Để có lượt tương hợp (match) trên các app hẹn hò không khó. Tuy nhiên, nếu không nắm rõ thuật toán ghép cặp của các ứng dụng hẹn hò và cách các nền tảng hoạt động ra sao, bạn có thể sẽ vất vả... quẹt app mà chẳng thấy ai "va quẹt" vào đời mình.
Những nền tảng hẹn hò, như Tinder, Bumble, Baidu... thường dùng chung ưu thuật toán phân phối hồ sơ và ghép cặp dựa trên "mức độ khao khát" (desirability) theo hệ thống đánh giá Elo (1). Chính vì sự tương đồng về mô hình và thuật toán ghép cặp nên bài viết này dù tập trung vào Tinder nhưng vẫn có những mẹo chung giúp tăng lượt thích và tương hợp trên Bumble hoặc Baidu.
Song, trước khi bàn về cách để tăng lượt thích, cũng như khả năng được tương hợp, bạn cần hiểu rõ về điểm Elo và cách ghép cặp của các nền tảng này.
Ý tưởng về điểm Elo lan truyền rộng khắp trên các phương tiện truyền thông và giữa những "chuyên gia Tinder", dẫu Tinder một mực nói rằng hệ thống Elo không còn phù hợp với mô hình của họ. Song, dường như thuật toán của Tinder hiện tại vẫn khó đi quá xa khỏi hệ thống chấm điểm này.
Hệ thống đánh giá Elo (Elo ranking system) được đặt tên theo Giáo sư Vật lý học Arpad Elo. Mục đích ban đầu của hệ thống này là xếp hạng trình độ người chơi cờ, rồi sau này được mở rộng ra nhiều môn thể thao khác, trong đó có cả thể thao điện tử (e-sport/gaming).
Nói một cách đơn giản, điểm Elo của người chơi thay đổi phụ thuộc vào kết quả thi đấu của họ. Sau mỗi trận, người thắng sẽ được thêm điểm từ người thua. Song, để bảo đảm công bằng về trình độ, sự thay đổi điểm số giữa người thắng và người thua còn được quyết định bởi trình độ hoặc thứ hạng của họ.
Nếu hai người thi đấu có cùng thứ hạng ELO, thứ hạng của họ sẽ giữ nguyên, bất kể kết quả trận đấu. Điều này giúp phản ánh chính xác mức độ tương đương về kỹ năng và trình độ trên các bảng đấu. Nếu người có thứ hạng cao chiến thắng người có thứ hạng thấp, điểm cộng của người thắng không thể cao bằng điểm cộng của người thứ hạng thấp khi vượt qua được người ở thứ hạng cao. Điều này cho thấy hệ thống Elo có tính tự cân bằng.
Trong những phiên bản trước, Tinder sử dụng hệ thống Elo để đánh giá "độ hấp dẫn" của hồ sơ người dùng, đồng thời để gợi ý hồ sơ có độ hấp dẫn tương tự với các lượt "quẹt phải" trước đó của họ. Hiểu theo Elo, nếu bạn được nhiều lượt thích, khả năng cao là hồ sơ của bạn càng được đề xuất với những người cũng có nhiều lượt thích tương tự và cả người đã "quẹt phải" khi nhìn thấy hồ sơ của bạn.
Song song đó, bạn cũng sẽ bắt gặp nhiều hồ sơ tương tự thứ hạng của bạn.
Điều này chả có gì đáng nói nếu như nó chỉ diễn ra trong bối cảnh trò chơi. Tuy nhiên, khi sự chênh lệch về thứ hạng ngày càng cao, những cái bẫy bắt đầu xuất hiện. Đó được gọi là Elo Hell – nơi "giam giữ" những người có Elo quá cao hoặc quá thấp.
Khi thua nhiều, họ rơi vào Elo Hell, họ sẽ gặp những đối tượng cũng đang ở vị trí quá thấp như mình và sẽ khó thoát ra khỏi thứ hạng đó. Điều này có thể tốt cho người ở "tốp" trên, nhưng lại là thảm họa đối với những người "tầng dưới".
Khi đưa hệ thống này vào ứng dụng hẹn hò – nơi con người đánh giá lượt tương hợp là cách để thể hiện đánh giá xã hội (social feedback) (3) – rõ ràng là không ai muốn bị rơi xuống đáy Elo Hell. Chúng ta thường mong đợi được "quẹt phải" bởi những người có Elo cao hơn, tức là thu hút hơn. Hồ sơ kém thu hút ở nhóm dưới sẽ liên tục "quẹt phải" các hồ sơ hấp dẫn ở "top", nhưng những người này hiếm khi nào đáp lại.
Và rồi, người có hồ sơ đẹp càng được nhiều lượt thích, còn người có hồ sơ kém hấp dẫn càng thụt lùi dần về Elo Hell. Đây cũng có thể là lý do nhiều hồ sơ trên Tinder mãi không có lượt tương hợp (match), hay thậm chí là không có lượt thích mới.
Song, tin mừng cũng đã đến. Trong thông báo mới nhất về chính sách của mình, Tinder nói rằng họ không dựa vào hệ thống Elo nữa (4).
Nếu đúng như vậy, thì hiện tại thuật toán của họ hoạt động như thế nào?
Trong thông cáo mới nhất cập nhật năm 2022 về thuật toán ghép cặp, Tinder nói rằng họ ưu tiên những hồ sơ thu hút và chăm chỉ hoạt động, bởi họ không muốn lãng phí thời gian của người dùng bằng những đề xuất hồ sơ của những người "âm thầm lướt dạo" ít like, ít nhắn tin... (4).
Khi tham gia Tinder, người dùng cũng tìm sự tương hợp với bạn hẹn hò tương tự như khi họ tham gia các nền tảng hẹn hò phi trực tuyến, truyền thống (offline dating) (5). Hiện tượng này được giới học thuật gọi là "đồng giao" (homogamy). Trên Tinder, một nền tảng thể hiện rất ít chữ và câu hỏi tương tác, sự "đồng giao" được thể hiện qua hình ảnh là chủ yếu, sau đó là qua các thẻ sở thích, Spotify (thể hiện "gu" thưởng thức âm nhạc) và Instagram (thể hiện "gu" về hình ảnh, lối sống).
Hệ thống Elo cũ đã được thay đổi thành thuật toán ghép đôi dựa trên tính lân cận (proximity) về địa điểm và sự đồng giao về sở thích (qua phân tích dữ liệu hình ảnh và các thẻ thông tin). Cụ thể:
Bên cạnh đó, quan trọng không kém là hồ sơ nào được thích nhiều trong khu vực cũng sẽ được ưu tiên hiển thị cho bạn.
Có thể nói rằng Tinder là một ứng dụng tập trung vào ngoại hình và lối sống là bởi:
Đối với Tinder, ảnh càng thu hút càng dễ "match". Vì là ứng dụng hẹn hò với cơ sở là sự "đồng giao" dựa trên hình ảnh, nếu bạn chọn bức ảnh thể hiện được cá tính, ngoại hình, lối sống... bạn sẽ dễ có được lượt thích hơn.
Theo nghiên cứu về việc sử dụng filter làm đẹp cho ảnh hồ sơ trên Tinder, Markus Appel và cộng sự thấy rằng, nam giới sử dụng hiệu ứng thẩm mỹ như chỉnh màu, làm mịn da mặt... tuy làm giảm độ tin cậy, nhưng lại làm tăng hảo cảm và độ thu hút đối với nữ giới, cũng như tăng khả năng tương hợp để tìm hiểu, hẹn hò (7).
Giao diện của Tinder tối ưu và nhấn mạnh hình ảnh, nhằm cổ vũ cho sự khen ngợi tức thì về ngoại hình dựa trên một vài thẻ gợi ý, chủ yếu là về lối sống, ngoại hình...
Cũng chính vì vậy, nếu tham gia Tinder, người dùng thường phải chú trọng vào việc thể hiện phong cách, nêu bật ngoại hình và thậm chí là chỉnh ảnh sao cho thật đẹp để dễ thu hút lượt like & match. Thế nên, có thể hiểu được phần nào lý do nhiều người tìm đến Tinder là để tìm mối quan hệ chóng vánh (FWB, ONS, 419) nhất là nam giới (8).
Super Like (Tinder), Bee Diamond (Bumble)... không chỉ là cách các nền tảng này kiếm lợi nhuận. Các "lượt siêu thích" còn là cách để người dùng vượt qua thuật toán bằng cách thông báo về hồ sơ của người gửi "lượt siêu thích" đến người nhận.
Khi mua "lượt siêu thích", hồ sơ của bạn sẽ lập tức được ưu tiên đẩy lên tường nhà của đối phương. Trong khi đó, Boost (Tinder) hay Spotlight (Bumble) là các tính năng đẩy hồ sơ giúp bạn tăng khả năng nhảy lên top đầu hồ sơ và tăng tần suất hiện diện trong khu vực.
Có thể hiểu, hai tính năng này như những cách quảng bá bản thân "rầm rộ", nhưng không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ được "quẹt phải" đáp lại khi mua "lượt siêu thích" hoặc sử dụng các tính năng đẩy hồ sơ.
Ngoài việc trả tiền cho ứng dụng để mua lượt siêu thích hoặc phiên bản trả phí để thấy trước hồ sơ đã thả Like cho mình, nhiều người dùng phiên bản miễn phí của Tinder và Bumble đang kháo nhau về chiến lược spam lượt thích (tức là gặp ai cũng "quẹt phải"). Tuy nhiên, đừng vội làm theo nhé.
Bạn sẽ vô tình rơi vào bẫy Elo Hell vì thuật toán của Tinder và Bumble cho rằng bạn chỉ là "những tài khoản ảo do robot tác vụ tự động lướt dạo" và không thật sự vì mục đích hẹn hò, kết bạn...
Từ đây, chúng ta cũng có thể đoán rằng thuật toán của các app hẹn hò sẽ khuyến khích sự kén chọn và "trừng phạt" những ai quẹt vô tội vạ. Dù không đưa ra thông cáo về giới hạn số lần "quẹt phải" mỗi ngày, nhưng người dùng phiên bản miễn phí bị giới hạn về lượt thả Like và con số giới hạn thay đổi phụ thuộc vào hành vi người dùng (9).
Rất khó xác định liệu ứng dụng hẹn hò có thể theo dõi và rà soát việc người dùng (sau khi tương hợp/match) trao đổi thông tin liên lạc và hẹn gặp bên ngoài hay không. Tuy nhiên, dựa theo thông cáo về Tinder Plus năm 2015 (10), chúng ta có thể luận ra rằng nếu liên tục spam bằng cách "quẹt phải", số lượng lượt thích và tương hợp của bạn sẽ giảm đi đáng kể, vì Tinder có thể đã hạn chế phân phối hồ sơ của bạn cho người dùng hơn.
Bạn có thể thử các mẹo sau đây để cải thiện hiệu suất thể hiện/đề xuất cho hồ sơ của mình.
Và cuối cùng, cho dù bạn quẹt app với mục đích gì, hãy nhớ bảo đảm an toàn nhé.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.