Chúng ta luôn cố dành thời gian cho những mối quan hệ xã hội mà quên mất rằng tiền cũng là một "đối tác" đáng để quan tâm và kết nối sâu sát.
Tiền bạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Nó đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến cả tình cảm và quan hệ giữa con người. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nhận ra tầm quan trọng của mối quan hệ với tiền bạc trong cuộc sống của mình.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế biến động như hiện nay, việc quan tâm đến mối quan hệ này cũng đáng được đề cao như bất kỳ mối quan hệ nào khác trong xã hội. Bởi chỉ khi có một mối quan hệ tốt đẹp với tiền bạc, chúng ta mới có thể sống hòa hợp và hạnh phúc trong chính cuộc sống hàng ngày của mình.
Theo Ramit Sethi - tác giả của quyển sách I Will Teach You To Be Rich, mọi người thường không quá xem trọng những khía cạnh tâm lý học trong mối quan hệ của họ và tiền. Trong khi đó, vấn đề tài chính là một trong những căn nguyên tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của con người, cho chúng ta những giây phút căng thẳng, muộn phiền và cũng mang đến niềm hạnh phúc, vui sướng (1).
Nếu bạn đang gặp rắc rối với tiền, bạn sẽ có cảm giác bất lực, lo lắng về tài chính, xấu hổ vì thu nhập của bản thân và dần nảy sinh cảm giác bị tiền bạc chi phối các quyết định của bản thân. Ngoài ra, dưới đây, LeLa Journal sẽ giới thiệu một số dấu hiệu khác cho thấy bạn đang gặp tình trạng bế tắc trong mối quan hệ này:
Theo chuyên gia phân tích kế hoạch tài chính Anthony Badillo, cảm thấy tội lỗi khi tiêu xài là một chỉ dấu cho thấy chúng ta vẫn chưa thật sự biết cách đặt để vị trí bản thân ở đâu (2).
"Thông thường, những người có mối quan hệ không lành mạnh với tiền bạc gặp khó khăn trong việc tiêu tiền cho bản thân vì họ không thể tìm ra lý do gì để chắc rằng khoản chi của họ là hợp lý. Họ cảm thấy rất tội lỗi khi mua hàng và họ không thể ngừng nói về nó." - Badillo cho biết.
Nhiều người cũng chọn ở trong một môi trường thiếu thốn vật chất thay vì chi tiền để giúp bản thân sống thoải mái hơn, dù họ có khả năng làm như thế.
Abraham Maslow - nhà nghiên cứu đã tạo ra tháp nhu cầu nổi tiếng mang tên ông - cho rằng con người là "sinh vật luôn có khao khát" và luôn tồn tại những nhu cầu không được thỏa mãn (3).
Hầu hết mọi người muốn nhiều hơn những gì họ đang có. Đối với những người có mối quan hệ không mấy tích cực với tiền, họ sẽ cảm thấy số tiền mình làm ra không bao giờ là đủ, chẳng khi nào họ hài lòng với tình hình tài chính của bản thân. Từ đó, họ lao vào kiếm thêm nhiều tiền hơn trên con đường không điểm kết. Điều đó vô tình khiến họ kiệt quệ và rơi vào trạng thái tâm lý luôn cảm thấy bản thân kém cỏi.
Không ít người có niềm tin mãnh liệt rằng tiền có thể giúp họ có được tất cả. Suy cho cùng, tiền bạc thật sự có thể giúp họ giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống và cho họ cảm giác hạnh phúc.
Tuy nhiên, nhà tâm lý học Martin Seligman đưa ra quan điểm rằng mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc của con người khá… mong manh (4). Ông cho biết: "Tăng lương giống như một ly rượu martini giúp nâng cao tinh thần, nhưng chỉ là tạm thời". Cũng theo một nghiên cứu của nhà tâm lý học Daniel Kahneman và cộng sự, tiền chỉ có thể thỏa mãn những nhu cầu cơ bản. Những người có mức thu nhập cao đến một ngưỡng nhất định sẽ không còn cảm thấy quá hạnh phúc khi lương tăng.
Một số người không chấp nhận sự thật đấy, luôn tìm cách để gom góp thật nhiều tiền, chấp nhận đánh đổi nhiều thứ để rồi chính tư duy đó khiến họ kiệt quệ, mất đi nhiều mối quan hệ xã hội.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với tiền bạc như văn hóa, tôn giáo, giới tính, gia đình, thời thơ ấu và giáo dục… Tất cả đều có vai trò quan trọng trong cách bạn phản ứng với tiền bạc của mình nhưng lại không bao nhiêu người nhìn thấu các yếu tố đó. Thế nên, dưới đây là một số cách có thể cho bạn sự tự chủ trước đồng tiền:
Theo chuyên gia kế hoạch tài chính Georgia Lee Hussey, nếu không thể chi trả để lắng nghe những cố vấn chuyên nghiệp chia sẻ, chúng ta có thể áp dụng phương thức viết nhật ký chi tiêu của bản thân để tự suy ngẫm và điều chỉnh lại cách chi tiêu sao cho hợp lý. Việc viết xuống sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng và thông suốt hơn, thay vì chỉ ngồi nhớ lại và lần ra "đầu dây mối nhợ" (5).
Chuyên gia Georgia Lee Hussey thừa nhận bà từng "kế thừa" khả năng xoay sở tiền bạc theo kiểu "mượn đầu này đắp đầu kia" từ mẹ, và mẹ bà thì lại học điều đó từ người ông nghiện cờ bạc.
Dựa trên quan sát này, Georgia Lee Hussey nhìn ra rằng gia đình có sức ảnh hưởng âm ỉ đến nhận thức của chúng ta về tiền bạc. Để củng cố thêm luận điểm này, một số nghiên cứu cũng chỉ ra tài chính của cha mẹ có tác động, thậm chí đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của trẻ về kiến thức, thái độ và hành vi tài chính (6).
Georgia Lee Hussey gợi ý mọi người hãy thử tự hỏi: "Cha/mẹ đã dạy chúng ta điều gì về tiền bạc?" Câu trả lời sẽ là gợi ý để chúng ta suy ngẫm về cách mình đang phản ứng với tiền. Thế nhưng, một câu hỏi cũng không kém phần quan trọng là: Nếu những nền tảng đó không mấy tích cực, thì liệu bạn có sẵn sàng thay đổi nó?
Một mối quan hệ trở nên độc hại khi một bên nắm quá nhiều quyền lực, tương tự với việc chúng ta để tiền kiểm soát quá nhiều thứ. Thật ra, bạn vẫn có thể trở lại thành "người chủ" của đồng tiền, biến mối quan hệ này trở nên cân bằng hơn bằng cách sử dụng tiền vào những thứ có khả năng nâng cao giá trị lâu dài cho bản thân và xã hội, như:
Trong nghiên cứu năm 2004, tiến sĩ tâm lý học Van Boven và tiến sĩ triết học Gilovich chỉ ra rằng con người sẽ hạnh phúc hơn khi sử dụng tiền của mình cho những trải nghiệm thay vì vật chất. Những trải nghiệm trong cuộc sống thường có liên kết mật thiết với mỗi cá nhân và cho họ thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời còn vật chất lại dễ biến mất, hư hao (7).
Phần lớn chúng ta đều nghĩ rằng tiêu tiền cho bản thân sẽ hạnh phúc hơn là tiêu tiền cho người khác. Suy nghĩ đó khiến cho mọi người có rất ít động lực để chi tiền lên quyên góp từ thiện hoặc giúp đỡ tha nhân.
Nhà tâm lý học Elizabeth Dunn và cộng sự đã yêu cầu nhiều người báo cáo số tiền đã tiêu trong một tháng cho bốn khoản: hóa đơn và chi phí; quà tặng cho bản thân; quà tặng cho người khác và đóng góp cho tổ chức từ thiện. Hai khoản đầu tiên được tổng hợp thành danh mục chi tiêu cá nhân và hai khoản sau nằm trong danh mục chi tiêu xã hội. Kết quả là những người sử dụng tiền cho các mục đích xã hội cảm thấy hạnh phúc hơn (8).
Tóm lại, nếu bạn đang trong một mối quan hệ độc hại với tài chính, bạn có thể cân nhắc đầu tư nguồn tiền của mình cho những yếu tố kể trên. Dù không có giá trị hữu hình nhưng chúng lại là những khoản đầu tư xứng đáng và được khoa học chứng minh rằng sẽ mang đến cho bạn nhiều hạnh phúc hơn là kiếm được thật nhiều tiền - một giai đoạn hạnh phúc ngắn ngủi và cô đơn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.