Những năm gần đây, vì mục đích giảm tiêu thụ năng lượng, đèn LED đã được sử dụng rộng rãi để thay thế đèn huỳnh quang CFL. Tuy đèn LED là sản phẩm ưu việt hơn, nhưng nếu lựa chọn sai sản phẩm để chiếu sáng thì gia đình bạn, đặc biệt là trẻ em, sẽ gặp rủi ro suy yếu thị lực.
Trong bài viết này, LeLa Journal tóm tắt những thông tin quan trọng mà bạn cần biết về đèn LED và cách bố trí ánh sáng cho từng căn phòng trong nhà với mục đích bảo vệ thị lực.
Nhiệt độ màu là đại lượng đặc trưng của ánh sáng, cho biết ánh sáng phát ra có màu gì và được đo lường với đơn vị là Kelvin (K). Khi nhiệt độ màu càng cao, ánh sáng sẽ càng sáng.
Sản phẩm chiếu sáng trên thị trường được chia thành 4 loại chính, bao gồm ánh sáng trắng nhẹ, ánh sáng trắng ấm, ánh sáng trắng lạnh và ánh sáng xanh.
Đèn chiếu ánh sáng trắng nhẹ có thể phát ra từ 2700 đến 3000 K. Tuy được gọi là ánh sáng trắng nhưng mắt chúng ta sẽ nhìn thấy chủ yếu màu vàng, cam và đỏ.
Đèn chiếu ánh sáng trắng ấm phát ra từ 3000 đến 4000 K. Mắt chúng ta sẽ nhìn thấy hai màu vàng và trắng phối vào nhau.
Đèn chiếu ánh sáng trắng lạnh sẽ phát ra từ 4000 đến 5000 K để chúng ta nhìn thấy chủ yếu màu trắng ngả xanh dương.
Ánh sáng xanh dương là ánh sáng tương tự như ngoài trời, đèn chiếu ánh sáng xanh có khả năng phát ra từ 5000 đến 6500 K.
Chọn lựa cường độ ánh sáng cho nhà ở là bước đầu tiên nhằm bảo vệ thị lực của gia đình. Quan niệm căn phòng càng sáng thì càng tốt sẽ không phù hợp cho đèn gia dụng.
Nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy sản phẩm đèn LED phát ra ánh sáng xanh dương (bước sóng từ 460 đến 500 nano mét) có khả năng gây ra thoái hóa võng mạc.
Võng mạc là loại mô hấp thụ nhiều oxy nhất trong cơ thể và rất nhạy cảm với ứng kích oxy hóa (oxidative stress). Vì thế, võng mạc chứa các enzym tham gia vào quá trình giải độc khi mắt bị tác động. Khi ánh sáng tiếp xúc võng mạc, sản phẩm LED có ánh sáng xanh dương sẽ phát ra năng lượng cao hơn ngưỡng chịu đựng của các enzym đóng vai trò là cơ chế bảo vệ, do đó gây nên suy yếu võng mạc qua thời gian (1).
Trong một nghiên cứu nhằm xác định mức độ chịu đựng của võng mạc, những nhà nghiên cứu đã chiếu ánh sáng xanh dương liên tục vào lồng nuôi chuột và kết luận rằng tế bào cảm quang bắt đầu chết dần sau 5 ngày (2). Tuy nhiên trong đời sống, con người ít khi nào sinh hoạt trong phòng có ánh sáng xanh dương trong 5 ngày liên tục. Vì thế, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng võng mạc của chuột sẽ dần suy yếu nếu chúng tiếp xúc ánh sáng xanh dương liên tục trong 5 phút nhiều lần trong ngày (3). Điều này cho thấy rằng võng mạc có khả năng suy yếu khi tiếp xúc lũy tiến với ánh sáng xanh.
Những nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thời điểm tiếp xúc ánh sáng xanh cũng quyết định mức độ suy yếu võng mạc. Trong một nghiên cứu khác, họ xác định rằng võng mạc chuột suy yếu nặng hơn khi tiếp xúc ánh sáng xanh vào buổi tối khuya (từ 12 giờ đêm) so với ban ngày (4).
Loại đèn sáng nhất nên lựa chọn cho nhà ở là đèn chiếu ánh sáng lạnh với nhiệt độ màu từ 4000 đến 5000 K. Ánh sáng lạnh nên được sử dụng trong căn bếp và khu vực sơ chế thực phẩm.
Tại phòng ăn, phòng đọc sách, phòng học trẻ em và phòng tắm, bạn nên lựa chọn đèn LED có nhiệt độ màu thấp hơn, từ 3000 đến 4000 K.
Riêng với phòng học trẻ em, quan niệm phòng học phải sáng nhất có thể là sai lầm. Tuy nhiên, do thiết kế nhà dân cư thường có trần thấp hơn văn phòng, vì vậy khi lắp đèn trắng lạnh hoặc xanh dương sẽ gây ra môi trường có độc tính quang học (phototoxicity). Thị lực của trẻ em sẽ suy yếu dần qua thời gian nếu phòng học tại gia được lắp đặt đèn phát nhiệt độ từ 4000 đến 6500 K.
Câu hỏi thường gặp là có cần lắp thêm đèn thắp sáng cho bàn học? Khi bạn đã lắp đặt đủ đèn chiếu sáng phòng học với nhiệt độ từ 3000 đến 4000K thì việc lắp thêm đèn bàn học là không cần thiết. Số lượng bóng đèn cần lắp sẽ tùy thuộc vào diện tích của phòng học
(những nhà cung cấp đèn có thể tính con số này cho bạn).
Trong phòng ngủ, bạn nên lựa chọn loại đèn có thể thay đổi nhiệt độ, thường gọi là đèn dimmer. Đèn trong phòng ngủ nên phát ra nhiệt độ từ 2000 đến 3000 K. Mắt bạn sẽ nhìn thấy chủ yếu là màu vàng, cam và đỏ, do đó loại đèn này giúp bạn thư giãn và kích thích giấc ngủ.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an