Tiếp nối bài trước về vấn đề bi kịch hóa nơi công sở, trong bài viết này, LeLa Journal sẽ tìm hiểu thêm về khía cạnh khác của hành vi tâm lý này, gồm những dấu hiệu dễ nhận biết khi ai đó bi kịch hóa mọi vấn đề trong mối quan hệ.
Đây là một trong những dấu hiệu lớn và dễ nhận thấy nhất của người bi kịch hóa vấn đề trong mối quan hệ. Những lời "dự báo" tiêu cực sẽ luôn quanh quẩn trong đầu bạn và ngày càng được "xào nấu điêu luyện" hơn chứ không thuyên giảm đi chút nào. Khi mọi thứ xảy ra tệ như dự đoán, bạn lại cảm thấy... thỏa mãn.
Điều này vô hình trung tiếp sức cho bạn "hiện thực hóa" sự tiêu cực ấy. Cũng từ đó, bạn tăng niềm tin vào khả năng "tiên đoán" của mình (1).
Nhiều người có thể cho rằng suy nghĩ quá nhiều là biểu hiện quan tâm bình thường khi yêu. Nhưng trên thực tế, việc suy nghĩ chỉ lành mạnh khi nó không khiến bạn hoặc nửa kia bị căng thẳng kéo dài. Nếu bạn chỉ lo lắng mà không thể lý giải với dẫn chứng nào cụ thể và xác thực, đó có thể là dấu hiệu của việc suy nghĩ tiêu cực quá mức.
Theo chuyên gia tư vấn hẹn hò Matthew Hussey, vấn đề không nằm ở tương lai ra sao, mà là bạn sẽ làm gì với nó. (Video tiếng Anh).
Thay vì chỉ lo lắng và mong đợi, hãy tập trung vào chính mình. Chẳng hạn, một điểm đáng chú ý trong các cuộc đối thoại Matthew Hussey là khi anh chia sẻ quan điểm về việc chúng ta không bao giờ có thể biết chắc liệu một người có ngoại tình hay không. Chúng ta chỉ có thể tin vào bản thân rằng nếu có, bản thân chúng ta đủ khả năng để tiếp nhận và xử lý chuyện này.
Đây là ví dụ điển hình của việc chúng ta không cần phải suy nghĩ nhiều về những chuyện tiêu cực. Bên cạnh đó, hãy lưu ý một số mẹo sau đây để xác định và đối phó với tình trạng này:
Khi mọi thứ không thuận lợi, suy nghĩ đầu tiên trong đầu bạn thường là "tất cả là do mình". Ngoài ra, biểu hiện thường thấy là việc tự phán xét và dán nhãn bản thân là "tôi không xứng đáng", "tôi là một người yêu tệ", "tôi là kẻ hay gây chuyện"… cũng là một ví dụ điển hình khác cho dấu hiệu này (1).
Chẳng hạn, khi bạn phải lùi cuộc hẹn lại 30 phút vì công việc đột xuất, bạn sẽ lập tức dán nhãn bản thân là "người yêu tồi tệ nhất trần đời".
Theo các nhà nghiên cứu, khi bạn tự đổ lỗi cho bản thân, bạn đang đề cao bản sắc của người khác và hạ thấp lòng tự tôn/tự trọng (self-esteem) của mình. Nói cách khác, bạn đang "bán đi" bản sắc/căn tính cá nhân (self-identity) để đổi lấy sự hài lòng của đối phương (2).
Lâu dần, hành vi này sẽ càng khiến bạn ngại chấp nhận rủi ro trong tình yêu vì sợ bị từ chối; rồi khi cảm thấy bất an, bạn sẽ có khuynh hướng chọn rời xa nửa kia hơn là đối đầu và giải quyết (3). Bên cạnh đó, việc tự trách móc bản thân và giữ lòng tự tôn thấp có thể khiến bạn trở thành "đối tượng" dễ rơi vào một mối quan hệ thiếu lành mạnh, thậm chí là bạo hành (4).
Mời độc giả tham khảo thêm về vấn đề này trong bài viết Vì sao lòng tự trọng lại quyết định hạnh phúc của chúng ta? đã được đăng tải trên LeLa Journal.
Bạn sẽ khó nhìn thấy sự tích cực nếu bạn có lối tư duy "trắng đen rạch ròi". Trong mắt bạn, mọi thứ chỉ sẽ rơi vào một trạng thái duy nhất, tuyệt đối không có những sắc thái khác đan xen ở giữa. Đó là tích cực hoặc tiêu cực, tuyệt vời hoặc tuyệt vọng (7), (8).
Trong một số trường hợp trầm trọng, một khuyết điểm nhỏ không đáng chú ý cũng sẽ biến mọi nỗ lực và cố gắng trong mối quan hệ trở về "con số không". Tuy nhiên, tư duy này không phù hợp với cuộc sống thực tế muôn hình vạn trạng, bởi không có ai trên đời này là hoàn hảo cả.
Chẳng hạn, bạn và người yêu trong thời kỳ... nhạt dần, khi cả hai đã quá quen thuộc với nhau và đời sống chung đôi. Người yêu bạn cố gắng sắp xếp một bữa tối lãng mạn trên tầng thượng. Đúng tối hôm đó thì trời mưa, khiến mặt sân ướt và những bó hoa thì bị dính mưa. Thay vì thực sự cùng người yêu tận hưởng bầu không khí trong lành sau mưa, tất cả những gì bạn nghĩ tới chỉ là chi tiết "trời mưa".
Đây là một dấu hiệu rõ rệt của việc bi kịch hóa trong tình yêu, khiến mối quan hệ ngày càng tồi tệ. Nếu bạn có lối tư duy này, hãy cố thử đa dạng hóa góc nhìn bằng cách hỏi bản thân rằng: "Những góc nhìn đa chiều, khác với góc nhìn hiện tại là gì? Và tại sao?"
Để có thể bình tâm và chậm lại với những phán xét đang tuôn trào trong đầu, thử bài tập "Thở hộp" (square breathing) đã được đề cập bởi nhà tâm lý học lâm sàng Julie Smith (9):
Theo Tiến sĩ Judy Ho, thế giới quan của chúng ta được tạo nên bởi những tương tác với người lớn từ thuở bé. Có thể ta đã tiếp nhận nỗi sợ, niềm tin, tư duy và những định nghĩa về lẽ thường của người lớn mà không hề nhận ra.
Chẳng hạn, nếu bạn lớn lên trong gia đình quen nói những lời yêu thương với nhau, bạn sẽ có thể cảm thấy bình thường khi nghe và nói ra những lời ấy. Tuy nhiên, nếu ngôn ngữ tình yêu của gia đình bạn nằm ở hành động thì những lời ngọt ngào sẽ khiến bạn "nổi da gà" hoặc thậm chí cảm thấy phải đề phòng.
Khi lớn hơn, như là đi học và đi làm xa nhà, bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều góc nhìn mới và hình thành nên những quan điểm khác với môi trường cũ. Những điều này có thể "thách thức" hệ thống niềm tin vốn có của bạn, đôi khi sẽ làm bạn cảm thấy có lỗi, bắt đầu tự phán xét và bi kịch hóa sự khác biệt của bản thân.
Theo Tiến sĩ Jordan Peterson tại Đại học Toronto, việc nhận biết, chịu trách nhiệm và đối diện với những nỗi sợ và niềm tin ẩn giấu mới là chìa khóa giúp chúng ta thoát khỏi những lo lắng thất thường, cũng như tìm thấy ý nghĩa hạnh phúc trong tình yêu nói riêng và cuộc sống nói chung (10).
Về điều này, độc giả có thể tham khảo bài viết cùng chủ đề đã được đăng tải trên LeLa Journal là Điều chỉnh sự tiêu cực: Làm sao đối diện với những điều bất như ý trong cuộc sống?
Tựu trung lại, đi tìm sự bình yên và hòa hợp trong tình yêu là một hành trình dài và có nhiều thăng trầm. Trong muôn hình vạn trạng của tình yêu, liệu nửa kia có mãi mãi bên cạnh và chung thủy với ta hay không? Liệu chúng ta có sẽ hạnh phúc và thoát khỏi âu lo hay không?... Chúng ta không thể biết trước được tương lai, do đó, thay vì để xảy ra tình trạng bi kịch hóa trong tình yêu, ta hãy chủ động cải thiện chất lượng của mối quan hệ và đời sống cá nhân nhé.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.