Chuyển từ giai đoạn "tán tỉnh - cưa đổ" sang chính thức xác lập mối quan hệ, mỗi cặp đôi có thể đối mặt với nhiều trở ngại trong việc làm thế nào để hiểu nhau hơn.
Trước hết, chúng ta hãy cùng thống nhất, một mối quan hệ "mới bắt đầu" là mối quan hệ mới kéo dài khoảng ba tháng. Đây là thời lượng đủ hợp lý, đủ dài để mỗi cặp đôi cảm thấy quen với sự tồn tại của đối phương trong cuộc sống cá nhân với tư cách người yêu, nhưng cũng đủ ngắn để hai người có nhiều bỡ ngỡ về "nửa kia".
Để có thể hiểu hơn về đối phương, và khiến chuyện tình của hai người thêm được phần sâu sắc hơn, dưới đây là những câu hỏi bạn có thể cân nhắc hỏi "người ấy".
1. Ngôn ngữ tình yêu của anh/em là gì?
Lý thuyết về 5 ngôn ngữ tình yêu hiện đã trở thành một trong những công cụ giúp chúng ta hiểu hơn về cách "nửa kia" cảm nhận và mong đợi gì trong tình yêu. Cũng như vậy, khi ta chia sẻ với họ về ngôn ngữ tình yêu của mình, mối quan hệ của hai người trong khía cạnh cho-nhận tình cảm sẽ trở nên khăng khít hơn nhiều. Vì theo Gary Chapman, "cha đẻ" lý thuyết này, về bản chất, để duy trì một mối quan hệ lâu dài, mỗi chúng ta cần "nói tiếng yêu" bằng "ngôn ngữ" của đối phương chứ không phải của mình (3). Ví dụ, sau đây là một số câu hỏi phổ biến:
Bên cạnh đó, hãy tìm cách hỏi người yêu về những ranh giới cá nhân nhé.
Có những người không thích ăn uống chung đũa, thìa, ly... có người không thích mặc chung quần áo, có người không thích giờ giấc sinh hoạt thiếu điều độ... và cũng có những người không thích tất cả những điều này. Do đó, hãy hỏi về điều này trong giai đoạn mới yêu nhé. Chẳng hạn, nếu bạn qua đón người yêu bằng xe máy, hãy hỏi trước xem người yêu của bạn có mũ bảo hiểm không, và nếu không thì liệu họ có chấp nhận dùng mũ đi mượn hay không. Những điều tưởng như "bé xíu" như vậy thực tế lại có thể khiến chúng ta vô cùng khó chịu.
2. Một mối quan hệ lành mạnh, lý tưởng trong mắt anh/em trông thế nào?
Câu hỏi này sẽ giúp bạn cùng "nửa kia" thống nhất về những yếu tố có thể khiến mối quan hệ của cả hai phát triển tốt nhất, đồng thời hạn chế nguyên nhân có thể khiến mối quan hệ kết thúc.
Khi cả hai cùng hiểu hơn về những kỳ vọng của bản thân và giao tiếp rõ những gì bản thân có thể đáp ứng được, hai người mới yêu sẽ lường trước được những khó khăn có thể xảy ra trong hành trình yêu.
3. Khi gặp bất đồng với người khác, anh/em thường giải quyết ra sao?
Bất đồng xảy ra thường là điều khó tránh khỏi với các cặp đôi. Khi cả hai cùng tương tác nhiều, khả năng bất đồng xảy ra càng nhiều hơn. Chính vì vậy, nắm bắt được trước cơ chế đối phương giải quyết bất đồng cũng là một phương pháp hiệu quả đề phòng cho việc những bất đồng sẽ xảy ra có thể vượt ngoài tầm kiểm soát và khiến mối quan hệ đổ vỡ.
Cần lưu ý rằng, hiểu trước cách thức đối phó không phải là để chúng ta không cho bất đồng được xảy ra trong mối quan hệ. Bất đồng giữa hai người có thể khó nói và gây ra sự không thoải mái, nhưng nó không phải lúc nào cũng là một chuyện tệ hại "trời sập" (4).
Thậm chí, những bất đồng xảy ra nhưng theo cách lành mạnh có thể chính là cơ hội mỗi người chúng ta hiểu thêm đối phương và thế giới quan của họ. Đây cũng là cơ hội để cả hai có thể cùng nhau "sáng tạo" các giải pháp giải quyết mâu thuẫn, từ đó, phát triển bản thân hơn khi trong mối quan hệ.
4. Đối với anh/em, thế nào là "ngoại tình"?
Điều này khá tương đồng với vấn đề về ranh giới ở trên. Tưởng chừng như đây là một câu hỏi nên né tránh, nhưng không, đây chính là câu hỏi giúp các cặp đôi hiểu được tiêu chuẩn của nhau, từ đó, thay vì giảm thiểu, mà tránh bất cứ một hiểu lầm nào có khả năng xảy ra.
Có thể, qua chuyện trò chuyện về vấn đề này, bạn biết được rằng "nửa kia" đã từng phát hiện người cũ ngoại tình, và sau trải nghiệm ấy, có những nỗi sợ và ám ảnh để lại.
Bởi vậy, để tránh tình huống lặp lại, và cả hai để lại cho nhau "những vết thương chưa kịp lành đã mở lại", hãy cùng đối phương trả lời câu hỏi này! Đó có thể là những điều lệ được đặt ra rõ ràng ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, bạn hãy lưu ý một số điều sau khi mở đầu cuộc hội thoại:
Chắc chắn là trong một mối quan hệ vừa bắt đầu, có những điều chúng ta chưa thể hỏi ngay. Tiếp theo đây là những câu hỏi không nên hỏi khi bạn và người yêu vừa mới bắt đầu mối quan hệ.
1. Những mối quan hệ trước của anh/em kết thúc như thế nào?
Vẫn luôn là câu chuyện muôn thuở khi mới yêu nhau, chúng ta thường tránh hỏi về các mối quan hệ cũ, về chuyện đã xảy ra... Việc đào quá sâu lý do khi cả hai chưa hoàn toàn thoải mái và chủ động trong mối quan hệ có thể khiến chính bạn có làm lung lay "nền móng" của mối quan hệ mới.
Điều này ảnh hưởng đến cách hai người cởi mở để kết nối sâu hơn trong tương lai.
Chúng ta cần tránh dạng câu hỏi này. Bên cạnh đó, nếu chẳng may chúng ta lỡ bị hỏi, hãy cố gắng chia sẻ thành thật nhưng vẫn giữ những ranh giới cần thiết. Bạn có thể nói rằng: "Bây giờ chưa phải lúc thích hợp để em/anh thoải mái nói về chuyện này. Sau này sẽ có lúc em/anh kể lại và mình sẽ nói nhiều hơn về chuyện này sau nhé!"
Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là bạn thực sự cố gắng chia sẻ với người yêu vào thời điểm thích hợp hơn, chứ không phải... lẳng lặng như không có gì.
2. Anh/em có muốn chúng ta sẽ kết hôn và sinh con không?
Vấn đề về sinh con và lập gia đình luôn là một chủ đề nhạy cảm với các cặp đôi mới yêu. Khi vừa bắt đầu, cả hai còn chưa đủ thời gian và cơ hội để hiểu hơn về đối phương, nhưng bạn lại có suy nghĩ xa hơn nhiều như vậy, về hôn nhân và con cái. Việc này sẽ dễ khiến người yêu của bạn cảm thấy bất ngờ và cả hoảng sợ nữa chứ.
Hơn nữa, trong thời đại ngày nay, việc một trong hai người hoặc cả hai từng kết hôn, đã có con là khá phổ biến. Việc hỏi thúc ép khi mới yêu có thể dẫn tới nhiều cảm xúc không vui hoặc gợi lên những suy nghĩ tiêu cực.
3. Gia đình anh/em sẽ thích em/anh chứ?
Thông thường, trong mối quan hệ, khi cả hai quyết định tới bước "có sự công nhận từ phụ huynh và gia đình", điều này đồng nghĩa với việc cặp đôi đã chắc chắn hơn về nhau. Tuy nhiên, để có sự chắc chắn, mối quan hệ cần nhiều thời gian tìm hiểu hơn, còn quãng thời gian mới yêu vẫn là quá ngắn để hỏi và để trả lời câu này.
Dĩ nhiên, khi mới yêu, chúng ta thường "làm màu" với nhau và gần như không để lộ mặt xấu, liệu có mấy ai sẵn sàng nói rằng "gia đình em/anh chẳng thích anh/em đâu"?
Vì vậy, khi vừa mới bắt đầu yêu đương, nếu bạn đã hỏi câu hỏi này, đối phương cũng có thể nghĩ rằng bạn là người thiếu kiên nhẫn, và thấy rằng đây có thể là điểm trừ khiến mối quan hệ của bạn chưa bắt đầu mà đã có thể kết thúc.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.