Tiếng còi xe đinh tai khiến ta thấy khó chịu hay tiếng mưa rơi tí tách làm ta thấy thư giãn… thực chất cũng đều là tiếng ồn. Có những tiếng ồn khiến ta cảm thấy phiền nhiễu, khó chịu, cũng có những tiếng ồn mang lại sự thư thái và dễ chịu mà các nhà nghiên cứu gọi là brown noise.
Trong khoảng tần số âm thanh từ 20 đến 20.000Hz mà tai con người có thể nghe được, có một dải tiếng ồn được đặt tên theo màu sắc như trắng, hồng, xanh, tím, đen, nâu... Những tiếng ồn đặc thù này giúp tăng cảm giác thoải mái và nâng cao khả năng tập trung. Bên cạnh tiếng ồn trắng (white noise) đã quen thuộc với nhiều người ở dạng tiếng tivi rè rè thì tiếng ồn nâu (brown noise) cũng mang công dụng tương tự.
Tiếng ồn nâu được đặt tên theo nhà thực vật học người Scotland Robert Brown - người đã phát hiện ra "chuyển động nâu" (brownian motion). Chuyển động nâu là sự "nhảy múa" của các hạt phấn hoa trong môi trường nước theo quan sát dưới kính hiển vi. Tiếng ồn nâu cũng có sự chuyển động tương tự khi những tín hiệu âm thanh thay đổi ngẫu nhiên trong từng khoảnh khắc (1).
Tiếng ồn nâu (brownian noise) mang đến cho người nghe trải nghiệm như thể "bơi" trong một bể âm thanh tách biệt với sự náo động bên ngoài.
Tuy nhiên, tiếng ồn nâu không phải là âm thanh duy nhất có "màu sắc". Dưới đây là một số tiếng ồn được đặt tên theo màu dựa trên cường độ của các tần số âm thanh khác nhau.
Tiếng ồn trắng | Chứa âm thanh ở mọi tần số con người có thể nghe với cùng cường độ. | Tiếng quạt vù vù Tiếng TV rè rè |
Tiếng ồn hồng | Tinh chỉnh từ tiếng ồn trắng với các âm thanh tần số thấp được điều chỉnh lớn hơn. | Tiếng lá xào xạc Tiếng gió thổi |
Tiếng ồn nâu | Chứa âm thanh mọi tần số nhưng khác nhau về cường độ: âm thanh tần số thấp thì lớn, âm thanh tần số cao thì nhỏ. | Tiếng mưa nặng hạt Tiếng sóng vỗ lớn |
Trên Tiktok - nền tảng nơi từ khóa #brownnoise đang rất được quan tâm, nhiều người dùng chia sẻ rằng tiếng ồn nâu có thể giúp thư giãn, tập trung và ngủ ngon hơn (2), (3), (4). Những câu chuyện "người thật, việc thật" này thu về hàng triệu lượt xem và thuyết phục nhiều người thử áp dụng, đặc biệt là cộng đồng người mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD). Phải chăng tiếng ồn nâu có khả năng mang lại nhiều lợi ích hơn cả tiếng ồn trắng hay các tiếng ồn khác?
Đáp án là không. Theo giáo sư khoa học thần kinh Daniel Berlau, mọi âm thanh đều tạo ra những tác động tương tự nhau với não bộ, điểm khác biệt nằm ở sở thích nghe của mỗi người. Từ góc độ khoa học, những âm thanh đa chiều như tiếng ồn trắng, nâu hay hồng đều có thể tăng mức độ chú ý, khả năng ghi nhớ và hiệu suất học tập (5), (6). Tuy nhiên, đây không phải lợi ích trực tiếp từ tiếng ồn mà có thể là kết quả của hiệu ứng giả dược (placebo). Khi đặt niềm tin vào tiếng ồn, chúng ta sẽ tự bình ổn tâm trí và tăng sức tập trung.
Sở dĩ tiếng ồn mang lại sự tập trung cao độ hay cảm giác thoải mái là nhờ hai tác dụng chính: giảm suy nghĩ vẩn vơ và át âm thanh sao nhãng. Tâm trí của chúng ta dễ dàng "lang thang" theo những biến động cả bên trong lẫn bên ngoài, dẫn đến mất tập trung. Tình trạng này càng nghiêm trọng và phức tạp hơn ở người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Trợ lý giáo sư tâm thần Yamalis Diaz giải thích rằng, khi thiếu dopamine, não bộ rơi vào trạng thái "đói bụng", một phần bộ não cố gắng tập trung vào công việc và phần còn lại mải mê tìm "thức ăn". Tiếng ồn nâu, trắng hoặc hồng là "đĩa thức ăn" chúng ta dọn sẵn lên để phân tán quá trình tìm kiếm của não bộ. Từ đó, sự nhiễu loạn trong tâm trí chúng ta được xoa dịu và thôi cồn cào (7).
Ngoài ra, một tác dụng khác của tiếng ồn là át đi những âm thanh phiền nhiễu như tiếng xe cộ, tiếng ngáy hay tiếng thi công bên ngoài, nhờ vậy mà người nghe không bị xao nhãng và có thể toàn tâm toàn ý làm việc. Hai tác dụng này lý giải vì sao trong một số trường hợp, tiếng ồn màu có thể giúp tăng hiệu suất công việc, khả năng tập trung hay chất lượng giấc ngủ.
Nếu bạn là nhân viên văn phòng và cần đến sự chú ý cao độ, Giáo sư Daniel Berlau khẳng định không có vấn đề gì với việc nghe tiếng ồn nâu, trắng hay hồng 8 giờ/ngày (8). Mỗi người có thể dành thời gian thử nghiệm để tìm ra loại âm thanh phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của bản thân.
Tuy nhiên, bạn không nên nghe với âm lượng quá lớn (trên 70 dB) và nghe liên tục trong thời gian dài vì có thể ảnh hưởng đến thính giác về sau. Hiện đã có nhiều playlist tiếng ồn nâu dài hàng giờ được đăng tải trên các ứng dụng nghe nhạc thịnh hành như Spotify, Apple Music, Soundcloud và Youtube.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an