"Đừng khóc nữa", "Hãy vui lên", "Đâu có gì đáng buồn, con có nhiều điều kiện để hạnh phúc mà sao không biết tận hưởng"... Chính vì mong muốn những điều tốt đẹp cho con cái, cha mẹ thường tập trung vào khái niệm hạnh phúc, cũng như đưa ra những lời khuyên mang tính tích cực khi con mình đang buồn phiền và thất vọng. Tuy vậy, điều này có thể phản tác dụng và khiến trẻ không có khả năng tự vực dậy, đồng thời không điều chỉnh được cảm xúc để đối diện với khó khăn.
Là một bậc phụ huynh, chắc chắn chúng ta luôn mong muốn con mình hạnh phúc, điều này không có gì sai. Tuy nhiên, nếu thử nghĩ sâu hơn một chút, điều gì sẽ dẫn đến hạnh phúc thực sự? Việc xóa bỏ cảm giác lo lắng và cô đơn của con cái, giúp chúng luôn cảm thấy thoải mái ở mọi thời điểm liệu có đưa đến hạnh phúc hay không? Hầu như là không, bởi điều này đồng nghĩa với việc né tránh sợ hãi và đau khổ - những cảm xúc chắc chắn sẽ xuất hiện và không thể thiếu trong suốt cuộc đời con mình. Bằng cách tập trung quá nhiều vào sự tích cực và hạnh phúc, cha mẹ vô tình quên đi cách dạy con đối phó với những cảm xúc không dễ chịu.
Trong những nền văn hóa luôn hướng đến sự tích cực, nhiều đứa trẻ được tiếp cận với thông điệp “hạnh phúc là cảm giác tuyệt vời nhất” từ rất sớm. Cách phát triển cảm xúc này lại bỏ qua những cảm giác “không hạnh phúc” nhưng vẫn có giá trị như một phần của cuộc sống, trong đó bao gồm sự tức giận, buồn bã, sợ hãi, tội lỗi, thất vọng và chán nản… Càng nỗ lực dạy con sống tích cực, chúng ta càng dễ bỏ qua việc trang bị cho con những công cụ quản lý cảm xúc lành mạnh khi cuộc sống trở nên bấp bênh. Và điều tệ nhất là, nó sẽ dần hình thành cho trẻ tư duy “cảm giác khó chịu là không thể chấp nhận và cần phải được thay đổi”.
Các nghiên cứu về chánh niệm và liệu pháp chấp nhận cho thấy những suy nghĩ tiêu cực không phải yếu tố gây ra trầm cảm, lo lắng, kích động hoặc bất kỳ trạng thái tinh thần nào mà chúng ta sợ hãi. Chúng chỉ gây ảnh hưởng khi lặp đi lặp lại dai dẳng, khiến ta dễ gặp các vấn đề đó hơn.
Khi ta càng “đấu tranh”, hay nói cách khác là gạt bỏ những suy nghĩ và cảm giác tiêu cực, chúng ta càng cho nó sức mạnh hiện diện để “gắn bó và ở lại” với mình lâu hơn.
Các cảm xúc hỗn loạn này không tự mất đi. Bên cạnh đó, vì cơ thể chúng ta luôn có một hệ thống báo động trước các tình huống nguy hiểm nên nếu không thể đối phó với những cảm xúc như thất vọng, ghen tị, buồn bã... thì cơ thể sẽ bắt đầu phản ứng kịch liệt trước căng thẳng. Thay vì đối diện và vượt qua một cách lành mạnh, nỗi sợ hãi và sự khó chịu lại dẫn ta đến khao khát muốn thoát khỏi tâm trạng ấy. Từ đó, chúng tạo ra thêm nhiều lo lắng, tăng nguy cơ lạm dụng chất kích thích, ăn uống không kiểm soát và thậm chí tự làm hại bản thân (1).
Trong lĩnh vực tâm lý, hiện trạng này được gọi tên là “sự tích cực mang tính độc hại” (toxic positivity). Nó đề cập đến một trạng thái vui vẻ, lạc quan quá mức và không hiệu quả trong việc giải quyết mọi tình huống (2).
Mặc dù lạc quan và tích cực đều là những phẩm chất quý giá mà chúng ta nên có, nhưng cũng cần thừa nhận rằng hạnh phúc không phải là một trạng thái cảm xúc vĩnh viễn, chúng ta không thể luôn bám chấp vào đó và bỏ mặc các cảm xúc khác. Sự tích cực thái quá của phụ huynh trong mọi tình huống để làm giảm nhẹ cảm xúc tiêu cực chỉ khiến các bạn trẻ cảm thấy không được lắng nghe, làm giảm niềm tin của các bạn vào việc cha mẹ có thể hỗ trợ mình.
Khi cha mẹ dành thời gian để hiểu, chấp nhận và hiện diện cùng con trong các trạng thái cảm xúc tiêu cực, trẻ sẽ tin rằng những trải nghiệm và quan điểm của chúng đều được công nhận và có giá trị, từ đó tạo nên sợi dây liên kết gần gũi hơn và duy trì được sự tin tưởng đối với người chăm sóc. Điều này được thể hiện qua các câu nói như: “Ba mẹ vẫn yêu và tin tưởng con dù con đang cảm thấy thế nào”, “Ba mẹ hiểu rằng điều này thật khó khăn đối với con, khi nào con sẵn sàng và muốn chia sẻ, hãy nói với ba mẹ nhé”, “Nếu con khóc cũng chẳng sao”... Theo thời gian, trẻ sẽ dần phát triển được khả năng làm chủ những cảm xúc khó khăn nhất.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các thanh thiếu niên có cha mẹ hỗ trợ đối phó với những trạng thái tiêu cực thông qua việc lắng nghe, đặt câu hỏi và trấn an thường có sức khỏe tinh thần tốt hơn rõ rệt (3).
Ngoài ra, một số cách hiệu quả khác để cha mẹ giúp con chấp nhận cảm xúc tiêu cực dễ dàng hơn bao gồm:
Khuyến khích con quan sát và chấp nhận cảm xúc đến và đi (bằng cách thực hành tỉnh thức và rèn luyện trí tuệ cảm xúc), mà không phán xét, né tránh hay cảm thấy xấu hổ. Ví dụ như thay vì nghĩ rằng “tôi thật tệ”, hãy quan sát rằng “tôi đang có suy nghĩ rằng mình thật tệ” và không phán xét đó là tốt hay xấu. Điều này sẽ giúp con tách biệt khỏi những suy nghĩ ngẫu nhiên và nhận ra chúng có thể đến và đi một cách tự động, chứ không phải sự thật định hình nên con người và tính cách của mình.
Nhấn mạnh với con là cảm xúc của chúng ta không nên quy thành đúng hoặc sai. Đây là một cách xử lý cảm xúc quan trọng để không tránh né và xem nhẹ bất kỳ cảm nhận nào. Nó không khiến con cảm thấy mình phải “làm cho cảm giác này biến mất ngay lập tức”, dẫn đến sự đau khổ lớn dần. Quan niệm rằng chúng ta nên nghĩ khác đi trong một tình huống nào đó (như một cách "trấn an" hoặc "đánh lừa cảm xúc") sẽ càng khiến cơ thể bán tín bán nghi rằng mình đang trải qua những cảm xúc đáng sợ, từ đó không cho phép tâm trí được thư giãn.
Nên động viên và trấn an khi con có cảm giác khó chịu, nhưng cha mẹ cũng cần dặn con tạm dừng, không bị cuốn vào cảm xúc để tránh đưa ra những hành động gây tổn thương người khác. Chúng ta thường nhận xét con là “đừng quá tức giận”, nhưng thay vì vậy, hãy bảo con rằng cơn giận xuất hiện không sao, chỉ cần con thực hành tạm dừng (như cách tập thở) và suy nghĩ kỹ về việc làm tiếp theo, chứ không nên hành động bộc phát.
Những hành động dán nhãn, gọi tên cảm xúc (emotional labelling) sẽ giúp chúng ta kiểm soát và “cho phép” cảm xúc trôi qua nhanh hơn (4). Để khuyến khích con nói lên cảm xúc của mình, chúng ta có thể sử dụng nhiều từ vựng mang tính mô tả cảm xúc trước mặt con như “Ba mẹ đang cảm thấy buồn phiền/lo lắng/nhẹ nhõm/hài lòng...”, hoặc hỏi thăm con đang cảm thấy như thế nào để con miêu tả những gì đang cảm nhận. Viết hoặc “vẽ” về cảm xúc trong nhật ký cũng là một cách hay để con tự tìm hiểu tâm trạng của mình và học cách chấp nhận.
Phẩm chất tích cực và lạc quan không nên là điều cản trở cơ hội học cách quản lý cảm xúc của trẻ. Các bạn nhỏ rất cần sự hỗ trợ và kiên nhẫn từ những người thân yêu để hiểu hơn về cách xử lý cảm xúc khó khăn và đối phó với chúng một cách lành mạnh khi vấp ngã trong cuộc sống.
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?