Nhiều người cho rằng việc chụp ảnh ở mọi sự kiện trong cuộc sống khiến ta bỏ lỡ cơ hội được đắm mình vào khoảnh khắc đó. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã cho thấy điều ngược lại.
Chúng ta chụp rất nhiều ảnh khi du lịch, đi nghe ca nhạc hay xem triển lãm như một cách để lưu lại kỷ niệm. Ước tính rằng con người đã chụp 1.2 nghìn tỷ bức ảnh vào năm 2017, trong khi con số này trong năm 2010 chỉ là 350 tỷ (1).
Tình trạng trên kéo theo những cảnh báo rằng chia sẻ quá nhiều hình ảnh trên mạng xã hội có thể phá vỡ những mối quan hệ của chúng ta (2), hay thói quen chụp ảnh mọi lúc mọi nơi khiến bạn chú ý nhiều đến việc ghi lại cuộc sống hơn là thực sự sống.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Giáo sư Gal Zauberman, Trường Quản lý Yale (Mỹ), đã chỉ ra điều ngược lại. "Thay vì làm mất đi trải nghiệm, hành động chụp ảnh cho phép mọi người tương tác sâu hơn với sự việc", ông nói (3).
Giáo sư Gal Zauberman và cộng sự đã tiến hành thử nghiệm như sau: Đưa các tình nguyện viên đi tham quan bằng xe buýt, yêu cầu một nhóm chụp ảnh và một nhóm không. Sau đó, khảo sát cảm nghĩ của họ về chuyến đi. Kết quả cho thấy những người chụp ảnh trong khi tham quan có cảm giác tận hưởng cuộc đi chơi nhiều hơn (4). Lý do là vì những người này tập trung chú ý vào vẻ đẹp của không gian để tạo nên những bức hình nên trải nghiệm của họ cũng trọn vẹn và thú vị hơn.
Một thí nghiệm khác yêu cầu người tham gia đi dạo quanh cuộc triển lãm về hiện vật của người Etruscan. Một số được yêu cầu chụp ít nhất 10 bức ảnh và nghe audio hướng dẫn đi kèm. Kết thúc chuyến đi, họ phải trả lời câu hỏi xác định đồ vật. Kết quả là những người đã chụp ảnh đưa ra nhiều đáp án chính xác hơn so với nhóm người không chụp.
Nói cách khác, việc chụp ảnh giúp hướng sự chú ý của con người vào các khía cạnh bên ngoài của sự vật, sự việc và ít bị xao nhãng trước các vấn đề khác. Điều đó cũng cho thấy quá trình này giúp tăng cường trí nhớ thị giác (5).
Phát hiện trên chứng minh rằng việc sử dụng máy ảnh khi tham quan, du lịch sẽ thay đổi trải nghiệm của chúng ta theo hướng tích cực. "Ngay cả khi ta không chụp ảnh một sự vật cụ thể thì việc có ý định chụp cũng giúp ghi nhớ hình ảnh đó tốt hơn", nghiên cứu chỉ ra.
Những lợi ích này có thể giúp bạn ngừng đặt câu hỏi về việc liệu rằng quá trình chụp ảnh có lấy đi của mình những phút giây tham quan hay không. Nếu bạn cảm thấy vui khi vừa được dạo chơi, khám phá một thắng cảnh, vừa cảm thấy hạnh phúc vì được ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ thì những thí nghiệm khoa học kể trên có thể khiến bạn yên tâm làm theo sở thích của mình. Chưa kể, những bức ảnh thiên nhiên được lưu giữ trên điện thoại cũng có thể giúp bạn điều chỉnh cảm xúc, giảm stress nữa đấy. Bạn có thể tìm hiểu thêm trong bài viết này của LeLa Journal.
Trong thí nghiệm thực hiện vào năm 2013, nhà tâm lý học Linda Henkel đã phát hiện ra rằng nếu những người tham gia được yêu cầu chụp ảnh trong một cuộc triển lãm của bảo tàng, ký ức của họ về các đối tượng và thông tin về chúng có thể bị giảm đi. Tuy nhiên, sau khi được yêu cầu sử dụng tính năng phóng to ảnh, họ đã nhớ rõ những chi tiết về chúng (6). Như vậy, những bức ảnh giúp chúng ta "triệu hồi" ký ức của mình.
Tuy nhiên, những kỷ niệm trong quá khứ không phải là thứ duy nhất được gọi về mỗi lúc ta nhìn vào chúng. Theo Giáo sư Gal Zauberman, trong quá trình chụp ảnh, chúng ta thường có xu hướng quan sát thật kỹ không gian xung quanh mình. Và vì thế, những cảm xúc dù là tích cực hay tiêu cực đều có thể bị khuếch đại.
Ông chia sẻ: "Ngày nay ảnh chụp đã trở thành một phương tiếp giao tiếp nhanh gọn. Các con tôi thể hiện cảm xúc của chúng thông qua các bức ảnh. Không phải chúng chụp ảnh vì muốn lưu giữ một điều gì cho tương lai mà chỉ đơn thuần là bày tỏ với bạn bè rằng mình đang chán, buồn hay hạnh phúc" (7) .
Nếu nhìn các bức ảnh tươi sáng có thể mang đến cho bạn nhiều niềm vui thì việc ngoái về những ngày xám xịt trong cuộc đời mình cũng có thể khiến bạn trở nên thêm ưu sầu. Vì vậy, hãy cân nhắc khi quyết định ghi lại những khoảnh khắc tiêu cực nhé.
Ngoài ra, bạn cũng không nên dành quá nhiều thời gian cho việc chụp ảnh nếu đang tận hưởng một số hoạt động thủ công đòi hỏi nhiều sự tương tác, ví dụ như làm gốm, vẽ tranh, thêu thùa… Nó có thể gây gián đoạn cả quá trình chụp ảnh lẫn trải nghiệm sáng tạo ra những tác phẩm đáng nhớ đấy.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.