Cuộc sống hiện đại đang khiến trẻ em bận rộn hơn với bài vở và các hoạt động vui chơi - giải trí, khiến trẻ ít có cơ hội được chủ động làm việc nhà. Tuy nhiên, việc nhà ("household chore" hay "housework") thực tế lại giúp ích rất nhiều cho việc rèn luyện các phẩm chất cá nhân và kỹ năng cần thiết để trẻ thành công trong tương lai.
Có một thực tế là so với thế hệ sinh ra trong khoảng những năm 1990 trở về trước, trẻ em hiện đại đang ít làm việc nhà hơn. Cụ thể, theo khảo sát được thực hiện bởi nhà tâm lý học phát triển Richard Rende và thương hiệu thiết bị gia dụng Whirlpool tại Hoa Kỳ vào năm 2020, chỉ có khoảng 70% phụ huynh có con trong độ tuổi 2 - 18 trả lời rằng con cái họ thường xuyên làm việc nhà (1). Con số này giảm 9% so với kết quả thu thập được trong một khảo sát tương tự vào năm 1997 (1), (2).
Không chỉ riêng tại Hoa Kỳ, tình trạng trẻ em ít làm việc nhà hoặc không sẵn lòng làm việc nhà còn tồn tại ở nhiều quốc gia như Trung Quốc (3), Ấn Độ (4), Đức (5) và Việt Nam cũng không phải một ngoại lệ. Trên mạng xã hội và các kênh thông tin, chúng ta dễ dàng bắt gặp những bài tâm sự, chia sẻ về thực trạng con cái ít làm việc nhà (6), (7), (8), (9).
Trong xã hội ngày nay, tỷ lệ sinh giảm thường đi cùng với tình trạng già hóa dân số diễn ra trên diện rộng. Đặc biệt tại Việt Nam, chỉ cách đây vài năm, nhà nước mới nới lỏng chính sách hai con (10), (11).
Chính vì tâm lý "ít con, ít cháu" nên nhiều hộ gia đình luôn muốn dành những điều tốt nhất cho con em mình bằng cách đầu tư cho việc học của trẻ, đồng thời không muốn con phải làm việc nặng, mệt nhọc. Từ đó, ông bà, cha mẹ, thậm chí là anh chị của trẻ thường hạn chế hoặc không yêu cầu trẻ làm việc nhà. Lý do thường thấy nhất là để các con có thời gian nâng cao thành tích học tập trên trường lớp.
Sự phát triển của công nghệ cũng là một phần lý do khiến trẻ không sẵn lòng làm việc nhà nhiều như trước. Chẳng hạn, robot hút bụi hiện nay đã giúp cho nhiều gia đình không phải mất thời gian quét nhà.
Tuy nhiên, cách bảo bọc quá mức như vậy lại vô tình giảm thiểu khả năng phát triển tính cách và năng lực xã hội của trẻ trong tương lai.
Bởi lẽ, làm việc nhà là cách để trẻ nuôi dưỡng những phẩm chất quý báu sẽ theo các con trong suốt cuộc đời. Theo Viện Nghiên cứu về Trẻ em và Thanh thiếu niên Australia (RICA), làm việc nhà là một cách để trẻ hiểu và học được lòng biết ơn (10). Khi tự tay làm những công việc mà người lớn vẫn làm, trẻ sẽ dần thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà đấng sinh thành trải qua khi vừa đi làm kiếm tiền, vừa phải chăm sóc tổ ấm vẹn toàn.
Đồng thời, trẻ sẽ dần có ý thức về trách nhiệm của bản thân trong tập thể, rèn được sự kiên trì và có sự nhất quán giữa tư duy và hành động. Không chỉ vậy, trẻ còn sẵn sàng mài giũa tinh thần chủ động để đương đầu với thử thách mới, bắt đầu từ những hành động học hỏi mỗi khi trẻ phải tập làm một việc nhà (11).
Điều quan trọng là trẻ sẽ học được những kỹ năng làm việc cần thiết trong tương lai thông qua quá trình làm việc nhà.
Từ những việc nhỏ như lau bụi, xếp giày dép, dọn dẹp chén đũa bẩn vào bồn, cho đến việc lớn như nấu ăn, lau nhà, tổng vệ sinh nhà cùng cha mẹ và anh chị em... trẻ đều thu được những lợi ích quý báu trong hành trình phát triển.
Trước tiên, việc sắp xếp thứ tự ưu tiên những việc cần làm (to-do list) dạy cho trẻ cách quản lý dự án quy mô nhỏ, với các thao tác lập kế hoạch thực hiện, quản lý thời gian để hoàn thành đúng tiến độ, tự kỷ luật để đảm bảo chất lượng công việc và ghi nhớ hiệu quả những lời hướng dẫn khi triển khai công việc. Không những vậy, đây còn là cách hay để cha mẹ dạy trẻ cách đánh giá mức độ thành công của các đầu công việc. Ví dụ khi lau cửa kính, cha mẹ có thể đưa ra thang điểm cho trẻ dễ hình dung, chẳng hạn như lau xong mà nhìn qua thấy sạch, sáng là đạt 6/10; lướt đầu ngón tay mà không thấy bụi là 8/10; tự động dọn dẹp dụng cụ sau khi lau thì là 10/10...
Bên cạnh đó, nếu cha mẹ phân công cho trẻ một cách cụ thể, trẻ sẽ dần học được cách phối hợp các đầu việc để đạt hiệu suất tối đa. Chẳng hạn, ưu tiên thực hiện công việc nhỏ lẻ (quét nhà, thu quần áo, gấp quần áo) sau đó mới thực hiện các công việc phức tạp và cần nhiều thời gian hơn (nấu ăn).
Ngoài ra, trẻ làm việc nhà thường xuyên cũng có thành tích học tập cao hơn, cũng như sở hữu kỹ năng giải quyết vấn đề nhạy bén hơn. Nhìn chung, so với những bé ít làm việc nhà, những trẻ phụ giúp gia đình nhiều hơn có xu hướng làm việc hiệu quả hơn trong tương lai.
Một nghiên cứu đã được tiến hành với 207 phụ huynh và người giám hộ đang nuôi dạy trẻ em 5 - 13 tuổi nhằm lấy ý kiến về thực trạng giao việc nhà cho trẻ và sự tiến bộ về chức năng điều hành (executive functioning) trong não bộ trẻ (12), (13). Chức năng điều hành thường bao gồm ký ức hoạt động (working memory) là khả năng giám sát và xử lý thông tin tạm thời; khả năng ức chế phản ứng tự động hoặc ngăn chặn thông tin không liên quan để tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể; và đặc biệt là khả năng chuyển đổi giữa các nhiệm vụ (14), (15).
Kết quả cho thấy, trẻ làm việc nhà sẽ có khả năng ghi nhớ về nội dung công việc tốt hơn hẳn (12), (13). Điều đáng nói là lợi ích này đến từ hầu hết những đầu công việc thuộc cả hai nhóm là chăm sóc bản thân (self-care chore) và chăm sóc gia đình (family-care chore). Trong đó, chăm sóc bản thân gồm tự nấu ăn, tự tắm, thay đồ... còn chăm sóc gia đình gồm trông nom em nhỏ, đi chợ...
Ngoài ra, có một điểm đáng lưu ý về chuyện trẻ làm việc nhà. Bên cạnh các lợi ích trước mắt và lâu dài kể trên, nghiên cứu được công bố vào năm 2019 về tình hình trẻ làm việc nhà tại Tây Ban Nha đã chỉ ra rằng các hoạt động này không liên quan tới khả năng tự kiểm soát hành vi của trẻ (16).
Điều này có nghĩa là bất kể trẻ làm nhiều việc nhà, trẻ vẫn có thể có biểu hiện hành vi bốc đồng, khó kiểm soát, cũng như khó điều chỉnh bản thân.
Tuy đây là một nghiên cứu được thực hiện tại một quốc gia riêng biệt và vẫn có thể tồn tại một số giới hạn, nhưng kết quả này vẫn có thể là cơ sở để các bậc phụ huynh hiện đại hiểu rằng làm việc nhà không phải là hình thức giáo dục quyết định toàn bộ sự phát triển của con trẻ. Để con có thể phát triển toàn diện, cha mẹ cần lưu tâm và đồng hành nhiều hơn, thay vì chỉ phó mặc cho một hoặc một vài giải pháp cụ thể.
Vậy, cha mẹ phải làm thế nào để có thể khuyến khích trẻ phát triển thông qua làm việc nhà, từ đó đạt được những lợi ích tối ưu kể trên?
Trong cuốn sách Kỷ luật mềm trong gia đình, tác giả Nguyễn Thị Thu (Aki Nguyễn) từng nhấn mạnh về vai trò của những công việc nhà đối với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ trong những năm đầu đời. Tuy nhiên, phụ huynh cần xác định mức độ và tần suất làm việc nhà phù hợp với khả năng nhận thức, thể chất của trẻ, cũng như để cân bằng giữa thời gian học tập và vui chơi quý giá của con.
LeLa Journal tổng hợp và gợi ý một số ý tưởng để cha mẹ đồng hành cùng con trong tiến trình học làm việc nhà, nhằm giúp trẻ ren luyện tính tự giác và thói quen phụ giúp việc nhà (11), (12).
1. Giới thiệu việc nhà với trẻ: Theo các chuyên gia giáo dục tại Đại học Bang Michigan (Hoa Kỳ), cha mẹ có thể tập cho trẻ làm quen với những việc nhà đơn giản từ khi trẻ mới 2-3 tuổi, sau đó nâng dần mức độ phức tạp theo từng độ tuổi khác nhau (12), như là thu dọn đồ chơi gọn gàng, cất bàn ghế vào đúng vị trí, hay bỏ rác vào thùng.
Hãy để trẻ quan sát bạn làm việc nhà, đồng thời, hãy chủ động giới thiệu hoạt động mình đang làm cho trẻ. Ví dụ: "Mẹ đang rửa bát đấy, đầu tiên là cho bát vào bồn nè, cho ít xà phòng vào miếng mút, rồi dùng miếng mút lau, để nước chảy xuống làm sạch bát nè"...
Bên cạnh đó, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, hãy luyện cho trẻ những thói quen nhỏ và dễ dàng, như việc bế bé ra bồn rửa bát và đặt bát ăn của bé xuống bồn sau khi bé ăn xong. Dần dần, khi lớn hơn một chút, bé sẽ được hình thành thói quen tự giác đặt bát ăn của mình vào bồn sau bữa ăn.
2. Chủ động rủ trẻ tham gia việc nhà cùng cha mẹ: Trẻ em 3 - 4 tuổi bắt đầu hứng thú với những công việc mới lạ, do đó, các con có thể sẽ muốn được tự tay thực hiện công việc nhà mà chúng đã quan sát được. Những lúc như thế, cha mẹ hãy chủ động rủ con cùng làm, bắt đầu từ những công việc nhẹ nhàng như tưới cây, gấp quần áo, bỏ quần áo bẩn vào máy giặt...
3. Cho trẻ lựa chọn một số công việc nhà yêu thích để tự thử sức: Đây là lúc cha mẹ cần thúc đẩy việc trẻ tham gia chăm sóc bản thân lẫn gia đình, để trẻ ý thức được tầm quan trọng của những việc mình làm. Từ khoảng 6 tuổi trở đi, trẻ đã có thể tự chọn một số công việc vừa sức như dọn bàn ăn, rửa bát, đổ rác, chăm sóc vật nuôi, trông em nhỏ... để phụ giúp cha mẹ.
Khi trẻ đã lựa chọn xong, cha mẹ có thể tạo bảng kế hoạch việc nhà, theo như bảng đề xuất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh Quốc gia (CDC) tại Hoa Kỳ.
4. Cân bằng lịch hằng ngày và khích lệ trẻ một cách hợp lý: Khi lên kế hoạch, cha mẹ cần tránh việc vô tình để trẻ làm quá nhiều việc mà không còn thời gian và sức lực để học tập cũng như tham gia các hoạt động khác. Đồng thời, cha mẹ cũng không nên đặt ra quá nhiều trách nhiệm, như là nói câu "con phải làm việc nhà vì bố mẹ đi làm mệt mỏi rồi". Những câu nói như vậy có thể khiến trẻ nảy sinh tâm trạng lo sợ và muốn trốn tránh việc nhà.
Để tránh tâm lý này, điều quan trọng nhất là sau khi trẻ hoàn thành việc nhà, cha mẹ cần ghi nhận những nỗ lực của con, nhưng cũng tránh ngợi khen con quá mức, khiến con trở nên tự mãn với những thành quả nhỏ.
Chỉ có như vậy, cha mẹ mới có thể vừa hướng dẫn con làm việc nhà, vừa trao cho con cơ hội được lao động một cách chân chính và bình đẳng, giúp các con sau này có thể bước vào đời một cách tự tin hơn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?