Ranh giới ở nơi làm việc giống như đường biên của một quốc gia và hàng rào của một ngôi nhà, không chỉ mang lại sự thoải mái cho bạn mà còn giúp xây dựng một đời sống công sở lành mạnh.
Năm 2019, nền tảng học tập trực tuyến Udemy đã đưa ra một báo cáo khảo sát về ranh giới tại nơi công sở. Trong số 1.000 người được khảo sát, có đến 52% tin rằng hành vi thân mật như trao nhau cái ôm là không phù hợp ở môi trường chuyên nghiệp. 46% cảm thấy áp lực khi chấp nhận yêu cầu kết bạn trên mạng xã hội của đồng nghiệp và 63% nhà quản lý cho biết họ cảm thấy không thoải mái khi phải đi ăn trưa với những người cùng cơ quan (1).
Sự len lỏi của công việc trong mọi ngóc ngách đời sống khiến nhiều người không cảm thấy thoải mái nhưng thật khó để họ bày tỏ ra bên ngoài. Khi làm việc, chúng ta thường không muốn mình trở thành những kẻ "khó gần" trong mắt mọi người và đôi khi điều đó phải khiến ta trả hàng loạt cái giá như nhận làm việc giúp đồng nghiệp, chịu đựng những cử chỉ không phù hợp, phải ở lại tăng ca dù muốn dành thời gian cho gia đình…
Nghiên cứu của McKinsey Health Institute trong năm 2022 cho thấy giới nhân viên văn phòng châu Á đang phải trải qua những cơn khủng hoảng sức khỏe tinh thần vô cùng tồi tệ với hầu hết các triệu chứng kiệt sức, lo âu, căng thẳng đều ở mức cao hơn so với thế giới (2). Ở một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản…, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hội chứng kể trên là các hành vi độc hại ở nơi làm việc.
Đây là một hồi chuông cảnh báo cho người làm văn phòng ở các nước châu Á. Nếu không quyết liệt thiết lập đường biên giới làm việc, chúng ta sẽ phải rơi vào vòng xoáy của cơn trầm cảm, lo lắng trước "những kẻ xâm lấn" luôn rình rập nơi phên giậu.
Trong cuốn sách nổi tiếng Set Boundaries, Find Peace, nhà tâm lý học trị liệu Nedra Glover Tawwab đã đưa ra 4 phân loại ranh giới ở nơi công sở, như sau (3):
Hầu như chúng ta đều cảm nhận được khi nào mình đang ở trong một không gian thoải mái, còn khi nào cơ thể mình đang phải chịu đựng những hành vi xâm phạm thô lỗ.
Mỗi người đều có quan điểm riêng về việc tiếp xúc cơ thể thế nào là phù hợp. Những ranh giới này thay đổi tùy theo bối cảnh, mối quan hệ mà chúng ta có với người khác và mức độ thoải mái của chúng ta. Có người thích chào nhau bằng một cái ôm để thể hiện quan hệ thắm thiết nhưng cũng có nhiều người chỉ thích bắt tay, hoặc nếu bạn thường xuyên chảy mồ hôi thì một cái bắt tay cũng trở nên "khó khăn".
Một số dấu hiệu cho thấy ranh giới thể chất bị xâm phạm là khi đối phương động chạm vào cơ thể bạn một cách không phù hợp, đứng quá áp sát, thường xuyên nhìn vào màn hình điện thoại hay khu vực làm việc của bạn. Để thiết lập đường biên rõ ràng và tránh các hoạt động này lặp lại, bạn nên tỏ rõ ý muốn của mình (bằng những lời lẽ nhã nhặn), chẳng hạn như nói đồng nghiệp lần sau có thể bắt tay thay vì ôm, khuyên họ nên gõ cửa trước khi bước vào phòng và đừng nên nhìn vào màn hình điện thoại vì bạn đang có những tin nhắn riêng tư.
Bạn cũng nên nhớ rằng những ranh giới thể chất không phải bất di bất biến. Trước đây bạn có thể thấy ổn với những cử chỉ của bạn làm cùng phòng nhưng nếu giờ không còn cảm thấy vậy nữa, bạn có thể từ chối và nói rõ cho họ biết để cả hai có cách xử sự thích đáng.
Không dễ để chúng ta mở lòng ở nơi làm dù đó là vì việc chung hay chuyện cá nhân. Và vì vậy, khi chia sẻ, bạn mong nhận được phản hồi tích cực từ người lắng nghe. Thế nhưng, nếu ai đó xem thường cảm xúc và vấn đề của bạn, họ đã vi phạm ranh giới cảm xúc.
Hãy tưởng tượng bạn đến gặp sếp để bày tỏ những điều bạn cảm thấy không hài lòng về đồng nghiệp hoặc giãi bày về chính vấn đề sức khỏe tinh thần của mình. Vậy mà đáp lại, bạn chỉ nhận được những chỉ trích của cấp trên cùng lời khiển trách về hiệu quả công việc gần đây thay vì tìm hiểu căn nguyên vấn đề và phương hướng giải quyết. Đó là dấu hiệu cho thấy "lằn ranh đỏ" của bạn đã bị vượt qua và bạn không nhận được sự tôn trọng đúng mực. Nếu âm thầm chịu đựng, dần dà bạn sẽ càng khó chia sẻ suy nghĩ, quan điểm của mình và rơi vào tình trạng lo âu.
Bạn có thể bảo vệ mình bằng cách chỉ chia sẻ cảm xúc với những ai thực sự đáng tin cậy. Bạn cũng nên hỏi ý kiến đối phương xem họ muốn thực sự lắng nghe vấn đề của bạn không. Giống như bạn, người nghe cũng có hàng rào cảm xúc riêng và đôi khi, chuyện bạn nói với họ sẽ xé tan "tấm chắn" an toàn đó. Trao đổi về vấn đề cả hai quan tâm sẽ giúp bạn dễ nhận được sự đồng cảm hơn.
Ranh giới trí tuệ được nhìn nhận bằng việc liệu bạn có được tự do lên tiếng phát biểu tại văn phòng hay không. Khi đưa ra những ý kiến mới, lời nói của bạn không nên bị coi thường hoặc chế giễu. Hành vi xâm phạm ranh giới trí tuệ còn xuất hiện khi bạn bị sa thải vì có bất đồng với cấp trên.
Để tạo nên vòng an toàn, bạn nên bày tỏ cho mọi người biết mình rất khó chịu khi nghe những lời trêu đùa và bạn cũng nên tỏ rõ rằng bạn rất nghiêm túc với ý tưởng đã đề xuất. Bạn cũng nên bảo vệ trí tuệ của những đồng đội bằng cách ghi các ý kiến của họ vào biên bản và thảo luận nghiêm túc về chúng. Khi xảy ra tranh cãi giữa, hai bên nên bình tĩnh để không khí lắng xuống và tránh gieo những lời nói ác ý về phía nhau.
Nhìn về phía nhà quản lý, theo nghiên cứu từ Đại học Rice, ngôn ngữ mà các nhà lãnh đạo sử dụng để phản hồi khi nhân viên phàn nàn (hoặc đưa ra ý tưởng cải tiến) sẽ tác động rất lớn trong việc khuyến khích cũng như ngăn cản những người khác làm theo (4).
Nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả khi ý tưởng của nhân viên không được thực hiện, nếu chúng được xử lý đúng cách, điều đó sẽ không ngăn cản họ đưa ra những ý tưởng mới trong tương lai. Điều quan trọng là nhân viên phải thực sự tin rằng việc họ lên tiếng có thể có tác động tích cực đến họ và công ty. Nếu niềm tin này bị đánh đổ, họ cũng chẳng còn mấy mặn mà phản ánh hay chia sẻ gì nữa với cấp trên.
Ranh giới thời gian có lẽ là loại "bào mòn" chúng ta nhiều nhất và cũng buộc chúng ta đứng lên đấu tranh nhiều nhất. "Ranh giới thời gian bao gồm cách bạn quản lý thời gian, cách bạn cho phép người khác xen vào khung giờ của mình, cách bạn giải quyết các yêu cầu theo thứ tự ưu tiên và cách bạn sắp xếp thời gian rảnh" - Nhà tâm lý trị liệu Nedra Glover Tawwab viết (5).
Khi ranh giới thời gian bị xô đổ, dòng thời gian (timeline) của bạn trở nên hỗn loạn, không biết làm sao để cân bằng công việc và đời sống riêng tư, không rõ phải cố gắng cho sự nghiệp bao nhiêu là đủ và cũng chẳng biết làm thế nào để nói với mọi người bạn đang ngập ngụa trong mớ công việc bận bịu.
Những doanh nghiệp yêu cầu bạn làm thêm giờ nhưng không tăng lương, gửi email công việc bất chấp giờ giấc rõ ràng cũng chẳng tôn trọng ranh giới thời gian của bạn.
Để có một đời sống công sở lành mạnh và bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình, bạn nên tập nói "không" trước những yêu cầu vô lý và thông báo cho đồng nghiệp thời điểm mình thường không thể kiểm tra tin nhắn công việc. Khi ai đó nhờ vả, bạn nên trả lời: "Tôi không thể giúp bạn làm việc đó bởi vì tôi đang thực hiện một số công việc quan trọng và điều này đang choán hết chỗ trong đầu lẫn thời gian của tôi".
Bạn đừng ngần ngại thiết lập ranh giới ở nơi làm việc vì cho rằng mọi người sẽ xa lánh mình. Shane Snow, CEO của công ty Showrunner, đã chỉ ra sự khác biệt giữa "ranh giới" và "rào cản". Rào cản là cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ, thể hiện bạn không ở cùng một đội với mọi người.
Ranh giới thì khác, mọi người vẫn có thể đứng ở "phần sân" của riêng mình và trò chuyện, bắt tay với nhau. Hai bên vẫn có thể chìa tay ra giúp đỡ trong lúc khó khăn. Mỗi bên chịu trách nhiệm về những gì thuộc về phạm vi của họ và tôn trọng đường biên để đạt được hiệu quả cao nhất cho công việc (6).
Ranh giới nào của bạn đang bị xâm phạm tại nơi làm việc?
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Sự Nghiệp?