Cholesterol từ lâu vốn đã bị coi là "hung thủ" gây nhiều nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là các bệnh tim mạch. Phần lớn mọi người đều tin rằng, việc hạn chế tiêu thụ những thực phẩm giàu cholesterol là cần thiết để duy trì sức khỏe. Tuy nhiên, liệu điều này có thật sự đúng, và nếu không thì đâu mới là cách thức phù hợp để kiểm soát lượng cholesterol trong cơ thể và bảo vệ tim mạch? Hãy cùng khám phá những lầm tưởng phổ biến về cholesterol và làm sáng tỏ mối liên hệ giữa chất béo này với cơ thể của chúng ta nhé.
Để trả lời được câu hỏi cholesterol có lợi hay có hại với sức khỏe con người, trước tiên, ta cần hiểu đúng về khái niệm cholesterol.
Là một trong ba loại chất béo tự nhiên thuộc nhóm lipid, cholesterol là thành phần không thể thiếu trong việc hình thành nên cấu trúc của mọi tế bào trong cơ thể. Bên cạnh đó, cơ thể cũng cần cholesterol để tạo ra các loại vitamin và hormone, cũng như thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác nhằm duy trì sự sống (1).
Về bản chất, cholesterol không phải một chất có hại, ngược lại, bạn sẽ không thể tồn tại nếu thiếu nó. Những tác hại về sức khỏe liên quan đến cholesterol mà ta thường nghe đến, thực chất là kết quả của quá trình vận chuyển cholesterol trong cơ thể.
Sau khi được sản xuất bởi gan, cholesterol được vận chuyển trong máu đến các mô và tế bào. Tuy nhiên, khi có quá nhiều cholesterol trong máu, chúng có khả năng tích tụ lại, gây tắc nghẽn và hạn chế lưu thông máu, từ đó gây ra tình trạng xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch như đau thắt ngực, đột quỵ và nhồi máu cơ tim (2).
Có một hiểu lầm phổ biến rằng đã là cholesterol thì đều giống nhau và đều gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, trên thực tế, các loại cholesterol khác nhau sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta theo những cách khác nhau.
Như đã đề cập trước đó, không phải bản thân cholesterol mà chính tiến trình di chuyển của nó trong trong cơ thể mới là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về sức khỏe. Cholesterol được vận chuyển trong máu bởi các hạt chuyên chở gọi là lipoprotein. Dựa vào lipoprotein, ta có thể phân loại cholesterol thành hai loại như sau:
Nhìn chung, nhiều LDL cholesterol ảnh hưởng tiêu cực, trong khi HDL cholesterol thì ảnh hưởng tích cực cho sức khỏe (3).
Nói cách khác, việc giảm lượng LDL và tăng lượng HDL trong cơ thể là chìa khóa giúp ngăn chặn các vấn đề về tim mạch.
Cholesterol có thể được hấp thụ từ bên ngoài qua một số loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, chẳng hạn như trứng, thịt và các sản phẩm từ sữa.
Vì lượng cholesterol trong máu cao có thể gây nguy hại đến sức khỏe tim mạch, hầu hết mọi người đều tin rằng ta nên hạn chế việc tiêu thụ các thực phẩm giàu cholesterol. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học đã đưa ra kết luận ngược lại: Cholesterol nạp vào cơ thể qua đường ăn uống ảnh hưởng rất ít đến lượng cholesterol trong máu của ta (4). Đó là vì cơ chế sản xuất cholesterol trong cơ thể chúng ta có khả năng thay đổi một cách linh động tùy vào hoàn cảnh. Khi ta ăn nhiều thực phẩm chứa cholesterol, gan sẽ tự động sản xuất ít đi để duy trì sự cân bằng. Ngược lại, nếu lượng cholesterol cung cấp từ thức ăn giảm, gan sẽ sản xuất nhiều hơn để đảm bảo cung cấp đủ chất cho cơ thể (5).
Kể cả với những người mà lượng cholesterol trong máu có xu hướng tăng sau khi ăn thực phẩm giàu cholesterol, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng điều này không nhất thiết làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đó là vì cùng với lượng LDL trong máu tăng, lượng HDL giúp vận chuyển cholesterol dư thừa trong máu về gan cũng tăng theo, dẫn đến tỷ lệ cholesterol LDL so với HDL gần như không thay đổi (6).
Trên thực tế, vào năm 2015, trong Hướng dẫn về Chế độ ăn uống do chính phủ Mỹ ban hành đã loại bỏ khuyến nghị trước đây về việc hạn chế cholesterol trong khẩu phần ăn, với lý do rằng "Cholesterol không phải là chất dinh dưỡng đáng để lo ngại về nguy cơ tiêu thụ quá mức" (7).
Mặc dù vậy, vẫn cần lưu ý rằng mỗi người có khả năng hấp thụ cholesterol khác nhau, và có những người sẽ phải kiểm soát lượng cholesterol nạp vào cơ thể một cách chặt chẽ hơn, chẳng hạn như những người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch.
Không phải lượng cholesterol có trong các món ăn, thủ phạm lớn nhất trong chế độ ăn uống khiến cholesterol trong máu cao thực chất là loại chất béo mà bạn hấp thụ vào cơ thể. Hai loại chất béo dưới đây đã được chứng minh là không tốt cho sức khỏe tim mạch, vì chúng làm tăng lượng cholesterol "xấu" (LDL) và giảm lượng cholesterol "tốt" (HDL) trong cơ thể (8):
Để duy trì hàm lượng cholesterol trong cơ thể ở mức an toàn, hãy cố gắng giảm việc tiêu thụ hai loại chất béo trên trong dinh dưỡng hằng ngày. Thay vào đó, hãy tăng cường sử dụng những chất béo không bão hòa (unsaturated fat) - loại chất béo có dạng lỏng ở nhiệt độ phòng, có thể được tìm thấy trong các loại hạt và quả (hạt hướng dương, hạnh nhân, óc chó, quả bơ…), các loại dầu thực vật (dầu ô liu, dầu đậu nành…) cũng như cá và hải sản. Một nghiên cứu vào năm 2016 dựa trên 115 người đã cho thấy, việc thay thế hầu hết các chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa có thể giúp giảm 9% tổng lượng cholesterol và 11% lượng cholesterol "xấu" chỉ trong tám tuần (9).
Cuối cùng, dù bạn có bận rộn đến mức nào, đừng quên dành ra ít thời gian mỗi ngày để vận động. Tham gia vào các hoạt động thể chất là một phương pháp hiệu quả trong việc cải thiện mức cholesterol trong cơ thể và tăng cường sức khỏe tim mạch (10).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an