Cuối năm là thời điểm mua sắm lớn có thể khiến nhiều gia đình lậm chi. Vậy tại sao cha mẹ không nhân dịp lễ hội như Noel để dạy trẻ về cách quản lý chi tiêu?
Vậy làm thế nào để có thể dạy trẻ hiểu rằng quà Giáng sinh không nhất thiết phải là những món đồ đắt tiền và giúp trẻ nhận ra cách chi tiêu hợp lý, LeLa Journal sẽ cho bạn một vài gợi ý.
Theo các chuyên gia, thay vì dễ dãi thỏa mãn các yêu cầu của trẻ khi trẻ đòi mua sắm những thứ chúng thích, nên tập trung bồi dưỡng ý thức về giá trị đồng tiền, để trẻ hiểu cách tiêu tiền. Cần dạy trẻ hình thành dần tư duy tài chính, có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc.
Giáng sinh là thời điểm thích hợp để cho đi nhưng điều đó không bắt buộc mọi món quà đều phải sang trọng và đắt tiền (1). Nhà tâm lý và giáo dục trẻ em, Warrior nhấn mạnh: “Nên để mọi thứ trở lại đúng tinh thần của ngày lễ, đừng phân chia giàu nghèo bằng những món quà. Vì làm như thế sẽ khiến cho mọi thứ mất đi niềm vui, trẻ em sẽ cho rằng chỉ những người giàu, sở hữu những món quà giá trị mới được hạnh phúc, còn những búp bê vải hay những trái táo đêm Giáng sinh chỉ là thứ có cũng như không”.
Warrior nói rằng đối với những đứa trẻ lớn hơn không còn tin vào Ông già Noel, phụ huynh có thể giải thích rõ ràng hơn về việc kinh tế gia đình đang eo hẹp và đưa ra một câu đố: “Con hãy liệt kê cho bố mẹ danh sách những món quà yêu thích trong khoản tiền này”, hoặc bạn có thể cho trẻ một khoản tiền nhất định với điều kiện phải tìm mua được một món quà yêu thích, mang giá trị tinh thần đêm Giáng sinh. Như vậy, chúng sẽ có cảm giác đạt được thành tựu và vui vẻ hơn nhiều so với việc bạn chỉ nói: “Nhà ta rất nghèo, con chỉ được đòi quà ngần này tiền thôi”.
Mặc dù khó giải thích về những khó khăn tài chính cho những đứa trẻ nhỏ hơn, nhưng bạn có thể gợi ý cho chúng về những món quà (trong khả năng của gia đình) và sau đó hãy để con lựa chọn. Việc phụ huynh tự mua một món quà theo ý mình đôi khi sẽ khiến con trẻ hụt hẫng vì không đúng kỳ vọng. Nhưng nếu bố mẹ biết đưa ra các lựa chọn quà tặng bao gồm một con búp bê, chiếc cặp hoặc đôi giày thể thao thì sẽ khiến trẻ phấn khích lựa chọn và niềm vui sẽ trọn vẹn hơn.
Nếu đang gặp khó khăn trong việc mua quà nhưng vẫn không muốn trẻ sớm "vỡ mộng" về điều kỳ diệu đêm Giáng sinh, quý phụ huynh hãy giải thích với trẻ rằng ông già Noel còn phải để dành quà để tặng nhiều bạn khác nữa, nên mỗi đứa trẻ chỉ nhận được một món quà mang tính tượng trưng cho vui mà thôi.
Điều này vừa giúp trẻ không buồn bã vì nhận được ít quà hoặc quà không đúng ý, vừa dạy trẻ cần có sự thông cảm, yêu thương và san sẻ với những người bạn khác.
Thực tế cho thấy, dù giàu hay nghèo, bất cứ gia đình nào cũng cần phải dạy con có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc. Ở Mỹ, khi lên 3 tuổi, trẻ đã bắt đầu được dạy về đồng tiền. Cha mẹ sẽ khuyến khích trẻ tiết kiệm ngay từ khi còn nhỏ, thậm chí khuyến khích trẻ bán đồ chơi không còn dùng nữa tại các chợ đồ cũ. Ở Anh, một phần ba số trẻ em có tài khoản ngân hàng, và các bậc cha mẹ thường dạy con về đồng tiền khi chúng 5 tuổi.
Trong khi đó, cha mẹ người Đức yêu cầu con tham gia vào công việc gia đình, chia sẻ công việc ở nhà với phụ huynh từ khi còn nhỏ. Họ tin rằng chỉ có cách này, con cái mới hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, từ đó biết chi tiêu phù hợp hơn (2).
Nhiều báo cáo cho rằng tốt nhất cha mẹ không nên nói với con rằng nhà mình đang thiếu thốn mà chỉ nên dạy trẻ cảm nhận được sự vất vả của việc kiếm tiền, để trẻ biết sử dụng đồng tiền hợp lý, thay vì vòi vĩnh. Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên lấy câu cửa miệng “Nhà mình nghèo lắm/Nhà chúng ta không có tiền” để cấm cản con mua những món đồ phù hợp, bởi điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý đứa trẻ.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Không Gian Sống?
Nhà đẹp, vườn xinh, và những góc sống đẹp