Dù cho ăn thực phẩm sản xuất công nghiệp hay thực phẩm tự nhiên, chó cần hấp thụ đầy đủ ba dưỡng chất là protein, chất béo và tinh bột.
Nghiên cứu cho thấy nếu có lựa chọn, chó sẽ ăn theo tỉ lệ 59% béo, 38% protein và 3% tinh bột (1).
Chó hấp thụ nhiều chất béo có lẽ vì chúng chia sẻ bản năng sinh tồn tự nhiên của tổ tiên.
Chó là giống sói được thuần hóa để đồng hành cùng con người từ tối thiểu 15.000 năm trước. Chó ăn nhiều chất béo nhất bởi chúng chia sẻ bản năng "chỉ ăn khi săn được mồi" của loài sói. Trong thiên nhiên, sói chỉ được "đánh chén" sau khi săn bắt thành công. Vì vậy, chúng thường ăn nhiều chất béo từ thịt, da và tủy của con mồi nhằm tích lũy mỡ để dự trữ năng lượng cho những ngày nhịn đói kế tiếp. Nghiên cứu cũng cho thấy loài sói và chó nuôi có khả năng nhịn đói hơn 100 ngày trước khi kiệt quệ hoàn toàn (2).
Ngoài ra, tương tự như việc hấp thụ protein, chó và sói ăn chất béo vì đây là dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể chúng không thể tự sản xuất. Hai loại chất béo thiết yếu cho loài chó là omega-6 và omega-3. Trong thiên nhiên, khi sói ăn thịt nai, chúng sẽ hấp thụ omega-6 và omega-3 với tỉ lệ từ 2:1 đến 3:1, vốn là "tỷ lệ vàng" hỗ trợ tốt cho cơ thể.
Các chuyên gia dùng cụm từ "tỷ lệ vàng" để nhấn mạnh tính quan trọng trong sự cân bằn. Vì khi có sự chênh lệch tăng cao giữa Omega-6 và Omega-3 thì cơ thể động vật nói chung sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho những căn bệnh viêm mãn tính phát triển, ví dụ như suy tim và ung thư (3).
Ngoài chất béo thiết yếu, sói và chó cũng cần những vi chất khác. Kết quả phân tích thức ăn của sói cho thấy chúng tìm nguồn bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết từ nội tạng của con mồi, ví dụ như vitamin A, chất sắt và glycogen trong gan; kẽm và vitamin B trong tim; và can-xi trong xương... (4).
Nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất khác thường đến từ tinh bột, đặc biệt là trái cây. Phân tích mẫu chất thải của sói chỉ ra rằng chúng tiêu thụ trái cây như nam việt quất, dâu rừng để bổ sung năng lượng, đặc biệt là vitamin C - thứ dễ tìm thấy trong trái cây.
Vì những lý do trên, khi chọn thức ăn cho chó, chủ nuôi cần chú ý 3 điều cơ bản sau:
Nghiên cứu cho thấy, tuy bản năng của chó thúc đẩy chúng hấp thu nhiều chất béo nhưng nếu các loại thức ăn luôn sẵn có thì chúng sẽ tự giảm ăn chất béo để tái cân bằng chế độ dinh dưỡng (5).
Bạn nên chọn thức ăn công nghiệp với tỉ lệ béo và protein cân bằng, được bổ sung omega-3, các loại vitamin và khoáng chất. Kết quả phân tích thức ăn của loài sói chỉ ra chúng cần tiêu thụ canxi (Ca), phosphorous (P), sodium (Na), kali (K), đồng (Cu), kẽm (Zn), sắt (Fe) và magie (Mg). Vì thế, chó nuôi cũng cần những khoáng chất tương tự (6).
1. Nên lựa chọn thịt gà làm nguồn cung cấp protein và chất béo hàng ngày vì đây là loại thịt gia cầm mang tính kinh tế hơn thịt bò và thịt heo. Chưa kể, thịt gà còn chứa nhiều omega-3 hơn thịt bò và thịt heo do đó là sự lựa chọn tốt nhất khi bạn tự nấu ăn cho cún cưng.
2. Cho chó ăn nội tạng (tim, gan, cật...) của gà, heo hoặc bò khoảng 2 lần/tuần để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất.
3. Cho chó ăn xương bò, tủy bò hoặc những loại tủy gia súc, gia cầm từ 1-2 lần/tuần. Canxi là một trong những khoáng chất khó bổ sung vào thực phẩm nhà nấu, thế nên nếu có thể, bạn hãy hầm nhừ thịt gà và cá còn xương trong nồi áp suất để chó có thể nhai và nuốt xương an toàn.
3. Thêm các loại cá nhiều mỡ như cá bông lau, cá mòi, cá trích, cá nục, cá cơm... trong chế độ dinh dưỡng của chó tối thiểu 2 lần/tuần để bổ sung omega-3.
4. Cho chó ăn trái cây 2-3 lần/tuần để bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất. Chó là loài vật tự biết cần bao nhiêu trái cây cho đủ dinh dưỡng, vì thế tùy vào giống chó mà bạn hãy để chúng chủ động quyết định khẩu phẩn phù hợp. Ví dụ giống chó nhỏ như Pomeranian chỉ cần một muỗng canh xoài, trong khi giống cho lớn như Becgie có thể ăn hết một trái xoài. Danh sách trái cây phù hợp cho chó bao gồm xoài, dâu tây, nam việt quất, chuối, táo, dưa lưới, cam, đào, lê, dứa, mâm xôi, dưa hấu... Bạn có thể đọc thêm bài viết "Chó có thể ăn những loại trái cây nào?"
5. Ngoài trái cây, những loại tinh bột hữu ích khác cho chó còn có: rau xanh, các loại củ, khoai, gạo và nếp. Bạn có thể bổ sung những thực phẩm này vào bữa ăn của chó với tỷ lệ từ 5% - 10% tổng lượng thức ăn hàng ngày. Danh sách rau củ phù hợp cho chó sau khi nấu chín bao gồm: bông cải xanh, cà rốt, cần tây, đậu que, bó xôi, khoai tây, khoai lang, cơm, nếp và bắp.
6. Phương pháp nấu ăn phù hợp cho chó là luộc và hấp. Chó ăn thực phẩm chiên xào qua thời gian dài sẽ có nguy cơ mắc những căn bệnh như viêm đường ruột và viêm tụy.
7. Chó không nên ăn thực phẩm chứa đường tinh luyện hoặc những chất tạo ngọt khác. Cũng như con người, khi tiêu thụ nhiều đường, chúng có khả năng gặp phải những căn bệnh như viêm đường tiêu hóa, thừa cân, tiểu đường và hư răng.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Thú Cưng?
Chia sẻ những phương pháp thiết thực giúp bạn chăm sóc thú cưng.