Chăm chỉ, có trách nhiệm và không ngại "gánh" việc, đây có lẽ là kiểu đồng nghiệp lý tưởng mà ai cũng mong muốn được làm việc cùng. Thế nhưng, sự siêng năng thái quá của họ đôi lúc lại khiến bạn cảm thấy áy náy và lo sợ bản thân thua kém, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả nhóm.
Những tin nhắn, cuộc gọi hay email cứ liên tục đổ về kể cả vào cuối tuần hay lúc nửa đêm khiến bạn bực bội. Việc bị mang ra so sánh với một người hết mình vì công việc làm bạn lo lắng. Áp lực phải bắt kịp tiến độ của họ lại càng khiến bạn mệt mỏi.
Dù biết rằng sự căng thẳng, khó chịu của mình là vô lý và bạn chẳng có lý do gì để chê trách sự nỗ lực của đồng nghiệp, thế nhưng bạn vẫn không thể thoát khỏi trạng thái mệt mỏi khi làm việc với một "tín đồ" cuồng việc. Tình thế này khiến bạn loay hoay không biết phải giải quyết thế nào, vậy hãy thử giải tỏa áp lực và cân bằng tâm trạng của mình bằng những cách sau.
Chăm chỉ luôn là một đức tính tốt đẹp được xã hội đề cao. Do đó, khi đồng nghiệp sẵn sàng làm thêm giờ, lao động cật lực cả vào cuối tuần, bản thân ta mặc định đó là hành động tích cực, cần noi theo.
Tuy nhiên, có một ranh giới chắn ngang giữa siêng năng và "tham công tiếc việc". Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, lối làm việc quá mức thường "lợi bất cập hại" và có thể gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe, bao gồm các vấn đề như trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim mạch (1).
Cả khi bạn chấp nhận "đánh đổi" sức khỏe lấy hiệu quả công việc thì trớ trêu là, làm việc càng nhiều chưa chắc sẽ làm càng tốt. Thực tế, làm việc quá sức thường khiến mức độ căng thẳng tăng cao vì não bộ không được nghỉ ngơi điều độ, từ đó dẫn đến sự thiếu tập trung, giảm khả năng tư duy và ảnh hưởng đến năng suất làm việc của chúng ta (2).
Do đó, bạn có thể học hỏi thái độ làm việc hết mình của đồng nghiệp, tinh thần cống hiến vì công việc nhưng chứng "nghiện" việc thì chắc chắn không nên học theo.
Vì áp lực mà đồng nghiệp gián tiếp gây ra, ta thường dễ nảy sinh cái nhìn không mấy thiện cảm đối với họ. Chúng ta dễ quy chụp rằng họ làm việc "bán mạng" như vậy là vì muốn cạnh tranh, vượt mặt hay gây khó dễ cho bạn. Tuy nhiên, lối suy diễn mang tính cá nhân này không những sai trong phần lớn trường hợp, mà còn khiến mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp căng thẳng một cách vô lý.
Ngoài ra, có một sai lầm phổ biến trong tư duy mà ta cần tránh khi đánh giá hành động của người khác là "lỗi quy kết cho bản chất". Đây là một thuật ngữ tâm lý học chỉ một thành kiến trong nhận thức mà theo đó, chúng ta có xu hướng cho rằng nguyên nhân dẫn đến hành vi của một người là do bản chất, tính cách của họ mà thiếu suy xét đến những yếu tố khách quan bên ngoài (3). Ví dụ như khi gặp một người đồng nghiệp "nghiện" công việc, ta dễ dàng đi đến kết luận rằng họ là kẻ tham vọng, cố chấp và không quan tâm đến cảm xúc của người khác.
Thế nhưng, nguyên nhân khiến một người lao đầu vào công việc có khi chẳng hề liên quan đến tính cách mà lại xuất phát từ vấn đề tài chính hay các mối quan hệ. Bởi vậy, thay vì suy diễn và quy chụp một cách cảm tính, hãy cố gắng dành cho họ một cái nhìn bao dung, đồng cảm hơn. Điều này sẽ giúp bạn duy trì một tâm lý tích cực đồng thời tránh được những xung đột không cần thiết với đồng nghiệp.
Kể cả khi hiểu rằng làm việc "bán mạng" chẳng phải là điều tích cực, thật khó để chúng ta không cảm thấy chút áp lực gì khi làm việc với một người quá nghiêm túc và chăm chỉ.
Tuy nhiên, đừng để sự lo lắng và áp lực kéo bạn vào một "cuộc đua" vô nghĩa chỉ để bắt kịp hay vượt qua họ. Mỗi người có một tiêu chuẩn khác nhau về thời gian và sức lực mà bản thân sẵn sàng cống hiến cho công việc. Miễn là bạn vẫn đang làm việc một cách nghiêm túc và hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ với công ty thì không có lí do để bạn cảm thấy tội lỗi vì đã không "hy sinh" nhiều như người khác.
Một yếu tố khác dễ khiến ta lao vào cuộc cạnh tranh chốn công sở là áp lực về sự đánh giá, so sánh của cấp trên. Chúng ta sợ rằng nếu mình không ở lại làm thêm giờ hay không ôm việc về nhà vào cuối tuần, bản thân sẽ bị đánh giá là không đủ nỗ lực hay không có tinh thần cống hiến.
Tuy nhiên, tự "hù dọa" bằng những suy diễn của mình chẳng khác gì bạn tự dẫm vào chân rồi khiến bản thân đau. Hãy yên tâm là một nhà quản lý có năng lực sẽ tôn trọng cuộc sống riêng tư cũng như thời gian nghỉ ngơi của nhân viên. Họ cũng thừa hiểu rằng chất lượng công việc không phải cứ làm nhiều, dành thời nhiều là sẽ được nâng cao.
Những người cuồng công việc ít khi nhận ra vấn đề của bản thân và thường kỳ vọng người khác làm việc cùng cường độ với mình. Họ có thể nhắn tin vào giữa đêm hay yêu cầu bạn phải xử lý công việc ngay cuối tuần.
Trong những trường hợp như vậy, đừng cả nể nhận lời chỉ vì sợ sẽ làm mất lòng đối phương. Hãy trao đổi một cách thẳng thắn và lịch sự rằng không phải lúc nào bạn cũng có thể dành thời gian cho công việc và bạn còn có những trách nhiệm khác cần phải hoàn thành trong cuộc sống. Chỉ khi bạn dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của bản thân, bạn mới có thể kỳ vọng người khác cũng tôn trọng những giới hạn mà mình đặt ra.
Để giúp một người đồng nghiệp bỏ được thói "tham công tiếc việc", hãy bắt đầu bằng việc dành thời gian lắng nghe và trò chuyện nhiều hơn với họ. Bạn có thể nhắc họ về tầm quan trọng của thói quen làm việc điều độ, cân bằng.
Ngoài ra, bạn có thể rủ rê đồng nghiệp tham gia vào một số hoạt động giải trí ngoài giờ làm việc. Qua đó, bạn có thể giúp họ nhận ra rằng việc dành thời gian cho những hoạt động khác không hề ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động. Ngược lại, việc nghỉ ngơi và thư giãn đầu óc có thể giúp tăng cường khả năng tập trung và tư duy trong công việc.
"Cách tốt nhất để thúc đẩy một người "nghiện" công việc tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài là chỉ ra mối liên hệ giữa những yếu tố khác với công việc của họ. Nếu họ nhận thấy sức khỏe tốt hay một chuyến du lịch có thể giúp ích cho công việc như thế nào, họ có thể sẽ thử những điều đó" - Tiến sĩ Tâm lý học Michael Woodward đưa ra lời khuyên (4).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?