Mặc dù ý niệm về hạnh phúc luôn mang nhiều dạng thức khác nhau, nhưng các nhà khoa học đã khám phá ra những phần quan trọng cốt lõi như biểu hiện của hạnh phúc và làm thế nào để nắm giữ hạnh phúc trong tay.
Henri Bergson, triết gia nổi tiếng từng đạt giải Nobel nói rằng: “Người ta định nghĩa hạnh phúc là cái gì đó phức tạp và rối rắm, là một trong những quan niệm mà nhân loại đã cố tình thả nổi để mỗi người tự xác định theo cách của mình”. Thật ra, cứ để mọi người hiểu lờ mờ về hạnh phúc cũng chẳng có gì nghiêm trọng, nếu đó chỉ là thứ cảm xúc thoáng qua và không để lại hậu quả. Tuy nhiên, hạnh phúc lại là một cách sống quyết định chất lượng từng khoảnh khắc cuộc đời của chúng ta. Vậy thì hạnh phúc là gì?
Theo tâm lý học, hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc mà ở đó người ta đạt được những gì mình mong đợi tại một thời điểm cụ thể (1).
Còn dưới nhận định của các triết gia như André Comte-Sponville, ông cho rằng “hạnh phúc là bất kỳ khoảng thời gian nào có sự xuất hiện tức thì của niềm vui”.
Theo cuốn sách nổi tiếng “Bàn về hạnh phúc”, tác giả Matthieu Richard cho rằng hạnh phúc không tự giới hạn ở một vài cảm xúc dễ chịu, ở khoái cảm mạnh mẽ, ở một niềm hân hoan tràn trề hay một sự thanh thản thoáng qua, mà nó sẽ đến với ta ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc sống. Không có từ ngữ nào có thể diễn tả rõ nghĩa của hạnh phúc thực sự, vì tất cả chỉ mới gọi tên được đặc tính của nó mà thôi. Như một nụ cười của trẻ thơ hay một tách trà ngon sau cuộc tản bộ trong rừng cũng chỉ là biểu hiện của niềm vui và hạnh phúc, chứ không phải là định nghĩa của hạnh phúc.
Theo tâm lý học, người hạnh phúc thường không suy nghĩ về quá khứ, không hoài nghi về tương lai. Tự họ tìm thấy niềm vui trong các mối quan hệ lâu dài, làm việc có mục tiêu và mong muốn trở thành người có giá trị. Dưới đây là một số biểu hiện của một người hạnh phúc (2):
Dưới đây là năm bài tập mà các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng sẽ giúp chúng ta cải thiện cảm giác hạnh phúc.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng các mối quan hệ lành mạnh (với vợ chồng, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp) là một trong những yếu tố quyết định con người có hạnh phúc hay không. Những ai có mối quan hệ bền chặt với mọi người xung quanh sẽ có hormone gây căng thẳng thấp so với những người ít có mối quan hệ tốt (3).
Robert Waldinger, Giám đốc nghiên cứu về sự phát triển của người trưởng thành tại trường Đại học Harvard khẳng định:
Những mối quan hệ tốt sẽ giúp cho cơ thể chúng ta khỏe mạnh và sống lâu hơn (4).
Waldinger nói thêm rằng những mối quan hệ như thế đòi hỏi tự thân mỗi người nên nỗ lực. Bạn phải theo kịp mọi người, nghĩa là dành cho họ thời gian và sự quan tâm. Khi có thời gian, hãy gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp. Nếu gặp trở ngại về khoảng cách địa lý, hãy gọi điện hoặc nhắn tin để mối quan hệ vẫn được duy trì.
Tìm cách thực hiện những hành động tử tế dù nhỏ bé hoặc tùy hứng trong ngày. Những hành động này bắt đầu từ những việc làm đơn giản, chẳng hạn khen ngợi chiếc váy của một người lạ ở cửa hàng tạp hóa đến việc chủ động pha giúp đồng nghiệp một tách trà.
Theo một số nghiên cứu của Sonja Lyubomirsky tại UC Riverside, những cử chỉ tốt lành và hành động tử tế giúp bạn bớt chán nản, lo lắng cũng như đem lại cảm giác hạnh phúc (5).
“Chính những việc mà bạn làm cho người khác sẽ quay lại với bạn. Thế nên, thay vì đấu đá, cau có thì hãy giúp đỡ người khác khi cần thiết. Niềm vui sẽ được tạo ra từ đấy, vì khi bạn đầu tư công sức của mình vào phúc lợi của người khác, nó sẽ kích hoạt trạng thái được tưởng thưởng trong não, khiến bạn cảm thấy vui vẻ vì đã làm cho người khác cảm thấy hài lòng”.
Theo một nghiên cứu năm 2005 của Martin Seligman, giám đốc Trung tâm Tâm lý học tích cực tại trường Đại học Pennsylvania, viết ra ba điều mà bạn biết ơn vào cuối ngày và lý giải nguyên do sẽ giúp bạn giảm triệu chứng trầm cảm trong thời gian dài (6).
Không cần phải là một việc quan trọng hoặc lớn lao, chỉ cần bạn có thể viết ra (trên ứng dụng điện thoại hoặc sổ tay) thì nó cũng đem lại hiệu quả. Ví dụ, bạn có thể viết: “Bài báo cáo đã hoàn thành sau 2 tuần làm việc chăm chỉ”, “Gọi điện hỏi thăm thầy giáo, vui mừng vì thầy vẫn khỏe mạnh”, “Một ngày đẹp trời để có thể dắt chú chó cưng đi dạo”.
Mục đích của việc này chính là để rèn luyện tâm trí của bạn hướng đến những phần tốt đẹp trong cuộc sống thay vì tập trung sự chú ý vào những điều gây căng thẳng hoặc khó chịu.
Thiền vốn đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước và đang tiếp tục được khoa học công nhận vì những lợi ích đặc biệt đối với sức khỏe tinh thần và thể chất con người.
Bạn có thể đã thử tham khảo các bài tập về thiền như là ngồi bất động hoặc quán thân vô thường (không thấy bản thân là quan trọng vì mọi thứ rồi cũng sẽ thay đổi). Bạn cũng có thể kiểm soát não bộ tập trung vào hiện tại thay vì quá khứ hay tương lai. Theo nghiên cứu của Tạp chí Quốc tế về Sức khỏe thì việc chú tâm vào khoảnh khắc hiện tại sẽ giúp bạn gia tăng cảm giác chấp nhận bản thân (7).
Elizabeth Dunn, giáo sư tâm lý học tại Đại học British Columbia, cho biết: "Mục đích của việc này chính là để nhận ra cảm xúc của mình, chứ không phải là đánh giá chúng. Khi vui, biết mình đang vui. Khi đau khổ, nhìn thấy nỗi khổ đó. Đến cuối cùng, bạn sẽ tìm thấy được cảm giác bình an và hạnh phúc".
Chuyên gia giảng dạy về Khoa học và Hạnh phúc, Simon-Thomas cho rằng hạnh phúc là chấp nhận cuộc sống luôn tồn tại nhiều khía cạnh. Khi đã trải qua những mất mát cá nhân lẫn thất bại từ những chuyện bất đắc ý trong đời, chúng ta sẽ nhận ra hạnh phúc nghĩa là biết cách chấp nhận những trải nghiệm tiêu cực đó, đồng thời đưa ra những phương án để đối phó và giải quyết (8).
“Tự yêu bản thân quá mức sẽ trở thành vị kỷ, nhưng hạ thấp chính mình để sống trong dằn vặt vì sai lầm thì cũng không phải là điều đúng đắn. Quan trọng là bạn phải biết dung hòa được cả hai, vừa dành đủ sự chú tâm quan sát cho thế giới bên ngoài, nhưng cũng không phủ nhận tài năng bản thân. Rút kinh nghiệm từ những sai lầm, ngẫm lại và bước đi. Tôi hy vọng mọi người sẽ thực hành nó thường xuyên để có thể có được hạnh phúc ngay cả có nhiều việc oan trái xảy đến trong đời”.
Ngoài ra, trong bản báo cáo của trường Đại học Harvard, các yếu tố khác để có một cuộc sống lâu dài và hạnh phúc còn bao gồm: không hút thuốc hoặc lạm dụng rượu, tập thể dục thường xuyên và tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Waldinger đúc kết: "Những điều trên có thể bạn cũng đã nghe hoặc biết từ hội chị em bạn thân rồi. Nhưng đây thực sự là điều khoa học đã chứng minh. Cho nên, đừng nghĩ hạnh phúc là xa xôi, không với tới được. Bạn thật sự có thể định đoạt tuổi thọ hoặc trạng thái cảm xúc của mình. Nên hãy lựa chọn lối sống hợp lý nhất có thể nhé".
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.