Nếu bạn thiếu thời gian kinh khủng nhưng vẫn cần mẫn ghi thêm việc mới vào lịch, có thể bạn đang rơi vào "bận rộn tối ưu" (optimal busyness) - một trạng thái lợi bất cập hại.
Bạn đã quên mất lần gần nhất ngồi thư thái tâm sự với người thân cũng chẳng thể nhớ nổi lần cuối thong thả xem một tập phim hay đọc một chương sách là khi nào. Bạn chẳng biết bao giờ mình mới có thể gập máy và chợp mắt nghỉ ngơi đôi chút. Thế nhưng, bạn không hề cảm thấy buồn bực mà ngược lại, luôn thấy hừng hực, tràn đầy năng lượng và ham muốn làm việc. Đó là lúc bạn nên nhìn lại tình trạng của mình một cách nghiêm túc.
Trong văn hóa hối hả (hustle culture) hiện nay, bận rộn dần trở thành một dạng địa vị xã hội, một tấm huân chương (1). Bằng chứng là chúng ta thường ấn tượng mạnh và ngưỡng mộ những người suốt ngày đầu tắt mặt tối (2).
Nghe có vẻ là một mong muốn vô lý nhưng cơn "thèm được bận" đã trở thành bản năng của con người. Thay vì ngồi yên nhàn nhã, đa số chúng ta sẽ tìm một cái cớ, thậm chí là một nhiệm vụ nhỏ bé, vô nghĩa để được làm việc (3). Hiểu được điều đó, các doanh nghiệp đã kích thích mong muốn được bận rộn của nhân viên bằng cách tạo ra "luật ngầm", biểu hiện qua hệ thống đánh giá và tuyên dương tấm gương tiêu biểu (4).
Theo quy luật Goldilocks (được đặt tên theo một câu chuyện ngụ ngôn), nhân viên thường thể hiện tốt nhất khi đối diện với thách thức có mức độ khó hơn một chút so với năng lực. Tương tự, khi người nhân viên ấy cảm thấy mức độ kiểm soát thời gian của doanh nghiệp là phù hợp (không nhiều đến nỗi quá tải và không ít đến mức nhàn rỗi) thì họ sẽ đạt được trạng thái "bận rộn tối ưu" và bắt đầu làm việc năng suất cao. Lý tưởng là thế, nhưng bận rộn tối ưu lại có nhiều điểm tương đồng với một "cơn nghiện".
Trong nhất thời, trạng thái này có thể khiến một người cảm thấy mình tràn trề năng lượng và kiểm soát thời gian tốt hơn. Khi "khoảnh khắc" ấy qua đi, nhân viên sẽ lại tìm kiếm sự thăng hoa bằng cách bỏ ra nhiều thời gian của chính mình (5). Kết quả tất yếu là họ làm việc quá sức (6).
Về mặt thể chất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng, làm việc với cường độ cao có thể dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ, các bệnh về tim và thậm chí tử vong (7). Về mặt tinh thần, những ảo tưởng khi bị bận rộn tối ưu sẽ khiến chúng ta mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, căng thẳng kéo dài và nghiêm trọng hơn nữa là dẫn đến "burnout".
Sự bận rộn chỉ thực sự có ích khi nó cho phép bạn duy trì và cải thiện hiệu suất công việc mà không bắt buộc phải đánh đổi thời gian, sức khỏe và các mối quan hệ. Trong trường hợp bạn thấy mình đang có dấu hiệu ôm đồm, hãy cân nhắc một số biện pháp dưới đây để tránh kiệt quệ tinh thần:
Bạn có thể học theo "ông tổ ngành PR" Ivy Lee để quản lý thời gian hiệu quả: liệt kê 6 nhiệm vụ cho mỗi ngày, xếp chúng theo mức độ quan trọng, tập trung thực hiện nhiệm vụ đứng đầu đến khi hoàn thành mới chuyển sang việc kế tiếp (8). Để tiết kiệm công sức, bạn nên cài lịch, ghi danh sách việc cần làm hoặc mang theo sổ tay.
Nếu bạn không giỏi ước lượng thời gian cần thiết để hoàn thành một nhiệm vụ, hãy thử phương pháp của Tổ chức phi lợi nhuận về khoa học hành vi ideas42: Chừa lại một khoảng trống trong lịch để giải quyết những phần việc chưa hoàn thành do có vấn đề phát sinh, tránh để việc tồn đọng ngày này sang tháng khác (9).
Luôn chú ý và ghi chép lại những suy nghĩ, cảm xúc, sức khỏe của bạn trong những tình huống mất kiểm soát để tìm ra yếu tố gây căng thẳng. Khi đã biết nguyên nhân khiến mình stress, bạn có thể tự thiết lập một cơ chế phản ứng phù hợp khi chuyện tương tự xảy ra hoặc dần loại bỏ những tác nhân có hại ấy ra khỏi cuộc sống.
Để tránh áp lực làm việc 24/24 trong thời đại Internet, bạn có thể đặt ra một số nguyên tắc cho bản thân, chẳng hạn như: Không kiểm tra email sau 10 giờ đêm hoặc tắt chuông điện thoại khi ăn tối. Tiếp theo, hãy nói rõ "chế độ ngắt kết nối" này với đồng nghiệp và cấp trên để họ tiện liên lạc.
Nghỉ ngơi có thể cải thiện tâm trạng và tinh thần, cũng như hiệu suất công việc và mức độ tập trung. Giữa những giờ làm việc căng thẳng, bạn có thể dành ra 5 phút giải lao bằng cách nghe nhạc, xem video, tản bộ hoặc đơn giản là ngồi yên tại chỗ để nạp lại "nhiên liệu tinh thần".
Thêm vào đó, hãy sử dụng buổi tối và cuối tuần đúng mục đích của chúng: nghỉ ngơi. Thay vì gõ phím hay họp hành, bạn sẽ được nạp năng lượng khi:
Nếu làm mọi cách nhưng vẫn không thể ngơi tay khỏi công việc, đã đến lúc bạn cần sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, cấp trên, bạn bè, gia đình hoặc chuyên viên tham vấn tâm lý. Thẳng thắn chia sẻ tâm trạng, suy nghĩ của bạn với họ và cùng tìm ra giải pháp tốt nhất. Đừng bao giờ để công việc và cảm xúc tiêu cực cùng lúc dồn ứ trong mình, bạn nhé!
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.