Một thị trường suy thoái không chỉ có những rủi ro mà còn tồn tại cả những cơ hội. Hãy cùng LeLa Journal khám phá những điểm sáng trong giai đoạn khó khăn hiện nay và tìm cách để tận dụng chúng.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ riêng quý I năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (60.241 doanh nghiệp) đã vượt qua số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (56.946 doanh nghiệp), đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trước đây (1).
Các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần đến bờ vực suy thoái đang ngày càng hiện rõ. Làn sóng sa thải của các ông lớn công nghệ hay thị trường tuyển dụng đóng băng là những báo động cho thấy chúng ta đang bước vào thời kỳ suy thoái.
Trong thời kỳ khủng hoảng, không ai có thể phủ nhận rằng có rất nhiều khó khăn và thách thức đang được đặt ra cho các doanh nghiệp lẫn cá nhân. Tuy nhiên, ngay giữa những thời điểm khó khăn, vẫn có nhiều cơ hội tiềm năng mà nhiều người chưa nhận thấy. Giờ chính là thời điểm tốt nhất để chúng ta cùng nhau xem xét cách tận dụng thời kỳ suy thoái, thay vì để nó "đánh gục" bạn.
Nhiều doanh nghiệp có thể chịu áp lực về chi phí và buộc phải cắt giảm ngân sách để duy trì hoạt động trước làn sóng suy thoái. Song, đây đồng thời cũng là cơ hội để các công ty tìm kiếm đội ngũ tài năng với mức chi phí thấp hơn so với thị trường lao động trước đó.
Sau làn sóng sa thải nhân viên từ các ông lớn ngành công nghệ, Prashanth Chandrasekar - Giám đốc điều hành tại nền tảng lập trình Stack Overflow cho hay, số nhân viên của công ty này đã tăng gấp đôi lên 540 người trong năm 2022. Các nhân sự này từng là cựu nhân viên đến từ Apple và Alphabet Inc - công ty mẹ Google (2).
Việc này không chỉ làm giảm ngân sách tuyển dụng mà còn giúp tăng cường đội ngũ nhân viên và sự phát triển của công ty trong tương lai. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần phải cân nhắc nguồn tiền của mình khi thực hiện chiến lược "hớt váng" này bởi chính bản thân họ rồi sẽ bị tác động bởi đà đi xuống của thị trường, các nhà đầu tư rồi sẽ thắt chặt hầu bao.
Tốt hơn hết là bạn nên chiêu mộ nhân tài bằng chính những giá trị cốt lõi của công ty như phương hướng phát triển, cơ chế thăng tiến… hơn là chỉ bằng mức thu nhập bởi khi doanh nghiệp gặp khó khăn và buộc phải giảm lương thì những nhân viên tài năng cũng sẽ đi theo.
Suy thoái là giai đoạn lý tưởng để bạn ngồi vào bàn đàm phán với đối tác để thương lượng giảm nhiều loại chi phí, từ tiền thuê văn phòng và đến quảng cáo. Nếu đang tìm kiếm không gian văn phòng, bạn có thể nghĩ đến việc đàm phán với chủ thuê để ký kết một hợp đồng thuê dài hạn hơn với mức giá thấp hơn.
Trong một bài phỏng vấn, ông Leo Nguyễn, đại diện công ty tư vấn bất động sản Knight Frank Việt Nam, cũng khẳng định: "Nếu muốn thu hút khách thuê, kể từ năm 2023 các chủ đầu tư sẽ phải xem xét điều chỉnh giá thuê gia hạn, theo đó khách thuê được gia hạn hợp đồng với giá trần thấp hơn giá chào thuê của các tòa nhà mới khánh thành" (3).
Một trường hợp đáng nhắc đến là việc CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) đã cắt giảm tiền thuê mặt bằng trong đợt dịch Covid vào năm 2021. Vào thời điểm đó, doanh nghiệp này có hơn 5.000 cửa hàng trên toàn quốc và 50 cửa hàng ở Campuchia (4). Bằng cách ngồi xuống thảo luận với đối tác, tập đoàn này đã làm cho khoảng tiền thuê mặt bằng "vốn là định phí trở thành biến phí" (theo như lời ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT) và giảm xuống được 200 tỷ đồng - khoản tiền rất lớn trong giai đoạn khủng hoảng (5).
Số liệu: The Case for M&A in a Downturn (HBR) - Trình bày: LeLa Journal
Ngoài ra, doanh nghiệp có sẵn sức mạnh tài chính và chấp nhận rủi ro cũng sẽ tìm được cơ hội mở rộng thị trường vào thời điểm này thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập khi các công ty khác đang phải đối mặt với áp lực tài chính và sẵn sàng bán công ty của họ với mức giá rẻ hơn. Dữ liệu cũng cho thấy trong giai đoạn Đại suy thoái 2008, các doanh nghiệp tích cực mua lại sẽ đạt tỷ suất lợi nhuận cao. Theo đó, từ năm 2007 đến 2010, cổ đông của các doanh nghiệp này đã có tỷ suất sinh lợi bình quân 10.5% so với con số 3.3% ở các công ty ít tham gia vào những thương vụ M&A (6).
Giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều tài sản sẽ giảm giá và có thể trở nên rẻ hơn để mua. Một số cổ phiếu sẽ bị giảm giá đáng kể do nhu cầu mua bán giảm. Điều này tạo ra cơ hội cho những nhà đầu tư thông minh "săn lùng" các cổ phiếu với giá rẻ hơn so với giá trước khi suy thoái xảy ra.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng các công cụ đòn bẩy tài chính bởi dễ bị rơi vào tình trạng "cháy tài khoản", mất trắng cổ phiếu nếu giá tiếp tục giảm sâu. Ngoài ra, bạn cũng cần phải trang bị kiến thức đọc báo cáo tài chính lẫn kỹ năng phân tích cơ bản để hiểu được giá trị nội tại của doanh nghiệp, trả lời các câu hỏi như: Tỷ lệ nợ trên tài sản đang là bao nhiêu? Công ty có khả năng trả nợ không? Kế hoạch cắt giảm ngân sách của doanh nghiệp này thế nào? Liệu tình hình vĩ mô sắp tới có dẫn dắt ngành tăng trưởng trở lại?…
Tương tự, giá bất động sản cũng giảm đáng kể trước tác động của tình trạng suy thoái. Trong thời kỳ khủng hoảng, các chủ đất thường áp dụng những chính sách bán hàng đặc biệt để thu hút khách hàng với mức chiết khấu hấp dẫn và có nhiều phương án thanh toán. Đồng thời, những dự án có giấy phép và pháp lý hoàn chỉnh sẽ được các ngân hàng hỗ trợ giải ngân với lãi suất ưu đãi.
Tại Việt Nam, chính phủ mới đây đã ký văn bản số 178/TTg-CN nhằm chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản (7). Thủ tướng cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho người mua nhà và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ với lãi suất ưu đãi.
Khi thị trường nhà đất bắt đầu hồi phục, các chương trình khuyến mãi sâu được dừng lại và giá bán cũng sẽ được điều chỉnh. Người mua sớm sẽ được hưởng lợi từ việc mua các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tế và có thể tiết kiệm chi phí so với việc tham gia thị trường trễ.
Đồng tiền trong thời suy thoái có giá hơn bao giờ hết, vậy nên, để trở thành một nhà đầu tư thành công, bạn nên bình tĩnh đánh giá các trường hợp có thể xảy ra và vạch kịch bản phù hợp để ứng phó.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?