Mặc dù tình trạng sức khỏe là điều không thể thay đổi một sớm một chiều, nhưng những hành động nhỏ như uống đủ nước, ngủ đủ giấc vẫn góp phần giúp bạn có một cuộc sống tích cực, lành mạnh hơn.
Theo thống kê, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc các bệnh tâm thần thường gặp là 14,9% dân số (nghĩa là có gần 15 triệu người đang mắc bệnh). Đa số mọi người cho rằng rối loạn tâm thần chỉ bao gồm chứng tâm thần phân liệt, nhưng thực tế thì tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% dân số, còn trầm cảm và rối loạn lo âu chiếm tỷ lệ cao lên đến 5,4%, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như: chậm phát triển (0,63%), mất trí tuổi già (0,88%), rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên (0,9%), lạm dụng rượu (5,3%), ma túy (0,3%)...
Ở trẻ em, các vấn đề về sức khỏe tinh thần chiếm khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tại Hoa Kỳ (CDC) ước tính rằng cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người gặp phải ít nhất một vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhưng chỉ 37% trong số họ thực sự tìm cách điều trị (1).
Nhà trị liệu Bisma Anwa đến từ Đại học Columbia nhận định: "Sức khỏe tinh thần là thứ ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và ngủ nghỉ của chúng ta. Ngoài ra, nó cũng liên quan nhiều đến sức khỏe thể chất. Khi tinh thần của bạn tốt, nó sẽ thúc đẩy bản thân tìm đến lối sống tích cực và những điều mới mẻ, thú vị. Khi khả năng tự chăm sóc bản thân cao, sức khỏe của chúng ta cũng trở nên tốt hơn. Và ngược lại, nếu bạn trở nên lo lắng, suy sụp thì thể chất cũng dễ bị ảnh hưởng".
Duy trì sức khỏe và cải thiện tình trạng tinh thần là điều rất quan trọng để ổn định hành vi, cảm xúc và suy nghĩ. Thông qua việc tập trung chăm sóc sức khỏe tinh thần, chúng ta có thể tăng năng suất làm việc, xây dựng bản thân trở nên tốt hơn và cải thiện các mối quan hệ của mình với mọi người xung quanh.
Nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần không chỉ cải thiện các hoạt động thường ngày mà còn giúp chúng ta kiểm soát một số vấn đề thể chất liên quan trực tiếp đến tinh thần. Ví dụ, bệnh tim và triệu chứng căng thẳng thần kinh có liên quan với nhau, vì vậy việc kiểm soát mức độ căng thẳng sẽ có kết quả tích cực đối với bệnh tim (2).
Công bố vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 trên Journal of Affective Disorders, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Y Penn State (Hoa Kỳ) cho biết rằng nấm là loại thực vật có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần như lo lắng, rối loạn lo âu, trầm cảm (3).
Sự hiện diện của ergothioneine (một chất chống oxy hóa) có trong nấm tươi có tác dụng chống lại các tổn thương ở mô và tế bào. Khi nồng độ ergothioneine cao, chúng có khả năng chống viêm, đẩy lùi sự lo lắng, ngăn ngừa tình trạng căng thẳng đến từ quá trình oxy hóa gây tổn hại cho protein, màng tế bào và DNA của tế bào (bao gồm cả tinh trùng).
Tiến sĩ Aleksey Makarin của trường Đại học MIT chia sẻ với truyền thông rằng: “Có hàng trăm bài báo trình bày mối tương quan giữa mạng xã hội và hạnh phúc. Những người sử dụng mạng xã hội nhiều có thể trở nên trầm cảm, hoặc ngược lại, những người bị trầm cảm có thể hoạt động tích cực hơn trên mạng xã hội" (4).
Makarin đã cùng với các đồng nghiệp như Luca Braghieri (đến từ Đại học Bocconi) và Ro'ee Levy (Đại học Tel Aviv) chứng minh khẳng định trên bằng cách nghiên cứu và triển khai bảng đánh giá từ 430.000 sinh viên các trường đại học trên toàn nước Mỹ. Cuộc khảo sát cũng xem xét các khía cạnh khác của sức khỏe sinh viên, như thói quen sử dụng chất gây nghiện và tập thể dục. Cuối cùng, họ đưa ra kết luận:
Việc truy cập vào mạng xã hội khiến cho căn bệnh trầm cảm nặng hơn 7% và rối loạn lo âu tăng thêm 20%. Ngoài kết quả này, tỷ lệ lớn sinh viên cho biết rằng việc thường xuyên sống trong thế giới ảo khiến họ gián đoạn và trì hoãn giấc ngủ. Tổng cộng, tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với sức khỏe tinh thần dường như bằng khoảng 20% mức độ mà những người mất việc phải trải qua (5).
Thế nên, thay vì chìm đắm vào mạng xã hội, hãy ra ngoài, tìm hiểu về kết nối với mọi người xung quanh. Một mối quan hệ tích cực, lành mạnh và hiện hữu sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn nhiều.
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và khả năng cảm thụ hạnh phúc trong suốt cuộc đời của chúng ta. Tinh thần có tốt hay không sẽ phụ thuộc một phần vào những gì xảy ra khi ngủ. Vì khi đó, cơ thể của bạn cũng đang làm việc để hỗ trợ nuôi dưỡng chức năng của não bộ cũng như duy trì sức khỏe thể chất.
Các nhà khoa học cho biết thời điểm lý tưởng để đi ngủ là từ 10 - 11 giờ tối (6). Phát hiện này được công bố vào năm 2021 bởi tiến sĩ David Plans. Ông cũng cho biết trong suốt 6 năm nghiên cứu về thời gian ngủ thì tỷ lệ các biến chứng tim mạch như đau tim hoặc đột quỵ xảy ra thấp nhất (bất kể yếu tố như tuổi tác, giới tính, chất lượng giấc ngủ). Những người đi ngủ sau thời điểm lý tưởng (tức là vào khoảng từ 11 giờ tối - 11 giờ 59 phút) sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 12%, còn người ngủ muộn hơn (sau 12 giờ khuya) càng có rủi ro tăng lên 25%. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy đi ngủ trước 10 giờ tối cũng làm tăng 24% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu khác từ Hiệp hội tim mạch châu Âu nói rằng giờ nghỉ trưa cũng quan trọng không kém giấc ngủ chính vào buổi tối. Nhưng không nên ngủ trưa lâu hơn 60 phút, vì chúng sẽ làm tăng 30% nguy cơ tử vong và 34% mắc bệnh tim mạch so với những người ngủ trong khoảng thời gian 15 - 28 phút.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Edith Cowan ở Úc cho biết, căng thẳng mãn tính làm tăng nguy cơ mắc các hội chứng lo lắng, trầm cảm, bệnh về tiêu hóa, bệnh tim mạch, các vấn đề về giấc ngủ, tăng cân và đau cơ.
Bổ sung ít nhất 470g trái cây hoặc rau quả mỗi ngày có thể đẩy lùi các bệnh liên quan tới sức khỏe tinh thần (7). Bên cạnh việc chứa nhiều chất xơ, trái cây và rau quả còn là nguồn cung cấp dồi dào vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, tất cả đều có thể làm giảm viêm và stress, những vấn đề được cho là dẫn đến việc gia tăng căng thẳng và lo lắng.
Theo kiến nghị từ Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia, mỗi ngày phụ nữ nên uống từ 2,7 lít (hoặc 11 cốc nước) và nam giới là 3,7 lít nước (hoặc 16 cốc) (8). Lượng nước yêu cầu đã bao gồm thực phẩm và các loại đồ uống nguyên chất, giàu chất dinh dưỡng như: trà, cà phê, nước dừa…
Theo nghiên cứu trình bày tại Đại hội Tim mạch châu Âu năm 2021, uống đủ nước có thể làm giảm nguy cơ suy tim trong 25 năm sau, làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn những biến chứng gây suy tim.
Theo báo cáo, natri huyết thanh là thước đo chính xác nhất về tình trạng hấp thụ chất lỏng của cơ thể. Ở người uống quá ít nước, nồng độ natri huyết thanh tăng lên. Khi cơ thể cố gắng tiết kiệm nước sẽ kích hoạt quá trình này, góp phần vào sự phát triển của chứng suy tim (9).
Hiện nay, xu hướng làm việc tại nhà (work from home) ngày càng được ưa chuộng nên hầu hết mọi người đều không có nhiều thời gian để vận động. Theo nhiều nghiên cứu gần đây của Mỹ, lối sống thụ động, ít đi lại, không dành nhiều thời gian cho các hoạt động thể dục thể thao khiến nhiều người trong chúng ta lo lắng, căng thẳng và cô đơn hơn.
Tuy vậy, điều này không có nghĩa là ngồi liên tục trong thời gian dài góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm. Các nhà khoa học chỉ muốn khuyên bạn nên có thời gian nghỉ giải lao phù hợp thay vì ngồi lì trước máy tính. Một chút hoạt động thư giãn tay chân nhẹ nhàng trong giờ nghỉ trưa hoặc đi bộ để mua bữa ăn xế cũng có thể cải thiện phần nào tâm trạng và sức khỏe tinh thần. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm kiếm thời điểm tập thể dục hợp lý trong ngày để sức khỏe được tốt hơn nhé.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sức Khỏe?
Thông tin khoa học về các chế độ dinh dưỡng thiết thực. Kiến thức y học cần biết và cần thiết trong đời sống hằng ngày. Hướng dẫn thực hành Yoga, Thiền, Fitness và những kiến thức giúp bạn có một đời sống thể trạng lẫn tâm trạng bình an