Hãy cùng LeLa khám phá nguồn gốc trà ô long, lợi ích sức khỏe lẫn lưu ý khi sử dụng và cách pha trà ô long như một bậc thầy.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá nguồn gốc trà ô long, lợi ích sức khỏe lẫn lưu ý khi sử dụng và cách pha trà ô long như một bậc thầy.
Ô long (Oolong tea) là giống Sinensis, cùng với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nơi nó sinh ra và phát triển mà cho ra búp trà mang hương thơm đặc biệt cuốn hút, kết hợp cùng quy trình chế biến độc đáo của từng địa phương mà trở thành loại trà nổi tiếng bậc nhất thế giới. Hai tỉnh lừng danh nhất Trung Hoa về trà ô long phải kể đến Phúc Kiến (với ô long Đại Hồng Bào và Thiết Quan Âm) và Quảng Đông (với ô long Đơn Tùng Phượng Hoàng và Phượng Hoàng Thủy Tiên). Khi ô long được du nhập vào Đài Loan, giống ô long Thanh Tâm là phổ biến nhất và là giống ô long thuần chủng được trồng đầu tiên và nhiều nhất tại đây. Sau này, ô long tại Đài Loan còn được phát triển thêm 3 giống nổi tiếng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của khu vực là: Kim Tuyên với mùi hương sữa, Tứ Quý với hương hoa mùa xuân, và Thúy Ngọc đặc trưng với hương hoa lan.
Tại Việt Nam, trà ô long được trồng và sản xuất bởi các doanh nghiệp Đài Loan từ những năm 1990 tại Lâm Đồng và Sơn La, và giờ đây phát triển tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Phần lớn trà ô long tại nước ta đều xuất khẩu sang Đài Loan và Trung Quốc. Hiện nay, chất lượng trà ô long được trồng và sản xuất tại Việt Nam được thị trường thế giới đánh giá khá cao, nhiều sản phẩm khó phân biệt đâu là ô long Đài, đâu là ô long Việt.
Lá trà ô long thường được thu hoạch từ 3 – 4 lần/năm, thậm chí có thể lên đến 6 vụ thu hoạch hàng năm. Thu hoạch vụ Xuân thường tốt nhất, trong khi vụ Đông thì ít lại. Thu hoạch vào vụ Thu cũng có thể cho chất lượng tốt còn vào vụ Hè, lá trà có thể dừng thu hoạch để cây có điều kiện phục hồi.
Quy trình sản xuất trà ô long vô cùng công phu, đặc biệt phải kể đến khâu phơi héo dưới ánh nắng mặt trời và xóc búp trà để thúc đẩy quá trình oxy hóa diễn ra mạnh mẽ trước khi diệt men. Vì trà ô long chỉ bị oxy hóa một phần (8% - 80%) nên các bậc thầy về trà có thể linh hoạt tạo ra hương vị đặc biệt. Ô long được oxy hóa nhẹ mang đến hương hoa thoáng mát với tầng lớp nhẹ nhàng (light-bodied). Các loại trà ô long bị oxy hóa nặng có hương vị đất đậm đà và cấu trúc dày hơn (full-bodied). Gu trà của người Đài Loan là vị càng thanh càng ngon, hương dịu nhẹ nhưng phong phú nhiều tầng lớp. Trong khi đó, người Trung Quốc chuộng hương vị nồng nàn.
Nghiên cứu cho thấy rằng các đặc tính của trà ô long thúc đẩy quá trình oxy hóa chất béo hoặc giảm cân. Vì thế, đây là lựa chọn tuyệt vời cho những người có vấn đề về tim, đang cho con bú hoặc những ai không có một lượng caffeine nhất định. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm “năng lượng nghỉ” (Resting Energy Expenditure – REE – tức lượng calorie cơ thể dùng khi bạn nghỉ ngơi) và “mức tiêu hao năng lượng” (Energy Expenditure – EE) của những người tham gia sau khi uống trà ô long, trà xanh và nước lọc. Kết quả cho thấy những người uống trà ô long có REE và EE cao hơn người uống nước lọc và trà xanh. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng nếu bạn đang cố gắng cải thiện thể chất và giảm cân thì việc uống trà ô long thường xuyên có thể hữu ích (1).
Một cuộc nghiên cứu được thực hiện với 76.979 người uống trà ô long trong vài năm đã phát hiện những người uống ít nhất 240ml trà ô long mỗi ngày có nguy cơ thấp hơn về mức cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL cholesterol (2). Đồng thời, uống trà ô long có thể ngăn ngừa các vấn đề tim mạch ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 (3). Chuyên gia cho rằng những lợi ích sức khỏe này là do sự hiện diện của polyphenol và catechin trong trà (4).
Trong một nghiên cứu riêng biệt, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người uống trà ô long hàng ngày cũng có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn về lâu dài (5).
Theo National Cancer Institute, không có đủ nghiên cứu để xác nhận rằng trà ô long làm giảm nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, một số nghiên cứu nhỏ cho thấy trà ô long có thể ức chế ung thư da, phổi và buồng trứng (6).
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và lên động vật đã phát hiện ra hóa chất polyphenol, xuất hiện tự nhiên trong trà ô long, có thể bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương DNA và ức chế sự phát triển của tế bào khối u. Polyphenol trong trà cũng giúp cải thiện hệ thống miễn dịch (7).
Uống trà ô long hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và ngăn ngừa các triệu chứng tiểu đường.
Một nghiên cứu nhỏ kéo dài 30 ngày được thực hiện ở Nhật Bản cho thấy rằng việc uống trà ô long hàng ngày làm giảm mức đường huyết (xuống tới 30%). Tuy nhiên, một nghiên cứu riêng biệt cho thấy rằng việc tiêu thụ caffeine, có trong trà ô long, cũng làm giảm lượng đường ở bệnh nhân tiểu đường loại 2 (8).
Florua là một hợp chất xuất hiện tự nhiên trong lá trà ô long. Florua giúp ngăn ngừa sự khử khoáng của men răng và sâu răng bằng cách bổ sung lượng canxi và phốt pho đã mất để giữ cho răng cứng chắc. Florua tự nhiên được tìm thấy trong trà ô long cũng có thể ngăn ngừa sâu răng (9).
Trà ô long có chứa một loại axit amin mang tên L-theanine. Axit amin này giúp ức chế việc giải phóng caffein, giúp năng lượng kéo dài hơn (10).
Uống trà ô long cũng giúp cơ thể loại bỏ các độc tố có thể gây hại tế bào khỏe mạnh. Trà ô long chứa catechin và chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn các gốc tự do hình thành (11). Các gốc tự do có hoạt tính rất mạnh, nếu tăng quá mức sẽ gây ra những tổn thương cho tế bào và dẫn đến bệnh tật.
Trà ô long chứa một lượng caffeine vừa phải (50-75 miligam caffein trong mỗi cốc 236ml) có thể ảnh hưởng xấu đến những người nhạy cảm với caffeine. Caffeine có thể gây ra một loạt vấn đề bao gồm đau bụng, chóng mặt, nhịp tim không đều và đau đầu. Các chuyên gia khuyên bạn nên hạn chế lượng caffeine tiêu thụ ở mức 400 miligam mỗi ngày (12). Điều đó có nghĩa là bạn có thể uống vài tách trà ô long mỗi ngày mà không gặp bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào.
Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên uống tối đa hai tách trà ô long nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú. Do hầu hết nghiên cứu cho thấy việc hạn chế lượng caffeine ở mức 200 miligam là lý tưởng cho phụ nữ mang thai. Caffeine có thể gây khó chịu cho trẻ bú mẹ và gây đẻ non và giảm cân nếu tiêu thụ quá mức trong thai kỳ (13).
Hơn nữa, uống trà ô long cùng thuốc kháng sinh có khả năng gây ra cảm giác bồn chồn. Một số thuốc kháng sinh bao gồm Cipro và Trovan làm giảm khả năng phân hủy caffeine trong cơ thể.
Các hợp chất trong trà ô long có thể ức chế quá trình hấp thu sắt. Những người bị thiếu sắt nên theo dõi chặt chẽ mức độ sắt dưới sự giám sát của chuyên gia chăm sóc sức khỏe khi tiêu thụ trà ô long. Cố gắng ăn thực phẩm giàu vitamin C và không uống trà ô long trong bữa ăn để giảm nguy cơ mắc tác dụng phụ này.
Chúng ta có thể pha trà ô long bằng kỹ thuật Trung Hoa truyền thống hoặc theo tinh thần phương Tây đơn giản. Phương pháp của Trung Hoa mang đến trải nghiệm thưởng trà trọn vẹn, trong khi đó kỹ thuật pha trà Tây phương khá tiện lợi, đặc biệt với những người mới bắt đầu hay muốn có một tách trà rồi quay lại công việc bởi họ có thể sử dụng bất cứ chiếc ấm nào trong tay.
Trong bài viết này, LeLa sẽ hướng dẫn độc giả cách pha trà ô long theo tinh thần Trung Hoa. Chúng ta sẽ sử dụng ấm trà Yixing (ấm tử sa) hoặc Gaiwan (chén khải). Theo truyền thống, Yixing và Gaiwan sẽ được đặt trên khay tre có rãnh để việc phục vụ thêm trang nhã và dễ dàng. Tuy nhiên, bạn có thể chọn dùng khay tre hoặc không.
Yixing hay ấm tử sa là ấm pha trà truyền thống được làm từ đất sét có nguồn gốc từ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Loại ấm này có thể dùng để pha trà ô long, trà đen, trà phổ nhĩ và trà trắng. Chúng ta nên dùng mỗi ấm cho mỗi loại trà khác nhau, vừa tiện cho việc bảo quản vừa giúp phát huy hương vị trà đặc trưng. Đồng thời, cũng nên tránh rửa ấm bằng xà phòng vì sẽ khiến trà kém hương vị.
Gaiwan hay chén khải là dụng cụ pha trà có nắp và không có tay cầm, được sử dụng cùng một chiếc đĩa lót để pha nhiều dòng trà truyền thống. Ra đời dưới triều đại nhà Minh (1368 - 1644), chén khải thường làm bằng gốm sứ và thủy tinh. Thiết kế ấm này cho phép mỗi người thưởng thức trà một cách trực quan. Khi dùng chén khải, bạn hãy giữ đĩa lót tách bằng các ngón tay và ngón tay cái đặt lên trên đĩa lót, đồng thời dùng tay trái để giữ nắp và nhẹ nhàng lắc khi uống.
Trà ô long thường ở dạng trà lá và trà túi lọc, trong đó các loại trà ô long lá cuộn và cuộn tròn đặc biệt phổ biến. LeLa khuyên độc giả nên sử dụng lá trà để phát triển hương vị ô long lý tưởng. Bạn vẫn có thể sử dụng trà ô long túi lọc nếu yêu thích sự tiện lợi, nhưng chất lượng và hương vị sẽ khó trọn vẹn.
Một ấm trà ô long chỉ tuyệt hảo khi sử dụng số lượng lá và nước hài hòa. Với khoảng 180ml nước thì 1 thìa cà phê lá trà ô long là đủ.
Nước pha trà chất lượng sẽ thúc đẩy hương vị trà ô long độc đáo. Chúng ta nên tránh dùng nước cất vì vị nhạt, khó phát triển tốt hương vị trà; cũng nên tránh dùng nước máy vì các hóa chất xử lý nước như clo có thể ảnh hưởng đến mùi vị. Thay vào đó, hãy sử dụng nước lọc hoặc nước suối để tận hưởng vị trà lý tưởng.
Sau khi đun sôi nước, bạn hãy chờ nước nguội trong vòng một phút trước khi rót vào ấm Gaiwan hoặc Yixing khoảng một nửa. Nhẹ nhàng xoay tròn khoảng vài giây và đổ bỏ nước. Nước ban đầu này giúp làm sạch và mở lá trà ra để giải phóng hương vị. Tiếp theo, đổ đầy nước nóng vào ấm trà.
Nguyên tắc chung khi pha trà ô long là ngâm từ 1 đến 5 phút. Thời gian ngâm lâu hơn khiến hương vị trà đậm đà hơn. Nhưng tốt nhất là bạn nên ngâm trong 1 phút và nếm thử sau mỗi 30 giây để tận hưởng hương vị trà ô long theo sở thích.
Lưu ý: Uống trà ô long trong khi ăn không phải là lựa chọn lý tưởng vì hương vị món ăn sẽ khó giúp bạn cảm nhận hương vị nguyên sơ của trà. Thời điểm tốt nhất để thưởng trà ô long là sau bữa ăn khoảng 25 đến 35 phút.
Ảnh: Marcel Karcher
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an