Khóc là một phản ứng tự nhiên của cơ thể. Trong khi có nhiều người luôn cố gắng tránh né những giọt nước mắt thì các kết quả nghiên cứu lại chứng minh được rằng khóc có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Theo thống kê tại Hoa Kỳ, tỷ lệ khóc trung bình ở nữ giới là 3,5 lần mỗi tháng và ở nam giới là 1,9 lần mỗi tháng (1). Nhưng đó không phải lúc nào cũng là những giọt nước mắt buồn bã, bởi lẽ, cơ thể con người tạo ra tới ba loại nước mắt khác nhau (2), cụ thể như sau:
Nước mắt cơ bản: Các ống dẫn nước mắt liên tục tiết ra nước mắt cơ bản. Đây là chất lỏng kháng khuẩn giàu protein giúp giữ ẩm cho mắt, cải thiện tầm nhìn, tăng cường sự tập trung...
Nước mắt phản xạ: Đây là nước mắt được tiết ra khi chúng ta gặp các tác động từ bên ngoài như gió, khói bụi, xắt hành, ớt... Chúng được giải phóng để loại bỏ các chất kích thích này cũng như bảo vệ mắt trước sự xâm nhập của các mảnh vụn nhỏ.
Nước mắt cảm xúc: Con người thường rơi nước mắt để thể hiện một trạng thái cảm xúc hoặc tình trạng tâm lý nhất định, chẳng hạn như sự đồng cảm, lòng trắc ẩn, nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần và những cảm xúc về mặt đạo đức hoặc tình cảm.
Nước mắt cảm xúc có ảnh hưởng tích cực tới sức khỏe. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng khóc giải phóng oxytocin và opioid nội sinh, còn được gọi là endorphin. Những chất này giúp chúng ta thấy dễ chịu, hay chính xác hơn là giúp xoa dịu nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần (3).
1. Tự xoa dịu: Một nghiên cứu vào năm 2014 đã phát hiện ra rằng khóc kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm (parasympathetic nervous system - PNS), giúp chúng ta thư giãn (4). Hệ thần kinh đối giao cảm này giữ vai trò chính trong tiến trình nghỉ ngơi, với mục đích chính là lưu giữ năng lượng cho cơ thể, đồng thời điều chỉnh một số chức năng như tiêu hóa và tiểu tiện (5)...
2. Tìm kiếm hỗ trợ từ người khác: Ngoài việc tự xoa dịu, khóc còn giúp chúng ta nhận được sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Thông qua hành động khóc, con người đưa ra "tín hiệu" rằng mình cần sự trợ giúp. Bên cạnh đó, khóc có tác dụng làm giảm sự tức giận, thái độ hung hăng trong các tình huống xung đột và khiến đối phương có xu hướng hòa hoãn hoặc xuôi theo ý muốn của chúng ta. Một kết quả nghiên cứu được đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia (Hoa Kỳ) vào năm 2016 đã giải thích rằng khóc chính là hành động tạo gắn bó vì nó thu hút sự ủng hộ từ những người xung quanh (6).
3. Giúp loại bỏ độc tố: Nước mắt được xem như một chất khử trùng tự nhiên giúp tiêu diệt vi khuẩn. Nước mắt có chứa lysozyme - một loại protein có thể phá hủy các phân tử có hại (7). Vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, nhà hóa sinh William Frey đã thực hiện một số nghiên cứu xoay quanh hành động khóc. Kết quả cho thấy rằng nước mắt giúp cơ thể loại bỏ các độc tố không mong muốn. Điểm đáng lưu ý là khác với nước mắt phản xạ, nước mắt cảm xúc chứa lượng protein cao hơn (8).
4. Giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng: Tiến sĩ Lauren Bylsma cho biết rằng khi kích thích sinh lý đạt đến đỉnh điểm, việc khóc sẽ giúp thay đổi các hoạt động giao cảm và đối giao cảm, nhằm đưa cơ thể trở lại trạng thái cân bằng (9).
Nói cách khác, khóc giúp cơ thể chúng ta chuyển từ trạng thái kích động về trạng thái bình tĩnh.
Bên cạnh đó, nước mắt cảm xúc còn chứa hormone gây căng thẳng cũng như chất mangan - có liên quan đến sự lo lắng, cáu kỉnh và căng thẳng, điều này nghĩa là khi khóc, chúng ta cũng được giải tỏa căng thẳng (10). Nếu bạn cố gắng kìm nén việc khóc, điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng của bạn. Việc kìm nén cảm xúc quá lâu cũng sẽ gây hại cho sức khỏe, dẫn tới các vấn đề như hệ miễn dịch kém, bệnh tim mạch và huyết áp cao (11).
5. Cải thiện thị lực: Khi bạn không khóc trong một thời gian dài hoặc không tiết ra nước mắt, mắt sẽ bị khô. Tình trạng khô mắt gây khó chịu và tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt. Do nước mắt có tác dụng bôi trơn mắt một cách tự nhiên, khóc có thể ngăn ngừa tình trạng khô mắt và đỏ mắt, từ đó bảo vệ thị lực của chúng ta (12).
6. Hỗ trợ giấc ngủ cho trẻ: Khóc giúp trẻ ngủ ngon hơn vào ban đêm. Theo một nghiên cứu vào năm 2015 về giấc ngủ của trẻ sơ sinh, khi cha mẹ để trẻ khóc trong một khoảng thời gian nhất định, thời gian ngủ của trẻ tăng lên trong khi số lần thức giấc trong đêm lại giảm xuống.
Việc khóc có kiểm soát sẽ giúp trẻ ngủ ngon hơn (13).
Tuy nhiên, đây vẫn là một biện pháp ẩn chứa nhiều nguy cơ gây hại cho trẻ. LeLa Journal gợi ý rằng cha mẹ chỉ nên áp dụng sau khi nhận được sự tư vấn và hướng dẫn cặn kẽ từ chuyên gia.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an