Bạn cảm thấy mình luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống? Bạn có sợ hãi về những điều sẽ xảy ra trong tương lai hoặc đang hối hận về những điều mình đã làm sai trong quá khứ? Những điều này khiến bạn không thể làm gì khác ngoài việc nằm trên giường, chán nản vô thức nhìn mọi thứ xung quanh. Nếu gặp tình huống như vậy, có thể bạn đang rơi vào tình trạng suy nghĩ quá nhiều.
Suy nghĩ vốn là một hoạt động diễn ra tự nhiên của não bộ. Nhờ có suy nghĩ mà con người có thể rút kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ, dự đoán và chuẩn bị đối phó với những tình huống xấu sẽ diễn ra trong tương lai. Tuy nhiên trong một số trường hợp, suy nghĩ của bạn bị mắc kẹt bởi mong muốn thay đổi những chuyện đã xảy ra hoặc hình dung về những điều sắp tới, khiến tâm lý trở nên căng thẳng, dẫn đến tình trạng sức khỏe suy giảm và thường xuyên mất ngủ. Đây là lúc chúng ta đang suy nghĩ quá nhiều.
Theo nghiên cứu của giáo sư tâm lý học Susan Nolan của đại học Michigan (Mỹ), những người trẻ và những người ở độ tuổi trung niên có xu hướng suy nghĩ nhiều hơn so với những người lớn tuổi.
Cụ thể là 73% những người ở lứa tuổi 25-35 suy nghĩ nhiều, trong khi đó tỷ lệ này là 52% ở những người thuộc lứa tuổi 45-55 và chỉ 20% ở những người 65-75 tuổi. Trong đó, phụ nữ có xu hướng suy nghĩ nhiều hơn so với nam giới [1]. Cũng theo nghiên cứu này, việc suy nghĩ nhiều thường gây ra tình trạng mệt mỏi, uể oải. Khi tiếp diễn ra trong thời gian dài còn có thể gây mất ngủ, trầm cảm, nghiện rượu hoặc các chất kích thích, thậm chí trong một số trường hợp còn có thể dẫn đến những mong muốn tiêu cực nhất cho bản thân.
Vậy làm thế nào để có thể thoát ra được tình trạng suy nghĩ quá nhiều? Dưới đây là 3 phương pháp giảm bớt những suy nghĩ thái quá để giúp bạn có một cuộc sống chất lượng và trọn vẹn hơn.
Suy nghĩ và vận động đều là những hình thức tiêu hao năng lượng của cơ thể. Có thể hình dung cơ thể như một bình năng lượng và nó được nạp đầy sau mỗi giấc ngủ. Năng lượng đó sẽ được sử dụng cho tất cả những hoạt động bên trong cơ thể bao gồm cả suy nghĩ và vận động.
Khi bạn dành năng lượng cho suy nghĩ thì cơ thể sẽ cạn kiệt năng lượng để có thể vận động và ngược lại, khi bạn dành năng lượng để vận động, đầu óc sẽ bớt dần những suy nghĩ mông lung.
Vì vậy, khi bạn nhận ra mình đang suy nghĩ quá nhiều thì việc dành thời gian để tham gia vào các hoạt động thể chất là điều cần thiết để bớt đi những suy nghĩ không cần thiết.
Có nhiều hình thức vận động mà chúng ta có thể tham gia như đi bộ, làm vườn, nấu ăn, chơi thể thao, tập một nhạc cụ mới… hay bất cứ một hình thức vận động cơ thể nào mà chúng ta cảm thấy thích thú, phù hợp với sở thích bản thân. LeLa Journal cũng đã có bài viết về "10 sở thích ngoài công việc giúp thư giãn tâm trí", bạn có thể đọc thêm tại đây. Thêm vào đó, việc thử sức tập luyện một bộ môn mới cũng giúp chúng ta chuyển hướng sự chú ý sang những điều mới mẻ và thú vị hơn, khiến đầu óc thoải mái để từ đó có những ý tưởng sáng tạo.
Suy nghĩ thường “nhảy” rất nhanh và liên tục từ vấn đề này qua vấn đề khác, thậm chí những vấn đề đó có thể chẳng hề liên quan đến nhau. Khi không nhận thức được mình đang thực sự nghĩ về những điều gì, bạn sẽ dễ bị cuốn vào vòng lặp suy nghĩ luẩn quẩn không hồi kết. Lúc này, bạn cũng không thể nhận ra điểm mấu chốt để khám phá giải pháp cho vấn đề của mình.
Chia sẻ những suy nghĩ thật sự của mình thông qua viết hoặc nói chính là một hình thức giúp bạn nhận diện được suy nghĩ và làm chậm lại suy nghĩ của mình. Khi bạn nhận diện những suy nghĩ đang diễn ra bên trong mình, bạn có thể nhận ra vòng lặp luẩn quẩn mà chính tâm trí đang bị mắc kẹt, từ đó tìm ra phương pháp giải quyết vấn để hoặc loại bỏ những suy nghĩ không cần thiết.
Khi bắt đầu viết xuống những suy nghĩ trong đầu, chúng ta sẽ nhận ra mình có quá nhiều suy nghĩ không nên có, có thể là đổ lỗi cho người khác về những vấn đề mà mình đang gặp phải, mong muốn làm một điều không thực sự lành mạnh cho bản thân, hoặc có ý định muốn "đạp đổ tất cả"... Viết ra và đọc được những suy nghĩ không mong muốn này sẽ giúp bản thân ổn định lại tư tưởng, sau đó thay thế và diễn đạt bằng những suy nghĩ tốt đẹp hơn mà không vô tình tạo ra thêm những luồng suy nghĩ mới nằm ngoài vùng kiểm soát. Vì thế, hãy thành thật 100% với những gì mình đang nghĩ khi viết, bởi đó mới chính là cách giúp bạn thoát ra khỏi nó.
Một vấn đề thường gặp ở những người suy nghĩ nhiều là bởi mọi người thường suy nghĩ đến những điều đã xảy ra hoặc chưa xảy ra, hay nói cách khác chính là những điều đang không có ở hiện tại. Thiền là một hình thức luyện tập cho cả cơ thể và tâm trí mà ở đó chúng ta tập luyện để đưa tâm trí về thời điểm hiện tại, cảm nhận hơi thở và cơ thể làm tăng khả năng nhận thức. Ngoài ra, việc thực hành tập trung tâm trí vào một đối tượng liên tục trong một khoảng thời gian cũng giúp ngưng lại dòng suy nghĩ đang diễn ra một cách vô thức.
Mỗi người đều có thể tự thực hành thiền hoặc thực hành với sự hướng dẫn. Nếu bạn tự thực hành tại nhà, LeLa Journal gợi ý một số cách thiền đơn giản như sau:
Lặp đi lặp lại một từ: Hãy chọn cho mình một hoặc một vài từ ngắn để nhẩm đi nhẩm lại một cách chậm rãi và liên tục. Bạn có thể chọn những từ tích cực có tính chất khích lệ, động viên, yêu thương như "tôi tin bạn", "tôi yêu bạn", "tôi cảm ơn chính mình"... miễn sao đó là những từ ngữ giúp bạn cảm thấy an lành. Hãy đọc nhẩm thật chậm rãi, đều đặn theo từng nhịp hít vào - thở ra và liên tục để âm thanh của câu từ duy nhất đó đi sâu vào trong tâm trí, cũng như giúp ổn định tâm trí không còn bị quá nhiều suy nghĩ quấy nhiễu.
Đếm hoặc quan sát hơi thở: Giữ sự tập trung của mình ổn định trên hơi thở (còn được gọi là phương pháp định tâm trên hơi thở). Bạn chỉ cần ngồi một cách thoải mái, giữ cho lưng thẳng và bắt đầu nhắm mắt để đếm hơi thở. Mỗi lần hít vào và thở ra, bạn hãy đếm 1 nhịp. Lần lượt đếm đến 10 rồi quay lại từ đầu. Nếu trong quá trình đếm bạn lỡ để quên hay lạc nhịp, chỉ cần nhẹ nhàng đưa tâm trí trở lại bắt đầu lại từ 1.
Thiền rất hiệu quả trong việc giúp tâm trí tĩnh lặng nếu được thực hành mỗi ngày. Bạn có thể dành ra khoảng từ 5 đến 10 phút tập thiền đều đặn kể cả khi bạn đang cảm thấy mình rất ổn. Việc tập luyện hằng ngày vừa giúp cho tâm trí có được một khoảng lặng nghỉ ngơi ngắn trong ngày, vừa luyện cho nó sự tập trung một cách điều độ. Đến khi bạn đối mặt với một tình huống căng thẳng, việc thiền cho tâm trí tĩnh lặng sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Tâm Lý?
Cập nhật những nghiên cứu và khám phá mới nhất về tâm lý.