"Tình phí" vẫn luôn là một trăn trở đối với nhiều người. Chúng ta dễ dàng có một buổi hẹn chỉ bằng một vài dòng tin nhắn trên các ứng dụng hẹn hò, thế nhưng, vấn đề chi trả cho cuộc gặp lại không đơn giản như cách ta ngỏ lời mời.
Theo thống kê của Money and SurveyMonkey, 78% câu trả lời trong số 4.447 người khảo sát cho rằng đàn ông nên là người trả tiền cho buổi hẹn đầu tiên (1). Đi vào chi tiết hơn, các con số thể hiện 85% phái nam chịu chi trả cho cuộc vui này, trong khi ở phái nữ là 72%.
Trong một nghiên cứu xuất bản năm 2015, Giáo sư xã hội học Janet Lever và các cộng sự đã lý giải vấn đề dựa trên lý thuyết về tinh thần "hiệp sĩ" của người đàn ông. Tinh thần hiệp sĩ (Chivalry) quy định rằng đàn ông phải thực hiện những hành động dành riêng cho phụ nữ để thể hiện sự hào hiệp của mình bao gồm chuyện đưa đón, mở cửa và trả tiền cho buổi hẹn hò. Vì đàn ông được mặc định ở vai trò mời hẹn hò nên họ cũng có nghĩa vụ "trả tiền" nhiều hơn, theo thuyết tinh thần hiệp sĩ (2).
Ngoài ra, việc chi trả cho buổi hẹn cũng khiến đàn ông ghi điểm trong mắt người phái đẹp và tăng cơ hội cho họ trong những cuộc gặp tiếp theo. Ở phía phụ nữ, họ cũng trân trọng hành động này từ đàn ông (3) (4).
Năm 1997, hai nhà tâm lý học Susan T. Fiske và Peter Glick đã đề xuất lý thuyết nổi tiếng về phân biệt giới thù địch (hostile sexism) và phân biệt giới thiện ý (benevolent sexism) (5). Trong khi phân biệt giới thù địch trừng phạt phụ nữ khi họ dám thách thức quyền lực thống trị của đàn ông thì phân biệt giới thiện ý khuyến khích, tưởng thưởng phụ nữ nếu họ tuân theo các khuôn mẫu phục vụ phái nam.
Chẳng hạn, những phụ nữ ngỏ lời mời hẹn hò trước thường bị phán xét là quá suồng sã, dễ dãi. Phụ nữ "biết điều" sẽ là người để bạn trai được chứng minh sự nam tính, ga-lăng của mình thông qua việc chi trả cho bữa ăn. Hai hình thức này đóng vai trò như "cây gậy và củ cà rốt" để khiến phụ nữ ở yên vị trí của họ.
Chia sẻ trên tờ Harper's Bazaar, nhà tâm lý học Mehezabin Dordi cho rằng có thể lý giải việc chi trả tiền theo thuyết trao đổi xã hội. "Chúng ta thường đánh giá chi phí và lợi ích của một mối quan hệ, so sánh những thứ mình đang bỏ ra đầu tư với những gì nhận lại được. Người trả nhiều tiền hơn được coi là đầu tư nhiều hơn, cam kết hơn" - ông nói (6).
Những nguyên nhân ở trên không nên trở thành một "khuôn mẫu" để ép buộc mọi cặp đôi phải tuân theo khi bước vào một buổi hẹn hò. Một trong những cách giải quyết vấn đề là ai mở lời cho cuộc hẹn thì người đó nên trả tiền. Đương nhiên, vai trò mở lời phần lớn đến từ đàn ông và vấn đề sẽ quay lại luẩn quẩn như ban đầu. Tuy nhiên, việc mở lời cho thấy vai trò chủ động của người mời và như thế, họ cũng ở trong tâm thế sẵn sàng chi trả.
Alexandra Williamson, cựu quản lý của một ứng dụng hẹn hò, chia sẻ với tờ HuffPost: "Theo tôi, nếu người nào mời thì người đó nên chịu trách nhiệm về việc chi trả. Tuy nhiên, dù ở trường hợp nào đi nữa, việc đề nghị chia đôi hay trả toàn bộ cho bữa hẹn đều hợp lý và cả hai nên nói chuyện với nhau về vấn đề này" (7). Ngoài ra, ở vị thế "người mời" cũng giúp bạn chủ động hơn trong khâu chọn địa điểm phù hợp với túi tiền của bản thân và tránh gây áp lực cho đối phương.
Một vài cặp đôi lại bày tỏ rằng việc chia đôi chi phí bữa ăn tạo cho họ cảm giác thoải mái khi ở trong một mối quan hệ ngang bằng. Michelle Singletary, chuyên gia tài chính cá nhân, nói: "Bạn là người đồng ý đến buổi hẹn, vậy nên hãy chắc chắn rằng bạn đủ sức chi trả cho nó trong trường hợp đối phương yêu cầu" (8).
Ở vài trường hợp, việc chia đôi 50:50 lại là một biểu hiện ngầm cho thấy đối phương chỉ muốn coi bạn với tư cách bạn bè và sẽ không có buổi hẹn hò thứ hai. Chia đôi hóa đơn, tựu trung vẫn đem lại cảm giác "không ai nợ nần nhau cả". Trong khi đó, một số phụ nữ có xu hướng trả tiền cho một bữa ăn khác, hoặc cho những buổi hẹn hò khác. Họ sẽ chủ động mời một bữa tráng miệng hay lần đi cà phê tiếp theo nếu cả hai có hứng thú với nhau.
Tuy nhiên, bạn đừng nên quá bận tâm về chuyện tiền nong mà bỏ qua mục đích chính của cuộc gặp. Để buổi trò chuyện diễn ra suôn sẻ và đem lại những cảm xúc mới mẻ, cả hai nên dành thời gian tìm hiểu về nhau. "Thành thật mà nói, việc ai trả tiền không quan trọng. Vấn đề nằm ở sự kết nối sau đó, những câu chuyện đã nói. Cuộc hẹn của bạn vẫn có thể rất tệ dù anh chàng có trả tiền cho bữa ăn. Đó là điều chúng ta cần quan tâm" - nhà tâm lý học Kamna Chhibber khuyên (9).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.