Kể từ khi "bỏ phố về rừng" trở thành khát khao cháy bỏng trong tâm tưởng của cư dân thành thị, "tắm rừng" đã trở thành phương thức chữa lành được nhiều người ưa chuộng.
Vào khoảng những năm 1980, khi cuộc các mạng công nghệ bùng nổ tại Nhật Bản và kéo theo những hệ lụy về sức khỏe lẫn tinh thần, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã khuyến khích người dân tìm về tự nhiên để phục hồi, ổn định thể chất, tinh thần (1). Cũng chính cơ quan này đặt ra cái tên Shinrin-yoku để gọi một hình thức trị liệu đã gắn với con người từ ngàn xưa.
Shinrin-yoku (浴) là sự kết hợp Hán tự của hai từ: "shinrin" (khu rừng) và "yoku" (phòng tắm). Đó là lý do vì sao liệu pháp này gọi nôm na là "tắm rừng". Tuy nhiên, đừng lầm tưởng Shinrin-yoku chỉ là việc gội rửa dưới dòng nước trong rừng (theo nghĩa đen). Khái niệm này còn được mở rộng thành một chuỗi hoạt động tiếp xúc với thiên nhiên đại ngàn như hít thở, lắng nghe, nói chuyện, đi bộ, thiền…
Người Nhật xem những cánh rừng thiêng liêng là nơi ẩn chứa nhiều quyền năng tâm linh. Họ tin rằng cây cối nuôi dưỡng và làm giàu cuộc sống của chúng ta. Shinrin-yoku (hay tiếng anh là Forest Bathing) như một cánh cổng để con người trở về với cội rễ và được tiếp thêm sức mạnh tinh thần.
Các nhà khoa học đã chứng minh "tắm rừng" có thể giúp giảm bớt tâm lý căng thẳng bằng cách đặt con người trở lại mối quan hệ nguyên thủy với chim chóc, cây xanh (2). Báo cáo nghiên cứu vào năm 2021 của Ủy ban Lâm nghiệp Vương Quốc Anh đã xem tắm rừng là liều thuốc chống trầm cảm bởi công dụng bình ổn nhịp tim, khơi dậy lòng trắc ẩn, mang đến cảm xúc vô ưu, ung dung, tự tại (3).
Các loại cây bách, thông đỏ, tuyết tùng, vân sam… cùng một số loại cây lá kim khác có khả năng tiết ra phytoncides - một loại chất kháng sinh tự nhiên tốt cho hệ miễn dịch. Người thường xuyên tắm rừng sẽ có lượng tế bào NK (Natural Killer) cao hơn mức thông thường. Đây là một loại tế bào bạch huyết giữ nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn các mầm bệnh, vi khuẩn, virus và lập tức vô hiệu hóa chúng (4).
Trong cuốn sách Forest Bathing : How Trees Can Help You Find Health And Happiness, tiến sĩ Qing Li, chuyên gia hàng đầu thế giới về y học rừng, cho rằng "tắm rừng" không giống như tập thể dục, đi bộ đường dài hay chạy bộ. Phương pháp này chỉ yêu cầu chúng ta bước vào tự nhiên, kết nối với không gian cây xanh thông qua ngũ quan (4). Chúng ta càng mở rộng giác quan của mình để đón thiên nhiên vào lòng thì ở chiều ngược lại, những điều tốt lành từ thiên nhiên sẽ đến với con người. Tuy nhiên, để đạt được lợi ích tối đa từ quá trình "tắm rừng", có một số nguyên tắc sau cần phải tuân thủ:
Không có tiêu chí nào được xem là hoàn hảo để đánh giá một khu rừng thích hợp để tắm rừng. Công viên, khu sinh thái, vườn quốc gia… đều là những lựa chọn sáng suốt. Miễn là chúng phù hợp với nhu cầu, khả năng cũng như cách cảm nhận của bạn.
Với tổng diện tích hơn 700 km² và có nhiều loài động vật hoang dã cư trú cùng hệ sinh thái đa dạng, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai) là điểm đến lý tưởng để du khách trải nghiệm hành trình hoà mình vào đại ngàn và cải thiện sức khỏe. Ngoài ra, thời điểm là một vấn đề đáng lưu ý, miền Nam thường có mưa lớn từ tháng 5 đến tháng 11, cảnh quan trong rừng cũng thay đổi theo khí hậu. Hãy cân nhắc và chuẩn bị thật kỹ nếu bạn quyết định chọn "tắm rừng" vào những ngày có thời tiết khắc nghiệt.
Đồng thời, bạn nên mang theo một vài món ăn nhẹ và các dụng cụ y tế cần thiết. Nếu có tiền sử bệnh lý liên quan tới hô hấp, tuần hoàn và nhịp tim, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định tham gia.
Khi đã chọn được địa điểm phù hợp và đặt những bước chân đầu tiên vào hành trình trải nghiệm, phong thái nhẹ nhàng, thong thả sẽ giúp bạn cảm nhận được sự chuyển động của thế giới bên trong đang hòa cùng nhịp điệu ở môi trường bên ngoài. Từ sự so sánh đó, bạn sẽ hiểu được cách vận hành song song của cơ thể, linh hồn cùng với thiên nhiên.
Bạn có thể nhặt một hòn sỏi nhỏ và chầm chậm xoay nó trong lòng bàn tay. Sau đó, hãy cảm nhận từng cử động nhỏ nhất từ các cơ, gân, xương. Đây là một trong những phương pháp được Hiệp hội Trị liệu Rừng và Tự nhiên khuyến khích để gia tăng sự gắn kết giữa bạn với khu rừng (5). Nếu muốn cảm nhận trọn vẹn thiên nhiên bằng da thịt và chính tâm hồn, "môn đồ" không nên dùng điện thoại nhiều. Cách tốt nhất là tắt chuông và thông báo để không bị quấy rầy khi đang tận hưởng.
Muốn hoà mình hoàn toàn vào núi rừng, hãy dành thời gian để quan sát, lắng nghe những biến chuyển thú vị trong mạch sống nơi này, chẳng hạn như: chim chóc chuyền cành, lá cây rung rinh trong gió, dòng nước chảy róc rách bên khe đá… Hình ảnh, ký ức hay dòng cảm xúc nào đang dần hiện hữu trong tâm trí của bạn? Bạn có muốn bộc bạch về bản thân, tâm sự với rừng không? Nếu lý giải được những câu hỏi trên thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã cho phép bản thân được thả lỏng và gắn kết với "người bạn" mới.
Bên cạnh đó, bạn có thể vẽ tranh, thêu tay, chơi nhạc hay tập yoga… Nơi đây sẽ cho bạn nhiều cảm hứng mới để sáng tạo. Còn nếu bạn là người theo "chủ nghĩa xê dịch", bạn có thể dành nhiều thời gian để đi lang thang trong rừng, tìm hiểu thế giới tự nhiên. Bạn có thể tải xuống ứng dụng PlantNet trên điện thoại để tìm hiểu các loại cây cối thông qua ảnh chụp. Hiện ứng dụng cho phép bạn tải xuống dữ liệu thực vật ở địa phương và sử dụng ngoại tuyến khi đi trong rừng (6).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an