Chứng nghiện (addiction) ngày nay không chỉ xoay quanh nghiện thuốc hay ma túy. Mỗi người trong chúng ta ai cũng có thể đang nghiện một thứ gì đó như nghiện công việc, nghiện mạng xã hội, nghiện mua sắm, nghiện ăn uống, nghiện rượu... Những điều này gây ảnh hưởng như thế nào? Và vì sao quay về bên trong giúp ta làm chủ con người hiện tại của mình, từ đó vượt qua cơn nghiện?
Lý do phổ biến nhất của việc nghiện là vì nó cung cấp cho não bộ chúng ta một cảm giác tốt đẹp ngay tức thì. Theo Giáo sư Ruth Engs của Đại học Indiana, những người mua sắm quá mức thực chất là vì họ nghiện cảm giác tâm trí mình trải qua khi mua sắm (1). Lúc đó, não bộ họ giải phóng những hormone hạnh phúc như endorphins và dopamine. Dần dần theo thời gian, những cảm giác này trở thành gây nghiện.
Tương tự đối với mạng xã hội, bất cứ khi nào bạn đăng nhập vào các ứng dụng yêu thích của mình, tín hiệu dopamine trong não sẽ tăng lên (chất dẫn truyền thần kinh này có liên quan đến khoái cảm) (2). Bạn càng trải nghiệm nhiều dopamine khi đăng hình, chờ đợi các lượt thích, chia sẻ và bình luận, não bộ càng xác định đây là một hoạt động bổ ích mà bạn nên lặp lại.
Điểm quan trọng cần lưu ý là trí não liên tục củng cố trạng thái sản sinh dopamine này. Giống như các hành vi gây nghiện khác, khi chất dopamine tạo cảm giác tốt đẹp mất đi, chúng ta sẽ mong muốn quay lại hành động ban đầu để trải nghiệm lại. Từ đó tạo ra một vòng lặp không hồi kết cho những thói quen tiêu cực.
Hậu quả của nghiện không hiện rõ ngay trước mắt, mà chúng tích tụ ngày qua ngày và âm thầm ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cuộc sống, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Nghiện ăn uống có liên quan đến những vùng não tương tự như nghiện ma túy, với cùng các chất dẫn truyền thần kinh và nhiều triệu chứng giống hệt nhau (3). Chứng nghiện này gây hại về thể chất, dẫn đến các tình trạng bệnh mãn tính như béo phì và tiểu đường loại 2 (4). Đồng thời ảnh hưởng đến lòng tự trọng, hình ảnh bản thân của một người, khiến họ không hài lòng với cơ thể mình.
Nghiện mạng xã hội làm gia tăng sự cô lập và cảm giác cô đơn trong chúng ta, gây ra lo lắng, trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội, hình thành nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO), làm gián đoạn giấc ngủ hoặc giảm các hoạt động thể chất... (5).
Rối loạn sử dụng chất như nghiện caffein có thể gây ngộ độc do tiêu thụ liều lượng caffein quá cao, dẫn đến bồn chồn, lo lắng, mất ngủ, rối loạn nhịp tim, tạo ra những giai đoạn “không cạn kiệt” và kích động tâm thần một người (6).
Nhà tâm lý học Hal Hershfield cho rằng, bạn thường khó kết nối được với bản thân ở tương lai lâu dài, nghĩa là con người bạn trở thành sau 5 đến 10 năm nữa. Tuy nhiên, kết nối với bản thân tương lai lại rất có ích cho việc đưa ra quyết định tốt hơn và vượt qua cơn nghiện (7). Nghiên cứu cho thấy nếu nghĩ về bản thân tương lai của mình, có khả năng bạn sẽ tiết kiệm tiền hơn là chi tiêu quá mức, đầu tư cho việc nghỉ hưu ngay từ bây giờ, hoặc ăn uống lành mạnh, tập thể dục nhiều hơn, ít có những thói quen tiêu cực, gây hại cho chính mình.
Có hai yếu tố khiến việc kết nối này trở nên đặc biệt khó khăn. Thứ nhất là bản chất và sự tiến hóa của con người. Hershfield tin rằng bộ não chúng ta đơn giản là chưa có sự tiến hóa phù hợp để lập kế hoạch cho 10, 20 hoặc 30 năm tới. Thứ hai, sức hút từ phần thưởng dopamine ở hiện tại lớn hơn nhiều so với dopamine có được khi hoàn tất các mục tiêu dài hạn.
Chúng ta dường như thường bị chi phối bởi các mục tiêu cấp bách và tức thời. Chi nhiều tiền hơn hoặc ăn thứ gì đó ngon ngay bây giờ có vẻ hấp dẫn hơn vì phần thưởng sẽ đến ngay lập tức, trong khi tiết kiệm cho tương lai để bản thân khá giả lại khó hơn rất nhiều.
Trong quyển Đi tìm lẽ sống (Man’s search for meaning), nhà thần kinh học, triết gia Viktor Frankl đã lý luận, để các tù nhân trong trại tập trung có đủ sức chịu đựng những trở ngại của họ, chứ chưa nói đến hạnh phúc, họ cần có một mục tiêu cụ thể đáng để phấn đấu. Nếu không thể kết nối với một tương lai cụ thể, một người sẽ khó có hy vọng và sức mạnh để nỗ lực trong hiện tại. Như triết gia Friedrich Nietzsche tuyên bố: “Người có lý do để sống có thể chịu đựng bất kỳ điều gì dù như thế nào” (8).
Ngày nay, chúng ta dễ dàng nghiện dopamine một cách không lành mạnh vì sức ép từ áp lực cuộc sống, bối cảnh xã hội thay đổi liên tục cũng như công nghệ hiện đại đang ngày một phát triển. Dù nghiện ở mức nặng nhẹ khác nhau hay nghiện thứ gì đi nữa, đây cũng là một cuộc chiến không nhỏ trong cuộc sống của chúng ta và thường để lại sự hối hận sau này. Nếu không hình dung được con người tương lai của mình là ai và những hành động hiện tại sẽ tác động đến mình như thế nào, nhiều khả năng bạn sẽ dễ cuốn vào những thói quen không tốt và rơi vào vòng xoáy đi xuống.
Hãy thử hình dung bản thân tương lai của mình, bạn muốn trở thành người như thế nào, khả năng tài chính của bạn ra sao, bạn quyết định làm việc đến khi nào và nghỉ hưu vào lúc nào, những nét tính cách bạn muốn rèn luyện là gì, những điều bạn muốn gặt hái hay trải nghiệm bạn muốn có, càng chân thật và sống động càng tốt.
Đây là điều thú vị về sự thực hành kết nối với bản thân tương lai, càng hiểu rõ về con người mình phía trước, phần thưởng và giá trị hiện tại của chúng ta càng nhân lên. Giống như khoản đầu tư để phát triển bản thân, chỉ cần một khoản nhỏ cũng tạo ra lợi nhuận đáng kể trong tương lai dài hạn. Tương tự việc gieo hạt có thể tạo ra không chỉ một cái cây mà là cả khu vườn.
Nếu chúng ta muốn làm bất kỳ điều gì trong cuộc sống của mình, bao gồm cả việc vượt qua những cơn thèm muốn và làm chủ bản thân, kết nối với con người tương lai là điều hết sức quan trọng. Như Viktor Frankl đã nói: “Điều con người cần không phải là một trạng thái không có căng thẳng, mà là sự phấn đấu và nỗ lực cho một mục tiêu đáng giá, một nhiệm vụ được tự do lựa chọn”. Hãy hình dung ra con người tương lai của bạn và quyết tâm đạt đến, để không chỉ có lợi về lâu dài mà nó còn giúp chúng ta sống tốt và trọn vẹn hơn trong hiện tại.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.