Sẽ có những lúc chúng ta nằm dài trên giường, mệt mỏi và chẳng buồn động tay động chân vào bất cứ thứ gì dù "deadline" hay sếp đang hối thúc. Trong phút chốc, tất cả lý do khiến cho chúng ta đã cố gắng bấy lâu nay bỗng dưng không còn quan trọng nữa. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng họ là kẻ lười biếng hoặc không còn đam mê với công việc. Khoan hẵng vội nhảy việc hay "bỏ phố về vườn", có thể bạn chỉ đang "burnout" mà thôi.
"Burnout" được hiểu là "sự kiệt quệ" trong công việc. Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ định nghĩa đây là "sự cạn kiệt cảm xúc, có thái độ và cảm giác tiêu cực với công việc cũng như đồng nghiệp" (1).
Các triệu chứng của "burnout", căng thẳng (stress) cũng như cảm giác lười biếng trong công việc là khá giống nhau. Việc tìm hiểu rõ chính xác tình trạng mà mình đang gặp phải sẽ giúp chúng ta có những giải pháp phù hợp, giúp tiết kiệm thời gian cũng như công sức để xử lý vấn đề.
Bảng so sánh các triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng “burnout”, căng thẳng (stress) và lười biếng.
Triệu chứng | Burnout | Căng thẳng (Stress) | Lười biếng |
Cảm giác mệt mỏi, kiệt sức, thiếu năng lượng | Có | Có | Có |
Sự thay đổi trong cảm xúc và tâm trạng | Cảm thấy cô độc, bất lực, thất vọng, tuyệt vọng, mất kết nối | Lo lắng, căng thẳng, dễ cáu gắt, khó chịu | Thờ ơ, không hứng thú, không muốn làm việc |
Hiệu suất làm việc giảm sút | Có | Có | Có |
Sức khỏe bị ảnh hưởng | Mất ngủ, đau đầu, đau cơ, giảm miễn dịch | Mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, huyết áp cao, đau đầu | Không có |
Cảm giác bị kẹt lại, không có cách giải quyết | Có | Có | Không có |
Nhìn vào bảng chúng ta có thể thấy các triệu chứng của "burnout" và "stress" là tương tự nhau, vì cả hai đều có thể dẫn đến kiệt quệ về cảm xúc và thể chất, giảm hiệu suất làm việc, thái độ tiêu cực, khó chịu, lo lắng và trầm cảm. Tuy nhiên, hội chứng "burnout" thường đi kèm các đặc trưng như cảm giác hoài nghi và tách rời khỏi công việc (3), trong khi "stress" lại có đặc thù là cảm giác lo lắng thường trực (4). Mặt khác, sự lười biếng lại là sự thiếu động lực, điều này có thể dẫn đến giảm hiệu suất và khó tập trung.
Hội chứng burnout hiện đã được Tổ chức y tế thế giới (WHO) công nhận và liệt kê vào bảng Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh và vấn đề sức khỏe liên quan ICD-11.
Khác với các lời khuyên tràn lan trên mạng xã hội rằng nếu mệt mỏi quá thì cứ xin nghỉ phép tạm thời hoặc bỏ việc, tác giả và nhà nghiên cứu Diane Bernier cho rằng chúng ta nên xem xét kỹ hơn vấn đề này và không nên ra quyết định vội vàng khi đang ở trong trạng thái "burnout", vì nó dễ khiến chúng ta "burnout" thêm một lần nữa (5).
Với những nghiên cứu và kinh nghiệm của mình, bà chỉ ra cách đối phó với tình trạng này chính là tập trung vào "sự gắn bó". Bởi đây là chìa khóa để đối chọi lại đặc trưng của "burnout" là sự “cô độc và mất kết nối”. Sáu giai đoạn phục hồi mà bạn đọc có thể tham khảo đó là:
Bước 1 - Thừa nhận vấn đề: Chúng ta không thể giải quyết vấn đề triệt để khi vẫn chưa chịu thừa nhận rằng chúng ta đang có vấn đề. Cũng giống như bất kỳ quá trình phục hồi nào khác, bước đầu tiên là phải chấp nhận thực tế mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát của bản thân.
Bước 2 - Tạm nghỉ: Để giảm bớt một số tác nhân gây căng thẳng ngay lập tức, hãy cân nhắc nghỉ ngơi bằng những ngày phép và thông báo rõ ràng về tình trạng mà mình đang gặp phải cho đồng nghiệp. Trong giai đoạn này, hãy dành thời gian để trò chuyện với gia đình hoặc người thân, đi du lịch trải nghiệm hoặc tham gia các hoạt động chăm sóc sức mạnh nội tâm như thiền, chánh niệm…
Mục đích của việc tạm nghỉ là để cố gắng tách bản thân hoàn toàn khỏi công việc và tận dụng thời gian này một cách quý báu để áp dụng các chiến lược đối phó với "burnout".
Bước 3 - Chăm sóc thể chất: Đây là lúc để chú ý nhiều hơn đến việc phục hồi sức khỏe, đặc biệt là nếu chúng ta đã cảm thấy kiệt sức trong một thời gian dài do không lắng nghe "tín hiệu cầu cứu" của cơ thể.
Một trong những điều cần làm trước tiên là ngủ đủ giấc và phục hồi giờ sinh học. Bằng cách này, cơ thể sẽ có cơ hội "sạc pin" và bắt đầu quá trình tái tạo. Sau đó, hãy bắt đầu chế độ ăn uống tốt hơn và tập thể dục nhẹ nhàng nhưng đều đặn. Hoạt động thể chất giúp điều chỉnh mức độ căng thẳng, cải thiện tuần hoàn và có vô số lợi ích khác để khôi phục lại sự cân bằng.
Bước 4 - Xem xét lại các giá trị sống liên quan đến công việc: Khi cơ thể và tâm trí đã phần nào được nghỉ ngơi, giờ là lúc để suy ngẫm, nhìn nhận lại những vấn đề trong công việc khiến mình kiệt sức, chán nản, thậm chí muốn buông xuôi. Từ đó, hãy cân nhắc để tìm ra cách thức thể hiện năng lực bản thân một cách phù hợp, cũng như tâm thế quay lại nơi làm việc trong tương lai sao cho hứng khởi nhất. Một cách hữu hiệu để làm điều này là xác định các giá trị liên quan giữa công việc và bản thân bằng ba câu hỏi:
Bước 5 - Khám phá các lựa chọn của bản thân: Sau khi biết mình thật sự cần gì và muốn gì, hãy tìm cách biến nó thành hiện thực. Với một tâm trí cởi mở, chúng ta hãy khám phá các lựa chọn của bản thân bằng các câu hỏi như:
Đừng thúc ép bản thân quyết định bất cứ điều gì trong bước này, chỉ cần khám phá các tùy chọn đang có để đưa ra thêm nhiều hướng giải quyết, từ đó góp thêm những góc nhìn mới hoặc giá trị mới cho công việc sau giai đoạn nghỉ ngơi.
Bước 6 - Ra quyết định và hành động:
Cuối cùng, thời gian tạm nghỉ để "tâm trí đi chill" đã hết. Đến lúc quyết định xem chúng ta sẽ làm gì sau khi bị "burnout" để tránh rơi vào tình trạng này thêm lần nữa. Với một tâm trí thoải mái, một sức khỏe dồi dào và các lựa chọn rõ ràng nhờ sáu bước gợi ý trên đây, chúng ta sẽ có thể cân nhắc liệu nên gắn bó tiếp tục với công việc hay là ra đi. Và cho dù lựa chọn có là gì thì tâm trí sau khi được nghỉ ngơi ắt sẽ đủ đầy năng lượng cho chặng đường kế tiếp.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.