Trưởng thành (maturity) là một tiến trình mang tính cá nhân mà bất kỳ ai cũng phải trải qua. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có nhịp độ khác nhau và những ưu tiên phát triển khác nhau về tài chính, tâm hồn, tính cách hoặc về các mối quan hệ trong gia đình. Liệu có một tiêu chuẩn nào để xác định xem ai đó đã trưởng thành hay không? Quan niệm rằng có công việc ổn định ngay từ thời sinh viên hoặc thành danh nổi tiếng khi còn trẻ có phải là minh chứng cho sự trưởng thành hơn so với bạn bè đồng trang lứa? Vậy, đâu mới là cái nhìn khách quan về khái niệm "trưởng thành"?
Trưởng thành là khái niệm thuộc về Tâm lý học Phát triển - một cách tiếp cận khoa học nhằm giải thích sự thay đổi và tính nhất quán trong suốt vòng đời của con người thông qua nghiên cứu cách suy nghĩ, cảm xúc và hành vi (1).
Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) định nghĩa trưởng thành là một trạng thái tăng trưởng hoặc phát triển toàn diện ở người lớn (adulthood) (2).
Trong đó, người lớn (adulthood) là một giai đoạn phát triển của con người kéo dài từ những năm 20 tuổi cho đến cuối đời, họ đạt được sự tăng trưởng đầy đủ về thể chất và xảy ra một số thay đổi nhất định về sinh học, nhận thức cũng như tương quan xã hội. Các yếu tố này tác động qua lại lẫn nhau và ảnh hưởng đến tiến trình trưởng thành theo mô hình dưới đây.
Xuất phát từ ba yếu tố trên, sự trưởng thành toàn diện của con người được cấu thành từ ba thành phần nhỏ hơn bao gồm sự trưởng thành về sinh học, sự trưởng thành về nhận thức và sự trưởng thành trong các tương quan xã hội:
Khi nhắc đến khái niệm sự trưởng thành, không thể không nhắc đến Jean Piaget, nhà tâm lý học về trẻ em nổi tiếng ở Việt Nam qua những đầu sách viết về trí thông minh, sự xây dựng "cái thực" và tiến trình hình thành biểu tượng ở trẻ em. Kế thừa và phát triển các học thuyết của ông là Giáo sư, nhà Tâm lý học Robert Kegan - người đưa ra lý thuyết nổi tiếng về sự trưởng thành trong tương tác xã hội qua tác phẩm The Evolving Self: Problem and Process in Human Development (tạm dịch: Bản ngã tiến hóa: Vấn đề và tiến trình phát triển con người).
Theo ông thì trưởng thành là một tiến trình bắt đầu từ khi chúng ta là một đứa trẻ cho đến lớn lên, và nó luôn có sự xung đột giữa cá nhân và môi trường. Qua những xung đột đó, chúng ta sẽ dần dần phát triển những đánh giá khách quan và chính xác hơn về thế giới nơi mà chúng đang sống. Tiến trình này được thể hiện qua 6 giai đoạn đó là:
1. Hợp nhất (Incorporative): Đây là giai đoạn bắt gặp ở trẻ sơ sinh, khi trẻ không có ý thức về bản thân, chỉ có những trải nghiệm cảm giác và do đó, nhận thức về xã hội dường như không tồn tại.
2. Bốc đồng (Impulsive): Bắt gặp ở trẻ sơ sinh và mới biết đi, lúc này trẻ bị thúc đẩy bởi những tác động từ môi trường bên ngoài nhưng không nhận thức được người khác là những cá nhân riêng biệt.
Ví dụ: Ý thức về bản thân ở giai đoạn này của cuộc đời sẽ thoải mái khi nói những câu như "chán", "đói" mà không phải quan tâm đến sự phản ứng xung quanh. Mặc dù bây giờ các em bé đã nhận thức được rằng chúng có thể hành động để đáp ứng nhu cầu, nhưng chúng vẫn chưa hiểu rõ rằng những người khác tồn tại độc lập.
3. Vị kỷ (Imperial): Thường diễn ra với trẻ thanh thiếu niên trong khoảng từ 3 đến 11 tuổi. Lúc này trẻ nhận ra nhu cầu là của chính mình là điều trên hết. Giống như một "bậc đế vương nhỏ" (imperial), chúng đã bắt đầu nhận thức được rằng có nhiều cách để thoả mãn nhu cầu của bản thân.
Ví dụ: Trẻ đã bắt đầu biết nói dối để tránh bị quở phạt, để nhận được phần thưởng hoặc dành nhiều sự ưu ái và quan tâm cho những ai đáp ứng nhu cầu của chúng…
4. Liên cá nhân (Interpersonal): Bắt gặp nhiều ở giai đoạn vị thành niên cho đến tuổi trưởng thành (12 đến 20). Đây là thời điểm đầu tiên khi trẻ vị thành niên hiểu rằng những người khác trên thế giới cũng có nhu cầu riêng của họ. Chính sự hiểu biết này là tiền đề cho một bước nhảy vọt trong sự phát triển về tương tác xã hội. Khác với giai đoạn trước, giờ đây trẻ vị thành niên đã nhận ra chúng không thể thỏa mãn nhu cầu của bản thân như cũ, mà phải thông qua những nhu cầu của mình và người khác để phối hợp và hoạt động. Điều này làm nảy sinh tương tác nhiều hơn với những người khác, qua đó, sự xã hội hóa được hình thành.
Nhưng chúng có thể gặp bối rối vì chưa có nguyên tắc để xác định xem nhu cầu nào là quan trọng nhất – nhu cầu của chính mình hay người khác. Do đó, một số người sẽ tập trung vào những nhu cầu của bản thân, một số người lại ưu tiên nhu cầu của người xung quanh và nhóm còn lại sẽ luân phiên chuyển đổi giữa hai nhu cầu này.
5. Tổ chức (Institutional): Khi ý thức về bản thân của đứa trẻ tiếp tục phát triển, đến một lúc nào đó, đứa trẻ sẽ nhận thức được rằng có thể thiết lập một nguyên tắc hướng dẫn giúp xác định nhóm nhu cầu nào sẽ được ưu tiên trong những trường hợp cụ thể.
Đây là thời điểm đầu tiên mà đứa trẻ trên hành trình trưởng thành (hoặc người lớn) cam kết với những ý tưởng, niềm tin và nguyên tắc lớn hơn và lâu dài hơn so với những ý tưởng bất chợt và nỗi sợ hãi thoáng qua.
Ví dụ: "Tôi là một người trung thực. Tôi cố gắng công bằng. Tôi cố gắng trở nên dũng cảm" là những điều mà một người ở giai đoạn này bắt đầu tự nói với bản thân. Các giá trị, quy tắc vàng bắt đầu trở thành công cụ để hướng dẫn chúng ta trở thành một thành viên chuẩn mực trong xã hội. Hơn nữa, trẻ em (hoặc người lớn) đạt được mức độ trưởng thành về mặt xã hội này sẽ hiểu được sự cần thiết của luật pháp và các quy tắc đạo đức có tác dụng điều chỉnh hành vi của mọi người. Những cá nhân ít trưởng thành hơn về mặt xã hội sẽ không hiểu tại sao những điều này lại quan trọng và đơn giản bỏ qua khi chúng gây bất tiện.
6. Interindividual (tạm dịch là liên thể): Thấu hiểu các hệ giá trị và quan điểm đa dạng, phức tạp trong xã hội. Đây là giai đoạn phát triển cuối cùng của sự trưởng thành theo học thuyết của Kegan. Thay vì cố gắng trung thực như đã kể trên, chúng ta đã biết có nhiều cách để "trung thực" và biết sự trung thực nào có tính xây dựng, sự trung thực nào là cực đoan.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Thanh Niên, khi được hỏi về những cách để giải tỏa stress, thì liệu với cương vị Hoa hậu và cũng là một Gen Z thì Hoa Hậu Huỳnh Trần Ý Nhi có muốn thử những thú tiêu khiển như “lên pub, lên bar” không? Ý Nhi trả lời khá dài, trong đó có một đoạn rằng:
Để có thể rèn bản thân vào một khuôn khổ nhất định và trở thành một hình mẫu lý tưởng, đôi khi những sở thích, mong muốn và suy nghĩ của mình không thể thực hiện được. Thay vì những gì mình muốn làm, thì phải làm những việc mang lại nhiều giá trị hơn nữa. Thay vì giới trẻ, bạn bè đồng trang lứa với em dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa và đi cà phê với bạn bè thì em đã tham gia cuộc thi hoa hậu, em đã trưởng thành hơn các bạn. Các bạn đang là sinh viên, hoặc là sinh viên vừa đi làm vừa đi học thì em đã là một hoa hậu rồi. Khi đã có trọng trách thì em phải giữ mình hơn để phù hợp với cương vị của bản thân (6).
Phát ngôn này sau đó đã bị cộng đồng mạng cắt ngắn để chia sẻ trên mạng xã hội và trở thành chủ đề bàn tán của dư luận. Vậy, câu hỏi đặt ra là độc giả thấy Hoa hậu Ý Nhi đang ở trong giai đoạn trưởng thành nào theo lý thuyết về sự trưởng thành xã hội? Câu trả lời của người viết sẽ được làm rõ trong phần cuối của bài viết này.
Bạn thấy rằng Hoa hậu Ý Nhi đang ở trong giai đoạn nào theo lý thuyết về sự trưởng thành xã hội?
Theo như định nghĩa và các phân tích trên, sự trưởng thành của con người là một trạng thái phát triển hoàn chỉnh mà giai đoạn này thì lại kéo dài rất lâu, từ 20 tuổi cho đến cuối đời, ý thức được điều này sẽ là một bước tiến để chúng ta trau dồi và phát triển bản thân. Ngoài ra, trưởng thành còn là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố, từ sinh học, nhận thức, xã hội, và một số khía cạnh khác được nhắc đến như trưởng thành về mặt cảm xúc, trí tuệ…
Trong ví dụ kể trên, theo người viết, Hoa hậu Thế giới Việt Nam năm 2023 đang ở trong giai đoạn thứ 4 và chuẩn bị lên giai đoạn thứ 5 của tiến trình trưởng thành về mặt xã hội. Bởi cô có những nhu cầu cá nhân rõ ràng thông qua việc hướng đến mục tiêu trở thành một "hình mẫu lý tưởng" về sắc đẹp cho mọi người. Điều này không sai và không có gì để chê trách, tuy nhiên, việc cho rằng mục tiêu và kết quả nỗ lực của bản thân là biểu hiện của việc trưởng thành hơn bạn bè đồng trang lứa đã thể hiện một điều là cô đang bị mập mờ về khái niệm trưởng thành. Nhưng cô hoàn toàn có tiềm năng để tiến tới giai đoạn thứ 5 qua những trải nghiệm sâu sắc với cộng đồng mạng thời gian vừa qua - một yếu tố mang tính xung đột mà Giáo sư Kegan gọi là "chất xúc tác" cho tiến trình trưởng thành.
Trưởng thành là một tiến trình kéo dài suốt cuộc đời của con người, mỗi chúng ta có hoàn cảnh và những ưu tiên khác nhau để lựa chọn phương hướng phát triển của bản thân. Vậy nên, nếu nhận ra những thiếu sót của chính mình cũng người khác để cảm thông và thấu hiểu cho họ thì chính chúng ta, đang hướng đến giai đoạn trưởng thành cuối cùng là Interindividual.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.