Ắt hẳn chúng ta không còn xa lạ với những người bạn "cuồng Nhật", như là sưu tầm đủ những tập truyện của các bộ manga đình đám, cosplay các nhân vật anime trong 7749 sự kiện của Nhật Bản, "cày" anime đến sáng... Những người này thường được gọi là "wibu". Nhưng rốt cuộc thì wibu nghĩa là gì và ảnh hưởng tới đời sống của chúng ta ra sao?
Từ "wibu" không phải là một khái niệm mới, mà vốn đã "làm mưa làm gió" trên các diễn đàn mạng từ những năm 2000. Wibu là cách gọi ngắn gọn hơn của cụm từ "weeaboo" – chỉ những người nước ngoài có tình yêu cuồng nhiệt với văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là với anime (phim hoạt hình) và manga (truyện tranh) (1).
Điều đáng nói là sự phát triển của ngành công nghiệp anime Nhật Bản, bao gồm cả sự gia tăng số lượng wibu trên toàn cầu, được dự báo sẽ đạt giá trị 43 tỷ USD (hơn 1 ngàn tỷ đồng) vào năm 2027 (2).
Ngày nay, wibu không chỉ là một khái niệm mang tính văn hóa đại chúng (pop culture) mà còn được gắn với tư tưởng Japanophilia (tạm dịch là "ái mộ văn hóa Nhật").
Tư tưởng này đề cao những phẩm chất tốt đẹp của người Nhật, thể hiện sự đánh giá tích cực về lịch sử và văn hóa xứ sở hoa anh đào. Chính vì thế, người nước ngoài đã có cái nhìn thiện cảm hơn về những sản phẩm văn hóa đại chúng và dành nhiều sự ái mộ cho những trào lưu du nhập từ Nhật Bản (3).
Theo một khảo sát về nhận diện thương hiệu của hãng quảng cáo Dentsu tại Nhật Bản, tỷ lệ "fan" của văn hóa Nhật Bản đạt mức cao nhất ở các nước Đông Nam Á (6/10 nước tham gia khảo sát). Trong đó, xét về mức độ yêu thích đối với văn hóa Nhật, ẩm thực là khía cạnh chiếm tỷ lệ cao nhất với 55%. Anime, manga và các nhân vật liên quan đứng ở vị trí kế tiếp với 40%, trong khi số người đam mê cosplay chiếm khoảng 30% (4). Những con số này phần nào cho thấy tinh thần Japanophilia được lan tỏa mạnh mẽ như thế nào trong đời sống của giới trẻ toàn cầu.
Wibu ít nhiều mang màu sắc ý nghĩa tương tự "otaku" (おたく/ オタク) – một khái niệm phổ biến và "chính thống" hơn trong cộng đồng người yêu thích văn hóa đại chúng Nhật.
Song, chúng ta cần phân biệt hai khái niệm này. Otaku là từ dùng để chỉ các "mọt" (nerd) có hiểu biết sâu rộng về các tác phẩm và sản phẩm đồ họa thuộc văn hóa đại chúng Nhật, bao gồm truyện tranh, anime, game... Còn wibu thường là những người hâm mộ cuồng nhiệt anime (5). Như vậy, otaku được coi như một "tiểu vùng văn hóa" (subculture) rộng hơn và bao hàm cả wibu trong đó.
Nhiều người sử dụng otaku và wibu với nghĩa miệt thị, bởi một lượng lớn wibu có thái độ ái mộ văn hóa Nhật tới mức bỏ quên cả văn hóa gốc của bản thân. Song, cách dùng miệt thị đó lại xuất phát từ hiểu lầm của những người không thuộc những "tiểu vùng văn hóa" wibu và otaku đó. Trên thực tế, nhiều người vẫn tự gọi mình là wibu và otaku.
Nhìn chung, cộng đồng wibu trên thế giới vẫn đang mở rộng cùng đà phát triển của các hoạt động du lịch và trải nghiệm văn hóa tại Nhật Bản.
Những người mang tinh thần wibu thường có nhiều động lực để học tiếng Nhật – một trong những ngôn ngữ khó học nhất thế giới. Theo thống kê của Quỹ Giao lưu Nhật Bản (Japan Foundation), tính trong khoảng 1979 – 2021, số lượng người học tiếng Nhật trên thế giới đã tăng gấp 30 lần, từ hơn 127.000 người lên gần 3,8 triệu người. Lý do lớn nhất chính là tình yêu dành cho văn hóa và con người Nhật Bản (6).
Xét cho cùng, việc hâm mộ một nền văn hóa sẽ có thể trở thành nguồn khích lệ lớn cho người trẻ trong việc học tập những giá trị tốt đẹp của đất nước mới, cũng như tìm kiếm cơ hội phát triển và làm việc trong một xã hội ưu việt hơn.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Giải Trí?