Chánh niệm (mindfulness) - thực hành mang lại sự cân bằng và hạnh phúc nội tâm đích thực đang ngày càng được biết đến rộng rãi, đặc biệt là ở phương Tây. Ứng dụng khoa học của nó trong việc giảng dạy đã đem lại những lợi ích gì? Và tại sao nên đưa chánh niệm vào trường học để giúp học sinh nhận ra tầm quan trọng của việc kết nối sâu với chính mình?
Giáo sư người Mỹ Jon Kabat-Zinn, người tiên phong trong việc sử dụng thiền để trị bệnh trên khắp thế giới, đã dành hơn 40 năm để nghiên cứu, giảng dạy và ủng hộ những lợi ích của chánh niệm. Ông từng nhận sự hướng dẫn của một số giáo viên Phật giáo, trong đó có thiền sư Thích Nhất Hạnh (nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực chánh niệm ở phương Tây). Điều này giúp Kabat-Zinn có nền tảng về chánh niệm của văn hóa Phật giáo phương Đông, để từ đó ông tích hợp với khoa học phương Tây và phát triển khóa học trị liệu nổi tiếng Mindfulness-based Stress Reduction (MBSR, Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm).
MBSR là chương trình kéo dài 8 tuần nhằm giúp đỡ những người bị lo âu, trầm cảm, đau mãn tính, nghiện ngập, rối loạn miễn dịch, huyết áp cao,... Ở đó, người học sẽ được hướng dẫn tham gia thực hành các kỹ thuật chánh niệm hàng tuần để giảm mức độ căng thẳng và cảm nhận cảm giác an bình sâu sắc.
Mục tiêu của MBSR là đưa mọi người vào trạng thái tỉnh thức ở khoảnh khắc hiện tại để họ có thể trải nghiệm những suy nghĩ, cảm xúc của mình mà không đánh giá, phán xét, lo lắng hoặc chìm sâu trong quá khứ và tương lai.
Các bài tập thực hành trong MBSR có thể kể đến là học cách thở bằng bụng để làm chậm nhịp tim và giảm huyết áp; viết nhật ký về những điều bạn biết ơn trong cuộc sống; thảo luận nhóm, chia sẻ về trải nghiệm khi ứng dụng chánh niệm vào đời sống; thực hành các phương pháp thiền khác nhau như thiền quét cơ thể, thiền từ bi, ăn uống trong chánh niệm hoặc thực hiện các bài tập yoga nhẹ nhàng.
Kết quả sau 8 tuần học cho thấy việc ứng dụng chánh niệm giúp giảm thiểu các cơn đau và cải thiện chất lượng sống ở những người đang đối phó với các tình trạng đau mãn tính như chứng đau thắt lưng, đau đầu hoặc đau nửa đầu (1). Những người bị viêm khớp dạng thấp cũng nhận được lợi ích từ thực hành chánh niệm vì nó có thể cải thiện chức năng miễn dịch trong cơ thể (2).
Khi không sống trong khoảnh khắc hiện tại, chúng ta thường hành động một cách vô thức, hoặc bị cuốn theo dòng suy nghĩ trong đầu mà không tự dừng lại được. Điển hình như những suy nghĩ tiêu cực, mang tính phê phán bản thân.
Khi thực hành MBSR, các học viên có thể quan sát và chấp nhận những suy nghĩ, cảm xúc này của họ một cách bình tĩnh. Điều này giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng lo âu và trầm cảm đáng kể (3).
Đã có nghiên cứu cho thấy MBSR làm giảm sự lo lắng, trầm cảm và ý định tự tử ở các cựu chiến binh (4). Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm này có hiệu quả tương tự như thuốc chống trầm cảm để ngăn ngừa tái phát bệnh (5).
Những lợi ích trên đặc biệt cần thiết cho các bạn học sinh, sinh viên - thế hệ tương lai đang góp phần thay đổi và phát triển thế giới. Một nghiên cứu đã chỉ ra thực hành chánh niệm có thể giúp sinh viên giảm căng thẳng về mặt tâm lý, vấn đề thường thấy ở nhóm tuổi này (6). Chánh niệm cũng giúp cải thiện trí nhớ dài hạn và sự tập trung chú ý (7), một yếu tố quan trọng để các bạn tiếp thu kiến thức tốt hơn, tránh được sự phân tâm sao lãng trong thời đại công nghệ phát triển mạnh.
Với những ứng dụng khoa học trên, có thể thấy việc đưa chánh niệm vào hoạt động giáo dục là một bước đi quan trọng giúp giảm tình trạng trầm cảm, lo âu và tự tử ở các bạn trẻ - những người được cho là đang chịu nhiều gánh nặng, áp lực từ phía nhà trường, gia đình và cuộc sống.
Đôi khi, vì ước muốn con em có một tương lai tốt, chúng ta liên tục thúc đẩy các bạn ở nhiều lĩnh vực khác nhau để đạt được các mục tiêu to lớn, mà lại quên mất việc chăm sóc cho sức khỏe tinh thần cũng là hết sức thiết yếu. Trong khi tinh thần là thứ nâng đỡ và là điểm tựa cho các bạn trong những lúc khó khăn và nhiều áp lực.
Việc thực hành chánh niệm, đưa tâm trí trở về hiện tại cũng giống như một cách tập thể dục cho tâm trí, thay vì tập thể dục cho cơ thể như bình thường. Chúng ta có thể rèn luyện thể dục thể thao để thân thể khỏe hơn, thì cũng có thể thiền, tập thở hoặc sống trong hiện tại ở mỗi khoảnh khắc hàng ngày để có một tâm trí minh mẫn và vững vàng.
Hàng trăm trường học ở Anh đã đi tiên phong trong việc ứng dụng chánh niệm vào giáo dục để giúp trải nghiệm học tập của các bạn học sinh trở nên tốt hơn (8). Ngoài những môn học truyền thống như toán học, khoa học, lịch sử,... họ quyết định đưa chánh niệm vào chương trình giảng dạy với mong muốn có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên. Các bạn được học cùng các chuyên gia tâm lý để nắm kỹ thuật thư giãn, bài tập thở và các phương pháp khác giúp điều chỉnh cảm xúc, tâm trí theo hướng tích cực.
Trường trung học Los Angeles Unified, California cũng bắt đầu thử nghiệm phương pháp này bằng việc đào tạo các kỹ thuật chánh niệm cho gần 1000 giáo viên. Kết quả cho thấy, các giáo viên đã cảm thấy tốt hơn và suy nghĩ rõ ràng, thông suốt hơn. Ứng dụng chánh niệm vào giáo dục giúp các thầy cô giải phóng được tâm trí, tập trung vào những điều tích cực và quản lý căng thẳng hiệu quả. Đặc biệt là giúp họ nhận ra việc giữ cho tâm trí và cơ thể khỏe mạnh quan trọng thế nào, để từ đó có thể giảm bớt căng thẳng, giúp ích cho việc giảng dạy các em học sinh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.
Cựu Bộ trưởng Giáo dục Anh, Damian Hinds đã từng phát biểu: “Mỗi ngày chúng tôi đều chứng kiến trẻ em và thanh thiếu niên phải vật lộn để học được cách hòa nhập với thế giới hiện tại ngày càng phức tạp. Các bạn phải đối mặt với những áp lực ở trường, tình trạng bắt nạt và các vấn đề xảy ra ở nhà, cùng lúc đó chịu sự ảnh hưởng lớn từ mạng xã hội”. Ông tin rằng, thế giới hiện đại đang mang lại nhiều áp lực mới cho những người trẻ. Các bạn nên được làm quen dần với kiến thức về sức khỏe tinh thần và cảm thấy hạnh phúc ngay từ khi bắt đầu đi học.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.