Nhóm lao động cuối Gen Y, đầu Gen Z đang được nhận định là những người đề cao "cái tôi cá nhân". Nhưng liệu việc cất tiếng nói, chia sẻ ý kiến cá nhân về vấn đề chốn công sở có phải cách duy nhất để khẳng định cái tôi? Và nếu buộc phải lên tiếng thì chúng ta nên chọn cách bày tỏ cảm xúc như thế nào?
Theo báo cáo của Tổ chức EY, hơn một nửa khách thể được hỏi (67%) thuộc Gen Z đã đồng ý rằng việc giữ nguyên các giá trị và niềm tin cá nhân có thể khiến một người trở nên "ngầu" hơn (1), (2).
Cái tôi của Gen Z có thể liên quan đến bối cảnh văn hóa và xã hội đương đại. Thế hệ này đã phải trải qua những vấn đề tác động tới toàn cầu như sự bùng nổ công nghệ và AI, COVID-19, khủng hoảng khí hậu, các phong trào xã hội...
Những yếu tố này có thể đã ảnh hưởng đến Gen Z trong việc bảo vệ ý thức và quan điểm cá nhân, tư duy phản biện và trách nhiệm xã hội.
Vì lý do đó, Gen Z được cho là nhóm cất tiếng nói nhiều hơn so với những nhóm tuổi còn lại. Đây cũng là nhóm đối tượng mong muốn được lắng nghe nhiều hơn (3), với 44% người trẻ mong muốn được lãnh đạo lắng nghe và tôn trọng những suy nghĩ của họ (4). Khát khao được lắng nghe cũng thúc đẩy Gen Z nói nhiều hơn.
Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew, Gen Z hiện nay có trình độ học vấn cao hơn những thế hệ trước đó (5). Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc Gen Z có xu hướng muốn thể hiện bản thân hơn và không ngại tham gia tranh luận tại nơi làm việc.
Sự tự tin khiến nhiều Gen Z sẵn sàng giao tiếp với mọi người, bao gồm cả cấp trên. Tuy nhiên, trên thực tế, quá thành thật và bộc trực lại không phải là chiến lược giao tiếp hiệu quả ở chốn công sở.
Giao tiếp hiệu quả chốn công sở không phải một vấn đề đơn giản, bởi thẳng thắn quá thì dễ gây mất đoàn kết, mà không thành thật thì dễ dẫn đến thất bại của cả tập thể. Nghiên cứu cho thấy rằng sự ngờ vực là thứ hủy hoại công việc chốn văn phòng, trong khi sự tin tưởng, gắn kết và khả năng khuyến khích nhau mới là những yếu tố thúc đẩy nhân viên đóng góp cho công ty và tổ chức (6).
Cư dân mạng thì nói rằng "thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt", vậy "cư dân công sở" phải làm sao để không thua thiệt? Dưới đây là 2 cách có thể mang lại hiệu quả.
1. Cân nhắc đối tượng mà mình đang đối thoại
Khi giao tiếp, bạn hãy cố gắng đánh giá kỹ tình huống cụ thể cũng như mối quan hệ với đối phương. Trong đó, hãy tự trả lời một số câu hỏi như: "Giao tiếp với cấp trên phải dùng văn phong như thế nào?", "nói chuyện với đồng nghiệp phải dùng từ ngữ ra sao?"... Tất cả những điều nhỏ nhặt ấy đều có ảnh hưởng tới cách người khác đánh giá bạn trong chốn công sở.
Trong cuốn sách Simply Said: Communicating Better at Work and Beyond, tác giả Jay Sullivan đã đề xuất rằng bạn có thể giao tiếp hiệu quả hơn bằng cách tập trung vào người nghe, chứ không phải bản thân bạn. Điều này có nghĩa là hãy nói để họ hiểu, thay vì chỉ nói để thỏa mãn bản thân (7), (8).
Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý tới mức độ lý trí và xúc động của đôi bên khi giao tiếp. Ví dụ, đồng nghiệp đưa cho bạn feedback chính xác giúp bạn cải thiện, nhưng nếu bạn thấy xúc động khi tiếp nhận thông tin, bạn sẽ khó nhận ra rằng người kia đang có ý định tốt. Thay vào đó, bạn có thể cảm thấy tổn thương khi bị chỉ trích và có xu hướng đả kích họ (8).
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Academy of Management đã chỉ ra rằng những người mới vào tập thể thường thích nghe câu chuyện từ đồng nghiệp hơn là các nhà lãnh đạo (9). Tuy nhiên, theo một khảo sát mới của Envoy, chưa đến một phần tư (chỉ 24%) nhân viên tin tưởng rằng đồng nghiệp của họ sẽ hoàn thành công việc từ xa (10). Từ đó, có thể thấy rằng dường như nhiều người không tin tưởng đồng nghiệp nhưng lại sẵn sàng nói chuyện với đồng nghiệp nhiều hơn.
Như vậy, nếu không để ý tới tình huống, hoàn cảnh của cuộc đối thoại, chúng ta có thể sa đà vào việc "buôn chuyện" với đồng nghiệp về những chủ đề không liên quan, bởi ta không mấy tin tưởng họ.
Hơn nữa, khi cân nhắc và tập trung vào đối tượng, chúng ta có thể sẽ nhận biết rõ ràng hơn về vấn đề, cũng như đưa ra được giải pháp của vấn đề. Chẳng hạn, khi bạn bị mệt mỏi vì lịch làm việc dày đặc, nếu bạn chỉ kể với đồng nghiệp thì khối lượng công việc vẫn chất đống ở đó. Nhưng đổi lại, nếu bạn trao đổi trực tiếp với quản lý và cấp trên để họ hiểu rõ tình trạng công việc của bạn, vấn đề có thể sẽ được đem ra bàn bạc và giải quyết triệt để.
2. Giao tiếp phi bạo lực
Phương thức giao tiếp phi bạo lực (nonviolent communication), được đề xuất bởi Tiến sĩ Marshall Rosenberg, gồm có bốn yếu tố để một cuộc thảo luận đạt hiệu quả mà không làm người khác cảm thấy tổn thương, gồm: quan sát (observations), cảm nhận (feelings), nhu cầu (needs) và lời yêu cầu (requests) (11).
Cụ thể, quan sát là việc nhận biết những gì đang xảy ra mà không đánh giá hay phán xét. Cảm nhận là việc nhận thức và diễn đạt những gì bản thân đang cảm thấy. Nhu cầu là tiến trình nhận ra và chia sẻ những gì chúng ta đang mong muốn hoặc thiếu hụt. Cuối cùng, lời yêu cầu là để đề nghị một hành động cụ thể từ người khác giúp đáp ứng nhu cầu của mình (11).
Khi giao tiếp với mọi người, bất kể là trong môi trường công sở hay không, bạn hãy thử dựa vào bốn yếu tố này và thực hành.
Chẳng hạn, khi quan sát thấy đồng nghiệp không làm tốt công việc, thay vì quy chụp rằng đây là sự lười nhác, hãy quan sát xem người này có dấu hiệu của việc mệt mỏi hay không. Sau đó, hãy thử suy ngẫm về cảm nhận của cá nhân bạn, cũng như nhu cầu của bạn. Cuối cùng, nếu người đồng nghiệp này làm ảnh hưởng tiến độ công việc của bạn, bạn có thể yêu cầu cô ấy bắt kịp công việc, như là "mình cần bạn hoàn thành đầu việc này sớm hơn" (12).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?