Nhiều người khi thấy cún cưng nhà mình dù đã tắm rửa kỹ càng vẫn "bốc mùi" hơn mấy em cún nhà người ta thì băn khoăn liệu không biết có phải do cún… vốn dĩ đã như vậy hay không. Đặc biệt, khi tìm hiểu nhiều nơi thì người ta còn có hẳn một bảng xếp hạng những giống chó nặng mùi nữa. Vậy đứng đầu bảng này là những giống chó nào và đâu là nguyên nhân cũng như cách khắc phục mùi hôi ở chó? Hôm nay, LeLa Journal sẽ giải đáp thắc mắc này qua chia sẻ từ bạn Trần Ngọc Liên, một người đã từng chăm sóc hàng ngàn em cún cưng.
Bạn Trần Ngọc Liên (nickname Culin) là founder của The Bijou Pet Salon và được biết đến như một người có kinh nghiệm chăm sóc thú cưng hàng đầu. Với đam mê cùng hiểu biết của mình, đến nay, The Bijou Pet Salon của Culin là địa chỉ được nhiều người tìm đến khi cần tư vấn và chăm sóc những em cún cưng trong nhà.
Tin vui với những người đang hoang mang, không biết mùi hôi của cún nhà mình có phải do bẩm sinh hay không thì Culin an ủi rằng mùi hôi không hoàn toàn tới từ giống chó, mà chủ yếu từ cách chủ nhân chăm sóc cũng như phụ thuộc vào từng giai đoạn trong sự phát triển của chúng. Một số loài, do đặc điểm cơ thể hơi… khác một xíu, sẽ dễ gặp vấn đề về mùi và cần được chăm sóc kỹ hơn.
"Đứng đầu bảng xếp hạng này đó là pug - vì những nếp nhăn trên mặt của nó. Tiếp đó là bull Pháp và sau là những bé cún lông ngắn" - Culin chia sẻ.
Nếp nhăn trên mặt của pug là vấn đề cần lưu ý trước tiên vì đây là nguyên nhân phổ biến gây ra mùi kỳ lạ hoặc thậm chí là hôi thối, tỏa ra từ vùng da mặt của giống chó này. Bởi lẽ, các nếp nhăn này giống như những chiếc túi/khe nhỏ chứa những mảnh vụn của thức ăn hoặc bụi. Nếu những thứ này bị giữ lại mà không được xử lý thì các nếp nhăn sẽ trở thành môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển. Có thể thấy rõ điều này qua các vùng đóng vảy, da nhờn hoặc vùng dịch rỉ ra, đặc biệt là những khi chó cưng cào vào mặt, dụi vào đồ nội thất mềm... thì chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý.
Việc chăm sóc theo thói quen của nhiều người nuôi chó cũng là một vấn đề khiến chúng bị hôi, Culin giải thích rằng:
"Ở Việt Nam, pug thường được các cô chú lớn tuổi nuôi, cho ăn thức ăn nhiều gia vị, dễ dẫn đến viêm da toàn thân, sau đó gây mùi. Cộng thêm việc cô chú không biết nhiều về các sản phẩm sữa tắm phù hợp, hoặc tắm xong không sấy mà bắc ghế cho chó ngồi phơi nắng chờ khô, cũng dễ dẫn đến viêm da".
Vậy nên, trong nhiều trường hợp, giống chó không hẳn là nguyên nhân khiến mùi hôi ở cún nặng hơn bình thường.
Mùi hôi cũng là một cách để nhận biết các vấn đề mà cún đang gặp phải. Theo Cublin chia sẻ thì có 8 nguyên nhân hàng đầu như sau:
Các vấn đề về da gây ra mùi hôi của chó có thể kể đến như tiết bã nhờn, dị ứng, mất cân bằng nội tiết tố và viêm da. Những yếu tố này dẫn đến việc nấm hoặc vi khuẩn phát triển quá mức trên da. Khi bị "ngứa ngáy" như vậy, chó sẽ gãi và liếm vào vị trí viêm nhiễm càng nhiều, từ đó lại gây nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, khiến mùi hôi trở nên nồng nặc hơn.
Các bệnh về da được Culin xếp vào hạng "top" nguyên nhân dẫn đến mùi hôi ở chó, vì điều này liên quan nhiều đến thói quen chăm sóc cún cưng của nhiều người. Ngoài những nguyên nhân kể trên về việc cho ăn, dùng sữa tắm hay không sấy khô... một lý do khác cũng phổ biến không kém là ký sinh trùng:
"Nhiều người không biết rằng tụi nhỏ cũng phải uống thuốc ngừa ngoại ký sinh nữa, mục đích là để tránh nhiễm demodex (hay gọi là xà mâu - một dạng ký sinh gây viêm da vùng mặt, ăn lan ra vùng khác)".
May mắn là việc tai có mùi hôi do nhiễm trùng có thể được nhận diện từ khoảng cách xa. Khi gặp những trường hợp như vậy, ở mức độ nhẹ thì bạn có thể tự tìm cách xử lý, còn nếu tình trạng đã khá nặng thì nên dẫn bé cún cưng đến những cơ sở chăm sóc thú y uy tín.
Trong clip là hình ảnh Cublin điều trị chứng viêm da ở một em Poodle
Chính xác hơn là mùi hậu môn, phát ra từ tuyến hậu môn của chó. Tuyến hậu môn là những tuyến tiết nhỏ ở cả hai bên trực tràng của thú cưng. Công dụng của tuyến này là giúp cho việc đi vệ sinh của cún cưng được dễ dàng hơn. Tuyến mồ hôi bình thường sẽ có mùi tanh, vậy nên, nhiều người thường đưa chó đến các trung tâm chăm sóc để được vắt tuyến hôi, giúp chó bớt "nặng mùi" hơn. Khi tuyến mồ hôi đầy, chó thường bị ngứa vùng hậu môn, do đó hay chà mông xuống sàn dẫn đến viêm.
Tuy nhiên, việc vắt không đúng cách sẽ làm tuyến hôi bị vỡ và liên tục rỉ ở vùng hậu môn, gây mùi nặng hơn nữa. Bên cạnh đó, một điều cần lưu tâm nữa là chó cái vào mùa "rụng dâu" cũng sẽ có mùi hôi.
Hôi miệng thường là kết quả của sự tích tụ vi khuẩn tạo mùi trong miệng chó. Tuy nhiên, tình trạng này có thể còn tệ hơn nhiều. Chứng hôi miệng dai dẳng có thể do thay đổi bất thường, không chỉ ở miệng mà còn ở hệ hô hấp, đường tiêu hóa hoặc các cơ quan nội tạng của chó. Một số bệnh sẽ khiến chó bị hôi miệng, như là bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh gan...
Nói chung, vấn đề mùi hôi có thể xuất phát từ sức khỏe răng miệng kém, cao răng tích tụ nhiều, nhiễm trùng răng và bệnh nha chu. Chúng ta không nên xem nhẹ bất kỳ nguyên nhân nào.
Có rất nhiều lý do khác nhau khiến tai chó có mùi, do thiếu sạch sẽ, thường xuyên bị ẩm (do không lau khô kỹ sau khi tắm), có nhiều lông ở trên hoặc bên trong ống tai… Điều quan trọng cần chú ý là mức độ hôi tai cũng giúp ta đánh giá sự nghiêm trọng của bệnh tình. Chẳng hạn như vấn đề nấm mốc nhẹ ở chó ít gây ra mùi khó chịu và chúng ta chỉ cần làm sạch tai cho cún cưng là hết. Thế nhưng, tình trạng nhiễm trùng tai lại gây ra mùi hôi nồng nặc. Lúc này, bạn cần mang gấp em cún đến thú y.
Chó cũng có thể "xì hơi" bình thường như con con người, đặc biệt là khi bị đầy bụng. Thỉnh thoảng, chúng ợ hơi, "ọc ọc" hoặc đánh rắm thì không sao, nhưng việc "thả bom" quá nhiều có thể là biểu hiện của vấn đề đường ruột. Đây là một dấu hiệu rõ rệt để chúng ta nhận ra có điều gì không ổn với thức ăn của chó, hoặc nghiêm trọng hơn là bệnh viêm ruột.
Một số giống chó cũng thường xuyên gặp vấn đề về khí hơi tiêu hóa như pug hoặc bull Pháp - đây cũng là một trong những lý do khiến chúng thuộc "top" nặng mùi. Nguyên nhân tới từ... cấu trúc khuôn mặt của chúng. Những chiếc mũi hếch đáng yêu khiến chúng có thói quen hít không khí khi ăn, dẫn đến có quá nhiều khí trong hệ tiêu hóa.
Nếu chú cún nhà bạn có mùi như nước tiểu của... chính nó, thì đây có thể là dấu hiệu của việc cún đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu - một bệnh khá phổ biến. Các dấu hiệu khác có thể nhận thấy như tần suất "đưa chân lên cột" tăng lên, đi tiểu nhiều hơn hoặc chúng rên rỉ (vì đau) khi đi tiểu.
Mở rộng ra một chút thì bất kể mùi nước tiểu bất thường nào cũng cần được thảo luận và tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y. Có những lý do bệnh lý khác khiến nước tiểu có mùi nồng nặc, như là sỏi thận, tiểu đường hoặc thậm chí là nhiễm một số loại nấm ở cơ quan tiết niệu/sinh dục.
Nếu không được tắm gội đầy đủ thì loại chó nào cũng sẽ bốc mùi. Đây là điều chắc chắn, đặc biệt là với những chú chó thường được đi chơi ngoài đường và lông ám mùi khói bụi, vương đầy đất cát. Thế nhưng, đáng chú ý là việc chăm sóc tắm gội không đúng cách hoặc quá nhiều lần so với quy định cũng sẽ khiến chó bị viêm da và gây mùi khó chịu.
Đánh răng cho chó sẽ giúp giảm bớt mùi khó chịu giữa những lần tắm. Thường xuyên chải lông sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, tế bào da chết, nước bọt khô và những thứ khác ẩn trong lông chó. Nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi chó cưng nhà mình có mùi dễ chịu hơn sau khi được chải lông đơn giản mà kỹ lưỡng.
Một điều hiếm khi xảy ra, nhưng vẫn là tác nhân gây ra mùi hôi ở chó, chính là việc viêm mí mắt. Điều này gây ra mùi hôi ở khóe mắt của chó.
Trong những trường hợp viêm nhiễm nấm ngứa ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể cún, chúng ta nên mang thú cưng đến ngay những cơ sở chăm sóc uy tín. Tuy nhiên, phòng bệnh thì vẫn hơn là chữa bệnh. Để phòng tránh những mùi hôi này hoặc xử lý những trường hợp nhẹ như lông chó bị ám mùi, Culin có chia sẻ một số lời khuyên, dành cho những độc giả quan tâm đến việc chăm sóc mùi của chó, có thể kể đến như sau:
1. Chọn sữa tắm dành riêng cho chó: Cấu trúc da và lông của chó khác với người, vậy nên, nếu dùng không đúng loại sữa tắm dành riêng cho chó thì về lâu dài, sẽ khiến cho da của cún cưng gặp vấn đề. Bạn nên chọn loại sữa tắm phù hợp, thơm lâu và tắm sấy đúng cách để lưu hương lâu nhất.
2. Làm sạch miệng và tai: Hãy thường xuyên kiểm tra răng và tai của chó để sớm phát hiện các vấn đề liên quan đến nấm, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Dịch tiết có mùi hôi, màu đỏ hoặc nâu trong ống tai thường là dấu hiệu nhiễm trùng nấm men hoặc ký sinh trùng, cần được điều trị sớm. Không chỉ vậy, đánh răng thường xuyên để ngăn ngừa hơi thở có mùi cũng là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa mùi hôi ở chó.
3. Chế độ ăn uống phù hợp: Bạn nên tìm hiểu loại thực phẩm phù hợp cho bé cún nhà mình và đặc biệt tránh để chó ăn đồ ăn có quá nhiều gia vị vì điều này dễ dẫn đến viêm da toàn thân - một tác nhân chính gây mùi.
4. Vệ sinh khu vực nuôi: Điều cuối cùng mà Culin lưu ý là chúng ta nên sử dụng các biện pháp diệt vi khuẩn và nấm ở khu vực nuôi, kết hợp chọn lựa cách phủ thơm an toàn cho thú cưng cũng là một phương án để giúp thú cưng thơm tho lâu hơn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.