Sự lên ngôi của mạng xã hội khiến cho việc kết nối giữa fan (người hâm mộ) và idol (các cá nhân tài năng trong lĩnh vực mà họ hoạt động) trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, mức sống ngày càng cao hơn cùng với độ phủ sóng của nền quảng cáo hiện đại đã tạo điều kiện để người hâm mộ đến gần hơn với thần tượng thông qua các sự kiện lễ hội âm nhạc, buổi biểu diễn (concert)... Từ đó, "đu idol" dần trở thành một trào lưu điển hình cho sự hâm mộ cuồng nhiệt của cộng đồng fan trên toàn thế giới.
Cụm từ "đu idol" là cách gọi vui mà cư dân mạng dùng chỉ việc người hâm mộ dành thời gian, công sức, tiền của để gắn kết với thần tượng bằng nhiều hình thức: đến dự concert (buổi biểu diễn có bán vé), mua merchandise (các sản phẩm liên quan đến thần tượng hoặc do công ty chủ quản phát hành theo hình ảnh của thần tượng như album, lightstick, poster, áo, móc chìa khóa và nhiều loại quà lưu niệm khác), mặc trang phục tương đồng với thần tượng, đến những nơi thần tượng có mặt hoặc ủng hộ các hoạt động văn hóa – thiện nguyện do thần tượng đề xướng...
Nhìn chung, cách gọi hóm hỉnh này thường dành cho cộng đồng fan K-pop - những bạn trẻ nổi tiếng với sự hết mình trong việc sát cánh cùng các idol xứ Hàn. Tuy nhiên, trên thực tế, trào lưu "đu idol" đã xuất hiện kể từ khi văn hóa đại chúng (pop culture) ra đời và phủ sóng trên mọi lĩnh vực đời sống tinh thần từ hàng chục năm về trước.
Quay ngược lại những năm cuối thập niên 1990 đầu thập niên 2000, sự kết nối giữa thần tượng và người hâm mộ khá mờ nhạt khi thông tin chỉ đến từ một chiều. Những cá nhân tài năng chỉ có thể xuất hiện trước công chúng thông qua sóng truyền hình, album vật lý, poster quảng cáo và các buổi biểu diễn cá nhân phải được chuẩn bị trước hàng tháng trời. Vì lẽ đó, người hâm mộ khó lòng tương tác thường xuyên hoặc bị hạn chế cơ hội tiếp xúc ở cự ly gần với thần tượng. Bên cạnh đó, các hình thức marketing và quảng bá hình ảnh của nghệ sĩ chỉ dừng lại ở truyền thông trong phạm vi hẹp và quy mô nhỏ, không đủ sức lan tỏa đến nhiều đối tượng khán giả. Sự kết nối giữa cộng đồng người hâm mộ với nhau cũng khá hời hợt do thiếu phương tiện liên lạc và định hướng kết nối, phát triển.
Dẫu vậy, những trở ngại này không hề làm giảm "lửa" cuồng nhiệt của thế hệ 7x, 8x dành cho thần tượng. Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, Thời báo Kinh tế Panache (The Economics Times Panache) từng thống kê danh sách Top Concert đông người tham gia nhất trong lịch sử biểu diễn của các nghệ sĩ toàn cầu tính đến năm 2015. Điều thú vị là các sự kiện âm nhạc diễn ra trong thế kỷ XX đều ghi nhận những con số kỷ lục. Cụ thể, concert của ngôi sao người Anh Rod Stewart diễn ra tại bãi biển Copacabana (Brazil) năm 1994 và concert của nhà soạn nhạc, ca sĩ người Pháp Jean Michel Jarre tổ chức tại Nga năm 1997 đạt kỷ lục 3,5 triệu khán giả, còn buổi biễn diễn vào năm 1986 của ban nhạc New York Philharmonic tại Mỹ cũng đã thu hút hơn 800.000 người đến xem.(2).
Tại Việt Nam, giai đoạn đó đang là thời kỳ huy hoàng của những nhóm nhạc phương Tây như Backstreet Boys, Westlife và những "công chúa – hoàng tử nhạc Pop" như Britney Spears, Justin Timberlake. Những thần tượng này đã làm xốn xang trái tim của biết bao khán giả trong nước với những tấm poster được dán kín trên tường phòng ngủ của thanh thiếu niên thời bấy giờ cùng những cuốn sổ ghi lại lời bài hát mà các cô cậu học trò chuyền tay nhau. Đặc biệt, giai đoạn này cũng ghi dấu sự lên ngôi của các ban nhạc sinh viên như Hoa Sữa, Bức Tường... và những nhóm nhạc trẻ thế hệ đầu của V-pop như MTV, Mắt Ngọc, Mây Trắng, AC&M, H.A.T... Các buổi biểu diễn trong trường đại học hoặc những sự kiện âm nhạc đã thu hút người hâm mộ thế hệ 7x, 8x đến gần với nghệ sĩ hơn và bắt đầu tương tác trực tiếp với thần tượng trên sân khấu, chụp ảnh chung, tặng quà, tự tay làm băng-rôn cổ vũ... Có thể thấy rằng mỗi thế hệ đều đã quen với việc "đu idol" theo những cách rất riêng.
Ngoài âm nhạc, người hâm mộ còn dành sự quan tâm đến những cá nhân tài năng thuộc lĩnh vực điện ảnh, thể thao, kinh doanh, công nghệ, chính trị... Sự yêu mến dành cho thần tượng dù ở thời đại nào cũng đều cuồng nhiệt, nhưng điều khác biệt lớn nhất giữa "đu idol" xưa và nay có lẽ nằm ở phương thức kết nối giữa khán giả và thần tượng, đặc biệt là dấu mốc năm 2005 – thời điểm Youtube ra đời và từng bước trở thành nền tảng video lớn nhất thế giới hiện nay (1).
Cách thức "đu idol" dần thay đổi từ khi Youtube ra đời, cùng với đó là sự bùng nổ của một loạt các mạng xã hội đình đám khác như Facebook, Instagram, Tiktok... Hình ảnh và hoạt động của các nghệ sĩ xuất hiện với tần suất dày hơn và cập nhật liên tục thông qua các video và hình ảnh được đăng tải. Sự chuyển biến này tạo ra những trào lưu "đu idol" mang dấu ấn của thời đại công nghệ.
Khác với thế hệ trước, sự tương tác giữa fan và idol hiện nay diễn ra theo hai chiều. Một mặt, các thần tượng và ekip của họ quảng bá hình ảnh thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, thêm vào đó, họ hoàn toàn có thể đọc mọi thông tin và ý kiến từ người hâm mộ chỉ nhờ lướt smartphone. Mặt khác, các fan tương tác với idol thông qua các tài khoản mạng xã hội để cập nhật thông tin mới nhất về công việc cũng như cuộc sống của các nghệ sĩ. Thông qua hoạt động của các hội nhóm trên mạng xã hội, người hâm mộ dễ dàng kết nối với nhau và tạo nên hoặc tham gia các cộng đồng fan (fandom) để hỗ trợ thần tượng trong nhiều dự án.
Nắm bắt được sợi dây kết nối tinh thần giữa fan và idol, các công ty chủ quản cũng nhanh chóng lên chiến lược đa dạng hóa các vật phẩm lưu niệm để tạo ra dấu ấn của mỗi nghệ sĩ, hoặc bắt tay với các hãng bán lẻ tung ra các bộ sưu tập mang thương hiệu và hình ảnh của idol. Điều này thu hút người hâm mộ mạnh tay chi tiền như một phương thức "đu idol" kiểu mới nhằm có được những khoảnh khắc "đụng hàng" (cheap moment - chỉ việc mua sản phẩm giống đồ dùng của thần tượng) (3) .
Trên hết, lòng nhiệt thành của những người hâm mộ âm nhạc hiện nay thể hiện rõ nhất trong việc đầu tư kinh phí và thời gian để có mặt trong các concert của thần tượng, đặc biệt là các tour lưu diễn vòng quanh thế giới (world tour).
Chỉ tính riêng trong năm 2023, làng nhạc US-UK bùng nổ những world tour đình đám như Eras Tour của Taylor Swift, Renaissance World Tour của Beyoncé, Music of the Spheres World Tour của Coldplay, The Charlie Live Experience World Tour của Charlie Puth với hàng trăm nghìn vé được bán hết trong vỏn vẹn chưa đầy một tiếng đồng hồ. Không thua kém các ngôi sao âm nhạc Âu – Mỹ, các nghệ sĩ K-pop cũng đem đến những màn trình diễn mãn nhãn cho cộng đồng fandom, điển hình là BTS tổ chức thành công world tour Love Yourself xuyên suốt năm 2018-2019, trong khi Super Junior tiếp tục tổ chức Super Show World Tour trong năm nay sau hơn 15 năm sự nghiệp với những concert đông đảo fan tham dự.
Đặc biệt vào cuối tháng 7 này, fandom của Blackpink tại Việt Nam và các nước lân cận lại tiếp tục đứng ngồi không yên khi nhóm nhạc nữ này sẽ kết thúc chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới tại thủ đô Hà Nội bằng concert "Born Pink". Để được hít thở chung bầu không khí với thần tượng, được tai nghe mắt thấy thần tượng biểu diễn trên sân khấu, người hâm mộ sẵn sàng chi một khoản tiền lớn cho vé tham dự concert, chi phí mua merchandise, chi phí di chuyển và lưu trú, trang phục theo chủ đề của fandom... thậm chí, gác lại mọi công việc để săn vé thành công và sắp xếp thời gian đi "đu idol". Có thể nói, tình cảm cuồng nhiệt của người hâm mộ dành cho các thần tượng thời nào cũng có, song mỗi giai đoạn lại được thể hiện bằng những cách khác nhau theo sự biến chuyển của các yếu tố xã hội.
Nhìn nhận từ góc độ tâm lý học hành vi, việc "đu idol" xuất phát từ sự ngưỡng mộ của con người đối với sự xuất chúng của những cá nhân khác trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể.
Trong một nghiên cứu mang tên "Chứng kiến hành vi xuất sắc: Cảm xúc 'ca ngợi người khác' về sự vượt trội, lòng biết ơn và ngưỡng mộ", hai nhà tâm lý học Sara B. Algoe và Jonathan Haidt chỉ ra rằng não bộ nảy sinh cảm xúc tích cực khi chúng ta chứng kiến những hành động mang tính phi thường (extraordinary action) như các kỹ năng (skill), tài năng (talent), thành tựu (achievement) do cá nhân khác (ở đây chính là thần tượng) biểu diễn hay đạt được, từ đó hình thành sự ngưỡng mộ (admiration) (4). Khi đó, phần tính cách duy mỹ bên trong mỗi người được đánh thức, khiến chúng ta muốn gắn kết với những cái đẹp, cái hay thông qua hai giác quan chủ yếu là thị giác (nhìn) và thính giác (nghe).
Đồng thời, việc quan sát sự xuất chúng (excellence) một cách thường xuyên đem lại hiệu quả thư giãn cho não bộ, đồng thời kích thích sự ngưỡng mộ mạnh mẽ hơn. Các kết quả phân tích tâm lý của một số người hâm mộ trong nhiều lĩnh vực tham gia nghiên cứu của hai nhà khoa học cho thấy khi sự ngưỡng mộ đủ lớn, con người có xu hướng muốn bày tỏ điều đó cho thần tượng của mình và những người xung quanh nhằm tìm kiếm sự công nhận và đồng thuận. Để thực hiện điều này, người hâm mộ thường nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa mình và thần tượng thông qua việc tận dụng các cơ hội gặp gỡ, tiếp cận gần, đồng thời khẳng định sự tương đồng giữa mình và thần tượng bằng cách tạo ra những "cheap moment" hoặc theo đuổi phong cách giống với thần tượng... (5). Nói cách khác, một người có tâm lý "đu idol" khi nảy sinh sự mến mộ tài năng của thần tượng và muốn xây dựng ở mình một phiên bản mang dấu ấn của người có sức ảnh hưởng đặc biệt đó.
Việc thần tượng một cá nhân có tài năng đã được khoa học chứng minh là đem lại những giá trị tích cực trong đời sống tinh thần của người hâm mộ. Hãy cùng LeLa Journal điểm qua ba lợi ích quan trọng nhất dưới đây.
Một cuộc khảo sát trực tuyến mở rộng đã được thực hiện để đánh giá các hiệu ứng tâm lý căn cứ theo Lý thuyết Bản sắc Xã hội (Social Identity Theory) đối với 1.477 khán giả hâm mộ K-pop từ 92 quốc gia (trong đó chủ yếu là các nước phương Tây). Kết quả cho thấy sự hâm mộ dành cho các thần tượng tạo nên sự gia tăng về mức độ cảm nhận hạnh phúc, nâng cao ý thức về lòng tự trọng và tạo ra sự kết nối xã hội tốt hơn cho người tham gia thông qua hoạt động của các fandom (10).
Từ lâu nay, dư luận vốn có nhiều ý kiến trái chiều về việc giới trẻ "đu idol". Trong khi các cộng đồng fandom khẳng định việc hâm mộ thần tượng là điều chính đáng, một bộ phận không nhỏ non-fan (không hâm mộ/yêu thích thần tượng nào) lại lên tiếng chỉ trích việc chạy theo thần tượng là "vô bổ, phí tiền, tốn thời gian". Dưới góc nhìn khách quan, người viết chia sẻ một số "tip" tham khảo để "đu idol" một cách văn minh và chân chính.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.