Đôi mắt là một phương tiện giúp ta nhìn nhận, quan sát và bộc lộ tâm tư. Nhưng sẽ thế nào nếu con người chỉ nhìn thấy được ¼ cuộc sống qua "cửa sổ tâm hồn" đó? Chúng ta sẽ gặp phải những rắc rối và rào cản nào? Và liệu ¾ còn lại kia có phải một minh chứng cho việc thế giới này vẫn đang ẩn chứa nhiều góc nhìn đa chiều để chúng ta tiếp thu? Hãy cùng LeLa Journal làm sáng tỏ những khúc mắc trên.
"Điểm mù" là những chi tiết, vấn đề tưởng như rõ ràng nhưng bạn chưa nhìn ra được, hoặc trông thấy nhưng lại không tìm ra được điểm mấu chốt. Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) đã đưa ra một định nghĩa về "điểm mù" của một người là việc thiếu sự thấu thị hoặc nhận thức, thường kéo dài dai dẳng, về một khía cạnh liên quan tới hành vi hoặc tính cách cụ thể của người đó (1). Một nguyên nhân phổ biến của "điểm mù" là việc ta có thể cảm thấy quá đau khổ nếu nhận biết rõ ràng về cảm xúc hoặc động cơ của bản thân.
Trong tình cảm, "điểm mù" cảm xúc là sự lầm tưởng, cái nhìn thiển cận, ngăn cản bạn nhìn thấu một mối quan hệ vô cùng độc hại trong khi bạn đang dành tình cảm rất lớn cho nửa kia. Đối với doanh nghiệp, đây có thể là một tư duy đóng (fixed mindset), cách giải quyết cứng nhắc, định kiến và thiếu cởi mở, hoặc một chiến lược thiếu phân tích khách quan… vì việc thay đổi cho hợp với thời cuộc là một tiến trình kéo dài và tiêu tốn nhiều nguồn lực.
Chỉ khi biết rõ được "điểm mù" này, bạn mới có thể xóa bỏ hoặc thu hẹp nó để nhìn nhận mọi thứ theo cách rõ ràng hơn.
Từ góc độ đó, hai nhà tâm lý học Joseph Luft và Harrington Ingham đã phân loại sự mơ hồ, nhập nhằng về góc nhìn của con người bằng một ma trận, được gọi là khung cửa sổ Johari (Johari window) với hai trục, tạo thành bốn ô cửa sổ (2). Trong mô hình này, mức độ nhận thức và hiểu biết của bản thân ta là một trục, trục còn lại là mức độ nhận thức và hiểu biết của người khác về ta.
Như vậy, bốn ô trong cửa sổ Johari gồm "vùng mở" - những điều mà ta và người xung quanh đều biết, "vùng ẩn" là điều ta biết mà người khác không biết, "điểm mù" gồm những điều mà người khác biết nhưng ta không nhìn ra được và ô "chưa biết" để chỉ những điều mà cả ta và người khác đều không biết.
Mục tiêu quan trọng khi áp dụng mô hình này trong cuộc sống là "kéo" thông tin từ ba ô kia về "vùng mở", tức là cố gắng mở rộng vùng này càng nhiều càng tốt (2).
Không kể tới "vùng mở" mà ai cũng hiểu rõ, thách thức luôn ẩn chứa trong ba ô còn lại, đặc biệt là trong "điểm mù". Chúng có thể là những nguyên nhân khiến ta rơi vào vòng luẩn quẩn. Một ví dụ điển hình trong tình cảm là việc một số người có xu hướng rơi vào mối quan hệ độc hại, mà không hề nhận ra rằng những đối tượng "thiếu lành mạnh" đều có một số đặc điểm, hành vi, thái độ hoặc tính cách... không hề phù hợp với họ, từ đó, khó lòng tạo dựng được hạnh phúc bền lâu. Khi không nhìn rõ những điều này, họ dễ gặp những chuyện không như ý trong tình cảm, xuất phát từ việc họ đã vô tình tự đặt ra một "hình mẫu chung" lặp đi lặp lại (3).
Vậy nên chỉ cần nhận biết được "điểm mù", con người đã có thể dễ dàng phòng tránh được những thách thức tiềm ẩn đó.
"Điểm mù" còn đe dọa đến sự ổn định và phát triển của các tổ chức nếu nó phát sinh ở phạm vi đoàn thể. Trong cuốn sách "Điều mà người thành công biết về lãnh đạo: Lời khuyên từ đương cục lãnh đạo số 1 Mỹ" (4), Giáo sư John C. Maxwell đã chia sẻ rằng một lỗi nhỏ từ suy luận gò bó của cá nhân có thể xô lệch mục tiêu và định hướng của cả tổ chức. Vấn đề này phát sinh khi lãnh đạo có tầm nhìn hạn hẹp về chuyên môn, hạ thấp năng lực cạnh tranh của đối thủ hoặc không hiểu rõ sự thay đổi của thời cuộc.
Không ít doanh nghiệp đã tự "đưa mình vào tròng" bởi nguyên nhân tương tự, tiêu biểu là Nestlé. Trong nhiều thập kỷ, công ty đa quốc gia đến từ Thụy Sĩ đã định vị mình là thương hiệu số một trong ngành thực phẩm và giải khát. Tuyên bố chủ quan này dẫn tới kết quả là sản phẩm đầu ra của họ bị giới hạn trong hai nhóm trên. Đến năm 2010, Paul Bulcke - Giám đốc Điều hành đã định nghĩa lại thương hiệu, trở thành sự kết tinh của "dinh dưỡng, sức khỏe và hạnh phúc toàn diện". Từ đó, danh sách phân loại sản phẩm thuộc thương hiệu Nestlé đã được mở rộng hơn.
Để thu hẹp "điểm mù", ta cần hiểu thêm về bản thân theo cách mà mọi người xung quanh nhìn nhận ta.
Trong thời đại phát triển với tốc độ vũ bão, "tư duy mỏ neo" (anchoring bias) đang bó hẹp nhiều khía cạnh trong cuộc sống của bạn, bao gồm cả con đường sự nghiệp (5). Sự "neo đậu" xảy ra trong tiến trình ra quyết định, khi bạn có khuynh hướng bị ảnh hưởng, phụ thuộc hoặc thậm chí là ỷ lại vào phần thông tin được tiếp nhận ban đầu. Điều này ngăn cản ta tiếp nhận và xử lý những thông tin bổ sung, đã được cập nhật và có độ chính xác cao hơn.
Trên thực tế, rất khó để tìm ra "điểm mù" của chính bạn. Vì vậy, bạn có thể đối phó tạm thời với khuôn mẫu trên theo hai bước dưới đây:
Bước 1: Thay đổi hành vi
Bắt đầu từ xem xét lại những sai lầm trong quá khứ, bạn có thể rút ra kinh nghiệm. Hãy thử đặt ra một số câu hỏi như "Liệu mình có đang tự giẫm lên vết xe đổ trước đây hay không?", "Điểm giống và khác nhau giữa những trải nghiệm tồi tệ này là gì?"... Sau khi tìm được đáp án, bạn đã có tiền đề để điều chỉnh thói quen và suy nghĩ. Song song với đó, hãy lắng nghe, chọn lọc và tiếp thu những ý kiến mang tính xây dựng từ đồng nghiệp, bạn bè và người thân để có cách nhìn nhận đa chiều về sự việc.
Bước 2: Chuẩn bị phương án dự phòng
Đối với doanh nghiệp, cơ hội lớn luôn đi kèm với thử thách khổng lồ. Người nắm giữ chức vụ lãnh đạo phải nhạy bén với sự chuyển biến và những nguy cơ hình ẩn để có chiến thuật đúng đắn, hiệu quả trên bàn cờ kinh doanh. Tiếp nhận các ý kiến đa chiều, xây dựng đội ngũ năng lực và hợp tác liên ngành sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng "tái cấu trúc" theo từng giai đoạn. Việc thành lập "hội đồng phản biện" cũng là một trong những phương thức giải quyết triệt để các vấn đề trong cơ cấu tổ chức (6) Hoạch định, quản trị tốt các vấn đề phát sinh sẽ là cách tối ưu nhất để khắc chế "điểm mù" này.
Một khi thực hiện tốt hai bước trên, bạn sẽ nhanh chóng thu hẹp "điểm mù", giúp bạn mở rộng thêm góc nhìn của cá nhân, cũng như tiếp nhận được thêm nhiều góc nhìn từ bên ngoài.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.