Hai năm đầu đời chính là lúc mà trẻ bắt đầu phát triển vận động với niềm đam mê khám phá và dần chủ động "góp nhặt" những trải nghiệm quý giá về thế giới xung quanh. Do đó, xây dựng thói quen vận động càng sớm càng tốt sẽ giúp tạo nền tảng vững chắc cho cuộc sống lành mạnh của trẻ sau này.
Không bao giờ là quá sớm để "thắp lên" niềm đam mê vận động trong trẻ. Nghiên cứu đã cho thấy rằng ngay từ khi trẻ con nhỏ, hoạt động thể chất giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường sức mạnh của xương và cơ bắp, duy trì cân nặng hợp lý (1). Bác sĩ Woodall-Ruff - Giám đốc Trung tâm Sức khỏe & Cân nặng Khỏe mạnh tại Bệnh viện Nhi đồng Stony Brook - cho biết: "Trẻ em hoạt động thể chất từ khi còn nhỏ có nhiều khả năng phát triển và duy trì một lối sống lành mạnh khi trưởng thành" (2).
Bên cạnh đó, hình thành thói quen vận động còn mang lại nhiều lợi ích lớn hơn cả sự phát triển thể chất đơn thuần. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng: Trẻ em hoạt động thể chất đều đặn có khả năng phát triển các chức năng não bộ như tăng khả năng tập trung, tư duy, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Bên cạnh đó còn có nhiều bằng chứng chứng minh việc tập thể dục có thể hỗ trợ tăng cường chức năng nhận thức ở một số nhóm trẻ đặc biệt và giảm sự suy giảm nhận thức khi về già (3).
1. Tạo môi trường vui vẻ: Sự tò mò và khát khao khám phá là những điểm đặc trưng của trẻ thơ. Nếu có khoảng thời gian vui vẻ và thú vị, nhiều khả năng bé sẽ muốn trải nghiệm điều đó thêm lần nữa. Theo John Gallucci Jr - nhà vật lý trị liệu, huấn luyện viên thể thao người Hoa Kỳ: "Mỗi đứa trẻ đều khác nhau, một số trẻ thích tập thể dục nhiều hơn" (4).
Tìm các hoạt động mà con thích và khuyến khích con vận động là điều rất quan trọng, nhưng đừng thúc ép con tập luyện nếu chúng không muốn. Điều này không những gây áp lực và ảnh hưởng đến động lực mà còn vô thức hình thành nên khái niệm tiêu cực về vận động thể thao trong tâm trí của chúng (4).
Điều đáng giá nhất là cha mẹ tôn trọng sự lựa chọn và sở thích của con, khuyến khích con tham gia vào hoạt động thể thao một cách tự nguyện, đam mê. Môi trường vui vẻ đầy sự khuyến khích giúp trẻ có thể tự khám phá, học hỏi và tận hưởng những trải nghiệm tích cực, lành mạnh trong tiến trình phát triển.
2. Biến các hoạt động thể chất thành thói quen hằng ngày của gia đình: Tính nhất quán là chìa khóa quan trọng. Hãy biến hoạt động thể chất thành một phần không thể thiếu trong thói quen hằng ngày của trẻ bao gồm các hoạt động như đi dạo, đạp xe, khiêu vũ, tập yoga hoặc tổ chức các trò chơi ở sân sau cùng gia đình. Những trải nghiệm này không những giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái càng trở nên thân thiết mà còn là một cách thức hữu hiệu để gián tiếp truyền tình yêu vận động đến với con trẻ.
Cho trẻ tập quét nhà, tự bỏ chén đũa vào bồn, tự bỏ quần áo vào máy giặt từ sớm... tại sao không?
Cha mẹ cũng có thể cho con tham gia vào các công việc nhà phù hợp với lứa tuổi, hoặc cho trẻ những món đồ chơi nhỏ giúp kích thích vận động, chẳng hạn như để trẻ chơi với cây chổi đồ chơi vừa tầm trẻ và để trẻ tham gia hoạt động quét nhà cùng cha mẹ. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy trẻ em vận động nhiều hơn mà còn dạy chúng những kỹ năng sống cần thiết trong tương lai.
3. Làm gương cho trẻ: Khoa học chứng minh rằng trẻ em có xu hướng "sao chép" cha mẹ, không chỉ là hành vi trong lối sống, thái độ, tư duy... mà thậm chí là thói quen tập thể dục. Con trẻ quan sát, học tập hình mẫu và đưa ra những hành động tương tự.
Natasha Trentacosta, bác sĩ chuyên về y học thể thao tại Los Angeles, cho biết: "Những trẻ em thường xuyên quan sát cha mẹ tham gia vào các hoạt động thể chất thường có xu hướng tự giác và hình thành lối sống năng động hơn. Đặc biệt, hiện nay, khi trẻ nhỏ đang dành quá nhiều thời gian cho màn hình máy tính mà bỏ quên tập thể dục thì việc có một hình mẫu lý tưởng để bắt chước chắc chắn sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho trẻ sau này" (5).
4. Tạo thử thách và trao thưởng: Hãy biến việc tập thể dục cứng nhắc trở thành một trò chơi thú vị đối với con. Chẳng hạn, cha mẹ có thể khuyến khích con đặt mục tiêu thực hành một kỹ năng nhất định trong một khoảng thời gian cụ thể mỗi ngày. Cùng con theo dõi tiến độ và khen thưởng khi con đạt được mục tiêu đó bằng những lời khen ngợi, những phần thưởng nhỏ hoặc những chuyến đi chơi đặc biệt.
Chẳng hạn, nếu con tỏ ra thích leo núi, phần thưởng cuối năm học của con có thể là một chuyến cắm trại nhỏ để gia đình được cùng vận động leo núi.
Cách làm này giúp củng cố suy nghĩ rằng: khi con nghiêm túc, việc tập luyện của chính con sẽ được coi trọng và đánh giá cao. Vì vậy, hãy hướng dẫn con cách tập trung vào những khía cạnh tích cực của hoạt động thể chất chứ đừng chỉ coi nó như một việc vụn vặt. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tận hưởng niềm vui vận động, dù nhỏ đến đâu, như là bước đi đầu tiên của trẻ, lần đầu đạp xe hai bánh hay ghi bàn trong một trò chơi. Đồng thời, hãy luôn lắng nghe và ủng hộ con trong việc tập luyện. Càng khuyến khích, con sẽ càng trở nên tự tin, nỗ lực hơn.
5. Dạy con về những lợi ích của việc vận động: Để khơi dậy niềm đam mê vận động ở trẻ, cha mẹ cần giáo dục con hiểu được tầm quan trọng của nó. Thảo luận về tầm quan trọng của các bài tập, các môn thể thao đối với sức khỏe và tinh thần con người.
Hãy tìm hiểu về sở thích và sở trường của con để tìm các hoạt động phù hợp. Nếu thích nghệ thuật, con có thể thử tham gia nhảy múa. Nếu con thích sự cạnh tranh, có thể tham gia các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ hoặc cầu lông...
Đừng quên tạo một môi trường hoàn hảo để thúc đẩy con vận động nhiều hơn bằng cách cung cấp các dụng cụ và đồ chơi thể thao cho con, như xe đạp, bóng, vợt cầu lông…
Việc giáo dục một đứa trẻ hiểu được tầm quan trọng của vận động không phải điều dễ dàng, nó cần sự kiên nhẫn, nghiêm túc và liên tục. Hãy thảo luận, lắng nghe và hỗ trợ con trong suốt hành trình này. Khi con nhận ra tầm quan trọng của vận động, tự mình trải nghiệm những niềm vui luyện tập, con sẽ tự động nuôi dưỡng niềm đam mê, thói quen và ý thức rèn luyện sức khỏe suốt đời.
Khi vừa chào đời, trẻ thường vận động theo cách áp bụng xuống mặt sàn hoặc mặt giường, với trọng lượng cơ thể dồn nhiều vào hai tay trẻ (6). Những lúc trẻ nằm sấp như vậy được gọi là "belly time" hay "tummy time" (tạm dịch là "thời gian nằm bụng"). Trẻ nên vận động với tummy time mỗi ngày, bởi lẽ, với sự giám sát của người lớn, tummy time có thể giúp bé phát triển khỏe mạnh ở các phần cơ cổ, vai và cánh tay, là tiền đề để trẻ có thể ngồi, bò và tự đi lại sau này. Không chỉ như vậy, thường xuyên vận động trong tummy time còn có thể giúp trẻ tránh được việc bị đầu phẳng do nằm quá nhiều (7).
Tummy time hỗ trợ nhiều trong việc phát triển kỹ năng vận động của trẻ.
Không chỉ để trẻ tự chơi và giám sát, cha mẹ cũng có thể kết hợp vận động khi tương tác cùng trẻ, với một số bài vận động tác động tới tay, chân, đầu và cổ, như là nâng tay, chuyển động chân theo động tác đạp xe, nâng đầu, đá chân...
Trẻ mới biết đi nên có ít nhất 3 giờ (180 phút) cho các hoạt động thể chất khác nhau mỗi ngày. Bao gồm các hoạt động nhẹ nhàng như đứng lên, di chuyển xung quanh, lăn và chơi, cũng như các hoạt động mạnh hơn như chạy, nhảy, đạp xe, chơi dưới nước, đuổi bắt... (8).
Trẻ từ 3 đến 5 tuổi nên hoạt động thể chất tối thiểu 180 phút (3 giờ) mỗi ngày. Hoạt động thường xuyên có thể giúp cải thiện sức khỏe của xương, cơ bắp, sự linh hoạt, đồng thời góp phần phòng ngừa bệnh tật và tạo nền tảng cho sự phát triển sau này.
Trẻ mẫu giáo vô cùng hiếu động và thích di chuyển, vì lẽ đó, đây chính là thời điểm vàng để khuyến khích thói quen tập thể dục lâu dài của trẻ. Cha mẹ có thể cho trẻ tham gia các môn thể thao đồng đội như bóng đá, bóng rổ... hoặc bơi lội, giúp trẻ làm quen với nước cũng là một trong những hoạt động lý tưởng cho trẻ ở giai đoạn này (9).
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) khuyến nghị trẻ em và thanh thiếu niên từ 6 đến 17 tuổi nên tập thể dục nhịp điệu với cường độ trung bình đến cao ít nhất 1 giờ mỗi ngày (10). Tham gia nhiều loại hình và cường độ thể chất để phát triển các kỹ năng vận động, cơ và xương đồng thời giảm thời gian ngồi hoặc nằm cùng tần suất sử dụng các thiết bị điện tử. Trẻ nên có sự phối hợp giữa các hoạt động bao gồm hoạt động thể chất nhẹ (đi bộ, đạp xe, làm việc nhà, nhảy múa), hoạt động tăng cường sức bền (chạy, tập luyện thể dục, yoga) và hoạt động mạnh (bóng đá, bóng rổ, bơi lội) (11).
Bạn thấy bài viết thú vị và muốn đọc thêm về Cha, Mẹ & Bé?