Khác với những hình dung thông thường về một khu vườn xum xuê hoa lá cùng với các tiểu cảnh hồ nước, hòn non bộ hay tượng điêu khắc hiện diện, khu vườn theo phong cách Karesansui (còn được gọi là vườn Thiền) đã chinh phục tâm hồn của hàng triệu người trên thế giới bởi hình thức đơn giản nhưng chứa đựng nhiều tầng lớp ý nghĩa sâu sắc.
Vườn thiền Karesansui phiên âm theo Hán tự có nghĩa là “khô sơn thuỷ”, được hiểu là “quang cảnh khô cạn”, “núi khô và nước cạn”, hoặc gọi đơn giản là "vườn khô". Trong tiếng Anh, kiểu vườn này còn được gọi là vườn Thiền (Zen garden) do được xây dựng trong một số ngôi chùa thiền phái Rinzai và một số nhà thiết kế vườn Karesansui nổi tiếng như Muso Soseki và Soami đều là những tăng lữ phái Thiền tông. Hơn nữa, kiểu vườn này được phát triển trong thời kỳ mà nghệ thuật Nhật Bản chịu ảnh hưởng mạnh bởi Thiền tông.
Karesansui cũng có thể được gọi bằng các tên khác như kasansui, furusansui và arasensui, nhưng nội dung và hình ảnh thể hiện của khu vườn không thay đổi (1). Yếu tố núi và nước được nhấn mạnh ngay trong chính tên gọi, nhưng thực chất lại không có yếu tố nước hay núi trong hình hiện của khu vườn. Mà thay vào đó, nó được biểu hiện bằng cát, đá hoặc sỏi (2). Đôi khi, khu vườn cũng có thêm các yếu tố khác như rêu xanh, thảm cỏ hoặc cây cảnh.
Các yếu tố chính của khu vườn thường mang yếu tố tĩnh, bất biến, tạo cho khu vườn có sự tĩnh mịch nhất định, tôn trọng ý nghĩa ban đầu mà khu vườn đặt ra. Yếu tố động duy nhất trong khu vườn được thể hiện thông qua các chuyển động của sóng trên bề mặt cát được gọi là samon. Một số khu vườn có đặt những cây cầu phía trên cát để mô phỏng dòng chảy của các con sông. Ngoài ra, một yếu tố cơ bản cần chú ý trong bố cục khu vườn là sự sắp xếp đá trong vườn (3).
Thiết kế của khu vườn gợi lên một thế giới tĩnh mịch, cô đơn, trầm lắng, đồng thời phản ánh sự bao la hùng vĩ của thiên nhiên, thông qua các yếu tố như đá, sỏi, cát. Sự mâu thuẫn này tưởng chừng dễ khiến người ở trong bị choáng ngợp, nhưng hoá ra lại mở một ra một thế giới sâu thẳm để họ đi vào tầng sâu nhất của tâm trí.
Khu vườn Karesansui gói gọn được tinh thần wabi-sabi, đó là khám phá vẻ đẹp bằng cách giảm thiểu những gì lãng phí và âm thầm thực hiện sự khéo léo của một người bằng sự bình dị nguyên sơ nhất (8). Karesansui còn là biểu hiện của tính trừu tượng và tâm linh mạnh mẽ, và mỗi người sẽ diễn dịch chúng theo cách khác nhau.
Bản chất của Karesansui là “tìm thấy điều gì đó trong hư không“, nơi mà mỗi người có thể lắng đọng để nhận thức rõ ý niệm về thời gian trong khi suy ngẫm về ý nghĩa của không gian.
Thoạt nhìn, nó chỉ là một khu vườn đá và cát, nhưng thông qua việc sắp xếp và kết hợp chúng, bạn sẽ nhận thấy quan điểm của Phật giáo về thế giới và vũ trụ trong những khu vườn Karesansui (4).
Theo truyền thống, Karesansui sinh ra không dành cho dã ngoại, tản bộ hay các hoạt động kết nối bên ngoài. Khu vườn được xem là một cõi thiêng liêng để các nhà sư thực hành thiền định mỗi ngày. Tại vườn, các nhà sư chiêm ngưỡng sự tĩnh mịch của thiên nhiên và tìm kiếm sự tự do tối đa của tâm trí. Ngoài ra, vườn Thiền còn tạo ra một hình ảnh thu nhỏ của vũ trụ, nơi mà các nhà sư tin là có thể nhắc nhở con người về bản chất sâu thẳm nhất của cõi tục.
Vị tu sĩ và cũng là nhà thiết kế vườn Nhật - Shunmyo Masuno đã nói, khu vườn là một nơi chốn của tinh thần, là bến đậu của tâm linh. Shunmyo Masuno cũng từng gọi công trình thiết kế của mình là “sự thể hiện tâm trí của tôi” và chúng có sức mạnh khơi dậy chiều sâu của cảm xúc và thậm chí đi sâu vào tiềm thức. Trong bối cảnh của đất nước Mặt trời mọc tràn ngập tiếng ồn ào, sự xô bồ, thì sự hấp dẫn của khu vườn Karesansui nằm ở chỗ nó như một nơi tôn nghiêm để tách mình khỏi những cuộc tán gẫu và lặng lẽ tự suy ngẫm (1) (5).
Từ những ngày đầu ra đời, những khu vườn Karesansui thường được liên kết với các ngôi đền Phật giáo hoặc xây dựng trong nơi ở của các chiến binh thuộc tầng lớp cao hoặc minh họa cho những ý tưởng triết học, không chỉ riêng về Thiền.
Trước hết, những khu vườn là những tác phẩm nghệ thuật tôn giáo, một số được thiết kế bởi các linh mục, nhưng nhiều khu vườn cũng được thiết kế bởi những người lao động tay chân nhưng có kiến thức rộng và kinh nghiệm trong việc xây dựng khu vườn (2).
Một số vườn thiền nổi tiếng ở Nhật Bản có thể kể đến Ryōan-ji (xây dựng vào cuối thế kỷ XV), Tenryu-ju, khu vườn thiền trên núi Blissful tại Zuiho-in. Du khách vẫn có dịp đến viếng thăm những khu vườn này.
Hiện nay, việc đưa một khu vườn Thiền mang đầy tính triết lý vào một không gian cá nhân với quy mô nhỏ gọn không còn là điều bất khả thi.
Từ bối cảnh của thiền viện, trà thất, giờ đây, nhiều gia đình tận dụng một mảng trống trong căn nhà hoặc một góc phòng khách để mô phỏng lại hình mẫu về khu vườn với tâm niệm đơn giản là đó sẽ là một nơi để tâm trí được trống rỗng và bình yên. Quan trọng nhất, những hình mẫu này vẫn phải đảm bảo sự hiện diện của các yếu tố tĩnh cơ bản mà một khu vườn Karesansui cần có.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Không Gian Sống?
Nhà đẹp, vườn xinh, và những góc sống đẹp