Giận dữ cũng chỉ là một cảm xúc không thể thiếu của con người. Mỗi người có thể thể hiện sự tức giận theo nhiều cách khác nhau. Có người nổi trận lôi đình, có người thì âm thầm chịu đựng, còn có người thì lại tự oán trách chính mình... Trước những cách trạng thái giận dữ khác nhau như thế, LeLa Journal gửi tới độc giả bài viết về 9 loại tức giận phổ biến để bạn dễ nhận biết những trạng thái và lý do "nổi nóng" của bạn và những người xung quanh nhé.
Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), tức giận là một cảm xúc bình thường mà mọi người đều phải trải qua (1). Sự tức giận có thể đi từ khó chịu nhẹ đến những cơn giận dữ nghiêm trọng. Nó có thể khởi điểm từ những nguyên nhân như con người, sự kiện, đồ vật, tình huống, cảm xúc hoặc một ký ức tồi tệ.
Cụ thể hơn, theo định nghĩa của APA, tức giận là một cảm xúc gồm sự căng thẳng và thù địch, phát sinh từ (a) tâm trạng thất vọng-tuyệt vọng, (b) việc bị người khác làm tổn thương, dù là trong thực tế hay suy tưởng hoặc (c) việc nhận thức được hay phải trực tiếp chịu đựng sự bất công (2). Biểu hiện của cơn tức giận có thể là hành vi với mục đích loại bỏ đối tượng/nguồn cơn của cơn tức giận (như là hành động) hoặc để giải tỏa cảm xúc (như là chửi thề) (2).
Có khoảng 9 kiểu hình tức giận phổ biến mà chúng ta thường gặp trong đời sống, ở mọi khía cạnh như trong cộng đồng xã hội, gia đình, nơi công sở, hẹn hò... Thông qua việc thông hiểu 9 kiểu tức giận này, chúng ta có thể thấu hiểu và cảm thông cho nhau hơn.
Tức giận thụ động là khi bạn tỏ ra bất mãn, tức giận hay căm phẫn mà không để bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài. Thay vì trực tiếp thể hiện cảm xúc của mình, những người có xu hướng giận thụ động thường giữ những suy nghĩ tiêu cực và giận dữ trong lòng.
Sự tức giận có thể được tích tụ và "nung nấu" trong bạn mà bạn không hay biết. Hãy chỉ "giận" chứ đừng mãi "giữ" những cảm xúc đó.
Rất nhiều người trong chúng ta đã được "rèn giũa" từ nhỏ rằng mình phải ngoan ngoãn, hiểu chuyện, không được khóc lóc, mè nheo... Khi lớn lên, chúng ta lại có xu hướng trốn tránh những bất đồng trong cuộc sống của mình vì sự "dĩ hòa di quý". Thế nhưng, đây không phải một cách lành mạnh để xử lý cơn tức giận, vì nó gây tổn thương lớn tới sức khỏe tinh thần của bạn. Cơn giận "hướng nội" này có thể dẫn đến sự trầm cảm, các vấn đề về tim mạch và làm suy yếu hệ thống miễn dịch (3).
Tiến sĩ David Klemanski, nhà tâm lý học tại Đại học Y dược Yale, đã gợi ý rằng: Thay vì kìm nén, bạn hãy thể hiện những gì bạn đang cảm thấy, bắt đầu bằng việc thừa nhận sự tức giận của bạn ("mình đang tức giận") để có thể tiến về phía trước. Hiểu thêm về các kỹ năng để tìm hiểu về cảm xúc cá nhân và xác định các yếu tố kích hoạt cảm xúc. Gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần có thể giúp bạn đối phó với nó tốt hơn (4).
Nếu bạn không thể buông bỏ cơn giận của mình và từ chối tha thứ thì đây được xem như một hình thức trả đũa. Giống như việc muốn trả thù một người đã xúc phạm bạn cho dù đối phương thậm chí đã quên đi cuộc cãi vã và không quan tâm đến những gì đã xảy ra.
Đối với người đang cảm thấy tức giận, việc buông bỏ cũng giống như thua cuộc và thừa nhận rằng mình sai. Tiến sĩ Tâm lý học Peter Andrew Sacco cho rằng khi rơi vào trường hợp này, người đang tức giận coi trọng cái tôi và sự đúng đắn của bản thân hơn cả mối quan hệ bạn bè (5).
Như vậy, nếu vì muốn trả đũa thì việc tiếp tục giận dữ sẽ mang lại lợi ích gì? Sự trả đũa sẽ cải thiện tình hình hay chỉ làm xấu đi mối quan hệ? Đây là những câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra cho bản thân trước khi lao vào ngọn lửa giận dữ vẫn đang "bùng lên" trong lòng.
Khi được giao một nhiệm vụ mà bạn không muốn làm, bạn tỏ ra đồng ý (thậm chí rất nhiệt tình) trong khi bạn vốn không muốn làm việc đó nhưng lại không dám hoặc không thể từ chối. Hoặc là, khi bạn đang buồn, mọi người hỏi thăm thì bạn phớt lờ và nói "không có gì" vì không dám biểu lộ quá nhiều cảm xúc. Đó đều là những biểu hiện của sự hung hăng thụ động (passive-aggressive).
Nói một cách đơn giản, hung hăng thụ động gồm những hành vi gián tiếp, thường xuất phát từ cảm xúc tiêu cực mà cá nhân gặp khó khăn khi trực tiếp hoặc công khai bày tỏ với người khác (6). Những người hung hăng thụ động thường giấu đi sự tức giận của họ. Họ nói một đằng làm một nẻo, họ không cho thấy họ đang nổi giận (5).
Sự tức giận do hung hăng thụ động có khá nhiều điểm tương đồng với hai kiểu hình tức giận kể trên. Cũng tương tự như vậy, bạn hãy thử đối mặt và thừa nhận về cảm xúc của bản thân, từ đó cải thiện kỹ năng giao tiếp, khám phá nỗi sợ đối đầu, thực hành thư giãn. Nếu bạn thấy mình vẫn gặp khó khăn, hãy sẵn sàng tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia trị liệu để hỗ trợ bạn trong việc giải quyết vấn đề.
Việc nhắn tin là một dạng tương tác "song phương" trực tuyến vô cùng thú vị, nhưng không chỉ là tạo cảm hứng cho bạn, nó còn có thể làm bạn bức xúc vô cùng. Chẳng hạn, bạn đi những tin nhắn dài với đầy đủ nội dung chủ ngữ vị ngữ, một tin nhắn mà bạn đã mất thời gian để soạn thảo, nhưng đối phương đáp lại bằng câu trả lời "cụt lủn" như "ok", "ừ", "hmm"... thì điều đó dễ khiến bạn quay cuồng và bực bội.
Bạn dễ tổn thương, hụt hẫng và nghĩ rằng mình không được tôn trọng. Tâm trạng đó kéo dài khiến bạn trở nên cáu kỉnh tức giận.
Nhưng sẽ thế nào nếu người kia đang lái xe hoặc có cuộc họp, cuộc hẹn quan trọng... và chỉ có thể dành ra vài giây để trả lời bạn. Trong những trường hợp này, hãy cố chờ tới lần nhắn tin tiếp theo để tìm hiểu nguyên nhân. Tâm trạng của bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi được "chính chủ" giải thích lý do cụ thể.
Bên cạnh dạng tương tác qua tin nhắn thì ngày nay, việc sử dụng mạng xã hội cũng là một hình thức tương tác phổ biến khác. Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên nhất là kết quả từ một nghiên cứu tại Đại học Beihang ở Trung Quốc đã cho thấy rằng tức giận là cảm xúc lan truyền nhiều nhất trên Internet, tức là người dùng thường chia sẻ hoặc đồng cảm với cảm xúc tức giận nhiều hơn niềm vui hay nỗi buồn (7).
Liệu có khi nào bạn chứng kiến hoặc trực tiếp trải nghiệm hành vi "cào bằng" bàn phím vì quá tức giận với một điều đang "diễn ra" trên mạng? Tâm lý này cũng đã từng được LeLa Journal nhắc tới trong bài Từ vụ nổ tàu lặn Titan, nghĩ về hiện tượng tâm lý "Schadenfreude: Cười trên nỗi đau người khác"
Khi bị cuốn vào mạng xã hội, nhiều người biến nó trở thành nơi chứa đựng sự tức giận (5). Bởi lẽ, tương tác trực tuyến là cách mà chúng ta có thể "ẩn danh", từ đó mọi người cảm thấy tự do hơn để nói hoặc làm những điều mà bình thường họ sẽ không làm. Nhận xét hoặc phản hồi của chúng ta cũng sẽ có xu hướng bột phát mà không có chọn lọc, bạn cũng không quan tâm đến hậu quả của nó (5).
Hãy thử viết ra mọi thứ khiến bạn tức giận. Sự tức giận sẽ chuyển sang mảnh giấy và bạn không cần phải làm tổn thương người khác hay chính mình bằng những tin nhắn bình luận. Viết nhật ký giúp ích rất nhiều khi bình tĩnh bạn có thể đọc lại nó và nhận ra mình tức giận từ những việc không đáng.
Đối với một số người, tức giận đã trở thành một thói quen. Họ có thể thường xuyên cảm thấy tức giận, thất vọng và khó chịu trong nhiều tình huống. Biểu hiện của điều này là hành vi cằn nhằn và tỏ rõ sự cáu kỉnh. Loại tức giận này có thể gây ra vô số tác động bất lợi cho sức khỏe thân-tâm của một người.
Mời độc giả tham khảo về bài viết cùng chủ đề, đã được đăng tải trên LeLa Journal như sau: Bật mí về gen MAOA: Con người phạm tội là do bản năng tự nhiên hay từ cách nuôi dạy?
Những người có thói quen tức giận thường tin rằng mọi người cố tình gây hấn với họ. Một biểu hiện và cũng là hậu quả phổ biến cho kiểu tức giận này là xu hướng có thiên kiến quy kết thù địch (hostile attributional bias), khi một người suy luận ý định thù địch từ người khác dựa trên những hành vi mơ hồ từ họ (8).
Chẳng hạn, bạn thấy một người đang cau mày khi nhìn bạn và ngay lập tức quy kết rằng người đó đang có vấn đề với bạn. Khi trò chuyện với người đó, bạn luôn cư xử với thái độ giận dữ, như thể giữa hai người có khúc mắc. Kết quả là hai người trở nên thực sự có khúc mắc trong cách hành xử với nhau.
Vì vậy, thay vì cứ phải nghĩ tới người khác, hãy dành thời gian nhiều thời gian cho bản thân hơn để suy ngẫm về những nguyên nhân khiến bạn tức giận. Đặc biệt, trong trường hợp bạn thường xuyên cảm thấy tức giận, hãy tìm tới sự hỗ trợ của chuyên gia chân chính. Nếu có thể xác định được gốc rễ vấn đề, bạn có thể giải quyết được xung đột vốn đã tồn tại nội tâm từ lâu.
Trong mỗi cuộc trò chuyện, một số người luôn cố tìm ra lỗi của người khác để giành chiến thắng về cho bản thân. Thay vì để mình trở thành nạn nhân, họ chọn "tấn công" trước. Họ hạ thấp hoặc từ chối người khác trước khi mọi người kịp phản ứng. Thậm chí, họ còn chủ động, dù là vô tình hay cố ý, tạo ra xung đột hoặc kích động cuộc tranh cãi có lợi cho bản thân, có thể là để thể hiện sự thông minh và đúng đắn của mình trước mọi người.
Bên cạnh việc tìm tới chuyên gia, hãy thử nói chuyện với một người mà bạn thực sự tin tưởng, chia sẻ cho họ về cảm giác của bạn.
Khi được thể hiện qua hành vi, sự tức giận vượt qua ranh giới từ cảm xúc sang hành động thể chất. Người tức giận có một số xu hướng như đập tường, ném đồ vật, hoặc tệ hơn là đánh người khác. Ví dụ, kẹt xe khiến một người liên tục bấm còi và đập vô lăng, hoặc căn nhà bừa bộn khiến một người chửi bới, la hét...
Khi bạn cảm thấy cơn giận của mình dâng cao, hãy cố tách bản thân ra khỏi tình huống đó để cân bằng cảm xúc. Bạn có thể thực hành các bài tập hít thở sâu để giúp bản thân bình tĩnh lại, chạy bộ hoặc đi bộ để hạ nhiệt. Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) có thể rất hiệu quả trong việc giúp đỡ những người mắc chứng tức giận về hành vi (9).
Khi nói đến niềm tin tôn giáo, chính trị... chúng ta luôn có xu hướng cho rằng mình đúng. Khi mọi người không có cùng suy nghĩ hoặc niềm tin với bạn, bạn dễ dàng thấy mình ở thế đối đầu với họ và sẵn sàng "lao vào" xung đột để bảo vệ niềm tin cá nhân.
Tiến sĩ Sacco còn cho rằng việc chúng ta bảo vệ đức tin của bản thân là điều hiển nhiên, nhưng niềm tin của một người đúng không có nghĩa niềm tin của người khác là sai. Mỗi người là mỗi cá thể với suy nghĩ và lựa chọn khác biệt (5).
Trên đây chỉ là 9 kiểu tức giận thường thấy trong cuộc sống, nhưng sự tức giận, cũng như những cảm xúc khác của con người, là vô cùng phức tạp, xét trong các tình huống với các cá nhân khác nhau.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.