Kết hôn là cột mốc trọng đại trong cuộc đời mỗi người. Bên cạnh các yếu tố tình cảm, gia đình, tài chính... thì thời điểm kết hôn cũng góp phần quyết định hạnh phúc một cuộc hôn nhân. Ít ai muốn phải "đeo gông" vào cổ quá sớm, nhưng cũng nhiều người sợ vì quá "kén cá chọn canh" mà lỡ cơ hội để tìm được người xứng đáng. Vậy đâu mới là thời điểm kết hôn thích hợp? Theo các nhà toán học, quy tắc 37% sẽ giúp chúng ta xác định đúng độ tuổi kết hôn phù hợp để có một cuộc hôn nhân viên mãn.
Quy tắc 37% có nguồn gốc từ các bài toán với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất là bài toán thư ký (secretary problem) do nhà toán học Martin Gardner đề xuất. Bài toán đặt ra như sau:
Mục tiêu là tuyển được người thư ký giỏi nhất từ một nhóm ứng viên có sẵn. Các ứng viên được phỏng vấn lần lượt theo một thứ tự ngẫu nhiên. Quyết định cho mỗi ứng viên phải được đưa ra ngay sau khi phỏng vấn ứng viên đó. Sau khi đã bị từ chối, ứng viên đó sẽ không thể được tuyển. Trong tiến trình phỏng vấn, người quản lý không biết gì về chất lượng của các ứng viên chưa phỏng vấn.
Câu hỏi đặt ra là nên sử dụng chiến thuật nào để tối ưu hóa xác suất tuyển được ứng viên tốt nhất. Các tác giả đã dùng quy tắc 37% cho bài toán này, đây là xác suất tối ưu. Cụ thế, nếu bạn có ba ứng viên, hãy đưa ra quyết định dựa trên năng lực của ứng viên thứ hai. Nếu cô ấy giỏi hơn người đầu tiên, hãy thuê cô ấy, ngược lại thì hãy tiếp tục chờ đợi. Và nếu bạn có năm ứng viên, hãy chờ đến người thứ ba để bắt đầu đánh giá và đưa ra quyết định (1).
Con người có thể dựa vào quy tắc 37% để đưa ra các quyết định quan trọng của cuộc đời như tìm việc, mua nhà hoặc tìm bạn đời... Thời gian tốt nhất để ra quyết định cuối cùng là khi bạn đã xem xét 37% các lựa chọn này. Bởi trong quá trình lựa chọn, 37% là thời điểm mà chúng ta đã thu thập đủ thông tin để đưa ra quyết định mà không cần lãng phí thêm quá nhiều thời để tìm kiếm những lựa chọn khác. Tại cột mốc 37%, con người có thể tối ưu hóa các cơ hội để lựa chọn được phương án tốt nhất (2).
Theo nhà báo Brian Christian và nhà khoa học nhận thức Tom Griffiths, quy tắc 37% có thể giúp chúng ta tiết kiệm thời gian tìm kiếm bạn đời (3). Nếu chúng ta đặt ra độ tuổi kết hôn là trong khoảng 18 - 40 tuổi thì mốc tuổi tối ưu để bắt đầu nghiêm túc quyết định chọn bạn đời tương lai là mốc 37% của 22 năm, tính từ 18 đến 40, tức là năm chúng ta 26 tuổi. Như vậy, đối tượng mà bạn hẹn hò trước năm 26 tuổi có thể chưa phải là tốt nhất để đi đến hôn nhân, và bạn có thể bỏ lỡ những đối tượng chất lượng tốt hơn ở phía trước. Tuy nhiên, sau mốc tuổi này, những lựa chọn tốt sẽ không còn nhiều nữa, cơ hội tìm "nửa kia" xứng đáng sẽ ngày càng ít đi. Đến lúc này, chúng ta dễ đưa ra những quyết định vội vã thiếu cân nhắc, dẫn đến một mối quan hệ không chất lượng như kỳ vọng.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu về hôn nhân cũng chỉ ra rằng 26 tuổi là "điểm ngọt" để có một cuộc hôn nhân thành công.
Nhà xã hội học Nicholas H. Wolfinger của Đại học Utah cũng đã đưa ra nhận định rằng độ tuổi kết hôn tốt nhất, mà có thể hạn chế khả năng ly hôn, là trong khoảng 28 - 32 tuổi, và độ tuổi 26 nằm trong khoảng này (4).
Mặc dù được nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng, quy tắc 37% không thể mang tính tuyệt đối, tức là không hoàn toàn chính xác trong mọi trường hợp. Không phải ai cũng muốn kết hôn trong khoảng 18 - 40 tuổi, mà mỗi người sẽ mong muốn một khoảng thời gian khác nhau để tìm kiếm "nửa kia" của mình.
Có những người chỉ sẵn sàng nghĩ đến hôn nhân khi đã hoàn thành bậc đại học, khi đó độ tuổi kết hôn của họ sẽ là 22 - 40 tuổi. Lúc này, quy tắc 37% sẽ đưa ra kết quả là 28 hoặc 29 tuổi. Trong một số trường hợp khác, nếu chúng ta chỉ hẹn hò một người từ năm 18 tuổi tới năm 26 tuổi thì các lựa chọn của chúng ta sẽ bị giới hạn, nhưng điều này cũng không thể dẫn đến kết luận rằng người đó là lựa chọn tốt hay xấu.
Thực tế thì quy tắc 37% chỉ cho chúng ta biết rằng 26 là độ tuổi hợp lý để đưa ra quyết định hẹn hò. Đó là thời điểm chúng ta đủ chững chạc, với nền tảng cuộc sống vững vàng để thực hiện những bước ngoặt trong cuộc đời. Tuy nhiên, thực tế là những gì chúng ta tìm kiếm và kỳ vọng ở người bạn đời của mình có thể thay đổi, chẳng hạn như tới một lúc nào đó, một trong hai người không còn ham tới chốn đông người như trước nữa. Do đó, mọi sự lựa chọn chỉ mang tính tương đối, không gì có thể đảm bảo lựa chọn năm 26 tuổi có thể khiến bạn thỏa mãn suốt quãng đời còn lại.
Mời độc giả tham khảo thêm một số bài đọc cùng chủ đề, đã được đăng tải trên LeLa Journal:
"Tứ kỵ sĩ Khải Huyền" trong tình cảm: 4 nguyên nhân chính khiến mối quan hệ đổ vỡ
Yêu nhau sau 36 câu hỏi: Sự thật hay lời đồn thổi?
"Hôn nhân là mồ chôn tình yêu": Liệu có đúng dưới góc nhìn tâm lý học?
Vì sao ngày càng nhiều người muốn ly hôn ở tuổi "xế chiều"?
90% cặp đôi hạnh phúc đến "răng long đầu bạc" đều có chung 7 đặc điểm này
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.