngã. Vì khi quan sát, chúng ta không bị mắc kẹt vào cô đơn. Chúng ta bắt đầu cảm nhận một điều rằng cô đơn là một trạng thái mang tính nhất thời, có đến ắt có đi và nó không thể định hình hoàn toàn con người của mình hoặc thuộc về mình bất biến. Khi nhận thức được điều này, con người sẽ không còn để cô đơn chi phối, từ đó tránh đưa ra những quyết định gây hại cho bản thân và người khác.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.