51% giới lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ đang cân nhắc việc cắt giảm nhân sự như một biện pháp đối phó với giai đoạn suy thoái.
Trước những thông tin được đăng tải liên tục về những đợt sa thải quy mô lớn của các công ty lớn lẫn nhỏ, nguy cơ bị mất việc làm đang trở thành mối lo lớn đối với nhiều người. Vậy làm thế nào để bạn có thể vượt qua cuộc khủng hoảng mang tên "cắt giảm nhân sự" và bảo vệ công việc của mình trong thời kỳ khó khăn này?
Có một nguyên tắc cơ bản khi nói về việc cắt giảm nhân sự, đó là: Công ty càng nhìn nhận giá trị của bạn cao bao nhiêu, khả năng bạn được giữ lại sẽ càng lớn bấy nhiêu. Bởi vậy, cách tốt nhất để không phải lo sợ về việc mất việc làm là liên tục nâng cao năng lực của bản thân để trở thành một người không thể thay thế được.
Bây giờ là thời điểm thích hợp để bạn dành thời gian tự đánh giá lại bản thân cũng như tìm kiếm một hướng đi phù hợp để phát triển sự nghiệp. Từ việc hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu cũng như các yêu cầu của công việc ở thời điểm hiện tại, bạn có thể lựa chọn phát triển thêm những kỹ năng đã có sẵn, học thêm về những lĩnh vực mới hay khắc phục những điểm còn yếu kém. Một số yếu tố sẽ giúp bạn nâng cao năng lực trong công việc bao gồm:
Nhà sinh học Charles Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa, có một câu nói nổi tiếng về quá trình chọn lọc tự nhiên như sau: "Những sinh vật sống sót được không phải những giống loài khỏe mạnh hay thông minh nhất, mà là những loài nhạy bén với thay đổi nhất" (2). Câu nói này không chỉ chính xác trong thế giới tự nhiên, mà ngay cả với môi trường công sở, sự linh hoạt và khả năng thích nghi là một trong những phẩm chất được các nhà lãnh đạo đánh giá cao.
Khi công ty cắt giảm nhân sự, khối lượng công việc cũng sẽ không vì thế mà ít đi. Điều đó có nghĩa là các nhân viên ở lại thường sẽ phải đảm nhận thêm một số vai trò mới. Tinh thần sẵn sàng thay đổi và khả năng thích ứng nhanh nhạy càng trở thành một yếu tố quan trọng trong thời điểm này.
Do đó, nếu phải đối mặt với các xáo trộn, thử thách trong công việc, như một lịch trình công việc bị thay đổi hay một vai trò chưa từng thử sức, hãy cố gắng đón nhận chúng với thái độ tích cực thay vì né tránh hay than phiền. Đó là những cơ hội để chứng tỏ với cấp trên bạn là một người đáng tin tưởng mà công ty có thể trông cậy vào trong thời kỳ khó khăn.
Nếu bạn là một người hướng nội và sống khép kín, có lẽ đọc đến đây bạn sẽ thở dài. Ý tưởng về việc phải trở nên năng nổ hơn thật chẳng thú vị gì với những người vốn đã quen hoàn thành mọi việc một cách lặng lẽ. Tuy nhiên, nếu thực sự muốn bảo vệ công việc hiện tại, đây là lúc bạn nên cố gắng đẩy bản thân ra khỏi vùng an toàn. Vì bất kể bạn có cố gắng đến đâu để nâng cao năng lực trong công việc, sẽ chẳng ai biết được điều đó nếu bạn không biết cách thể hiện mình.
Để nhận được nhiều sự chú ý hơn tại chỗ làm, hãy bắt đầu với việc tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận và cuộc họp. Đặt nhiều câu hỏi và mạnh dạn đưa ra giải pháp cho những vấn đề các đồng nghiệp đang gặp phải. Đừng lo lắng về việc ý tưởng của bạn có thể còn thiếu sót. Điều quan trọng không phải việc đưa ra những giải pháp hoàn hảo, mà là thể hiện cho cấp trên thấy bạn là một người quan tâm đến tập thể và có nỗ lực trong công việc.
Ngoài ra, việc nhiệt tình hỗ trợ đồng nghiệp và chủ động đảm nhận những nhiệm vụ mới cũng cũng là cách để bạn trở nên nổi bật và "ghi điểm" trong mắt cấp trên.
Việc thăng tiến trong công sở thường chịu ảnh hưởng của sự yêu ghét cá nhân. Điều này có thể không công bằng, nhưng không thể phủ nhận nó là sự thật. Một nghiên cứu của Giáo sư Tiziana Casciaro và cộng sự cho thấy, nếu phải lựa chọn giữa người có năng lực cao nhưng tính cách tồi tệ và người tuy không giỏi bằng nhưng có quan hệ tốt đẹp với họ, phần lớn mọi người sẽ chọn mẫu người thứ hai để làm việc cùng (3).
Nghiên cứu của Giáo sư Tiziana Casciaro cho thấy mẫu đồng nghiệp số 4 được yêu thích hơn mẫu đồng nghiệp số 1 - Trình bày: LeLa Journal
Vậy liệu điều này có nghĩa là bạn sẽ phải chạy theo xu nịnh, tâng bốc cấp trên nhằm giữ lại công việc của mình? Không phải như vậy. Một sự quan tâm giả tạo sẽ chẳng thể kéo dài được lâu và những người tinh ý có thể nhận ra liệu bạn có thật sự yêu quý họ một cách chân thành hay không.
Thay vào đó, hãy thử thật sự mở lòng với đồng nghiệp và đón nhận họ với sự cởi mở, bao dung. Bạn không thể thay đổi những người xung quanh theo ý mình, tuy nhiên, bạn có thể lựa chọn lăng kính dùng để nhìn nhận người khác. Bởi vậy, hãy trao một cái nhìn dịu dàng và tích cực, học cách bỏ qua những mâu thuẫn nhỏ và tập trung vào những khía cạnh tốt trong con người họ. Ngoài ra, những cử chỉ nhỏ nhưng chân thành như nụ cười khi gặp mặt, vài lời hỏi thăm đúng lúc cùng sự chủ động lắng nghe cũng có thể giúp bạn thu hẹp khoảng cách và trở nên thân thiết hơn với đồng nghiệp.
Kể từ đại dịch Covid, remote working – làm việc từ xa, đã trở thành một hình thức làm việc chẳng còn mấy xa lạ. Tuy nhiên, trong thời kỳ suy thoái kinh tế như hiện nay, việc làm từ xa lại có thể trở thành một điểm yếu chí mạng khiến bạn dễ trở thành người phải "ra đi" trong công ty.
Một mặt trái vốn đã luôn tồn tại của việc làm từ xa, đó là để đánh đổi cho sự tự do, thoải mái thì một mối quan hệ hời hợt, xa cách với đồng nghiệp là điều khó tránh khỏi. Những nhân viên đến công ty làm việc thường thân thiết với cấp trên hơn, và nhờ vậy, họ cũng có vị trí vững chắc và khả năng được đề bạt cao hơn trong công việc.
"Các nhà quản lý rõ ràng không có ý định phân biệt đối xử với những người làm việc từ xa. Tuy nhiên, thật khó để tưởng tượng sẽ có sự đối xử công bằng và tin tưởng như nhau giữa một nhóm nhân viên đang làm việc bên cạnh bạn trong văn phòng và một nhóm nhân viên khác đang làm việc tại nhà" Jason Lapp, CEO công ty công nghệ Beautiful.ai, chia sẻ (4). Cuộc khảo năm ngoái của Beautiful.ai đã cho thấy 60% trong số 3.000 nhà quản lý sẵn sàng sa thải nhân viên làm việc từ xa trước trong các đợt cắt giảm (5).
Vì vậy, dù bạn đang làm một công việc cho phép bạn không phải có mặt hàng ngày, thì đây là thời điểm bạn nên cân nhắc đến việc lên công ty nhiều hơn nhằm tăng cường sự hiện diện của mình trong mắt đồng nghiệp.
Bên cạnh đó, hãy tích cực tham gia cả những hoạt động ngoài giờ hành chính như team building, liên hoan, du lịch… vì đó là những khoảng thời gian quý giá sẽ giúp bạn tương tác với mọi người và trở thành một phần quan trọng của tập thể.
Người lao động có thể theo dõi tình hình sa thải toàn cầu trên trang layoffstracker.com. Tuy các con số thống kê chưa đầy đủ nhưng những báo cáo này có thể phần nào cho thấy một số ngành có xu hướng sa thải nhiều hơn những ngành khác như thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?